Thanh tra bảo hiểm nhân thọ: Sun Life 'dốc' gần 1.400 tỷ đồng vào trái phiếu

12/07/2023 10:25 AM | Kinh doanh

Với kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 9 năm qua, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy Công ty bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam dành gần 1.400 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022.

Chia vào 5 quỹ đầu tư

Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2022 Sun Life Việt Nam có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp dài hạn lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp này đạt 1.656 tỷ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm của Sun Life được chia vào 5 quỹ đầu tư gồm: Quỹ Tăng trưởng, Quỹ Tối ưu; Quỹ Đẳng cấp; Quỹ Cân bằng và Quỹ Bền vững. Trong đó, có 2 quỹ không có trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư gồm Quỹ Tối ưu và Quỹ Đẳng cấp. Trong danh mục tài sản đầu tư của 3 quỹ liên kết đơn vị còn lại, trái phiếu doanh nghiệp được Sunlife xếp vào công cụ đầu tư có thu nhập ổn định niêm yết hoặc chưa niêm yết, gồm: Trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Tại báo cáo tình hình hoạt động quỹ liên kết đơn vị năm 2022, Sun Life cho biết số tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Quỹ Cân bằng 13,4 tỷ đồng, Quỹ Bền vững ở mức 55,1 tỷ đồng. Thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 của Quỹ Cân bằng đạt 1,9 tỷ đồng, Quỹ Bền vững 6,1 tỷ đồng.

Năm 2022, Quỹ Cân bằng của Sun Life tập trung trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành, dòng tiền ổn định, lợi tức tốt và mức độ rủi ro vừa phải. Trong đó, khoản đầu tư trái phiếu Casper chiếm 14,2% và trái phiếu Taseco 13,1%.

Với Quỹ Bền vững, năm 2022, Sun Life đầu tư tới 69,2% vào trái phiếu doanh nghiệp. Các loại trái phiếu Sun Life lựa chọn đầu tư trong quỹ này gồm: trái phiếu Taseco, trái phiếu Trung Sơn Power, trái phiếu TNPower, trái phiếu Casper và trái phiếu Phát Đạt.

Thanh tra bảo hiểm nhân thọ: Sun Life 'dốc' gần 1.400 tỷ đồng vào trái phiếu - Ảnh 1.

Lỗ lũy kế gần 1 thập kỷ, Sunlife mạnh tay đầu tư trái phiếu.

Theo công bố của Sun Life, tỷ suất đầu tư thực tế của quỹ liên kết đơn vị có trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm (2020 - 2022) biến động mạnh. Cụ thể, tỷ suất đầu tư thực tế của Quỹ Cân bằng năm 2020 đạt 16,9%, tăng lên 27,2% vào năm 2021 tuy nhiên lại âm tới 19,3% năm 2022. Với Quỹ Bền vững, tỷ suất đầu tư năm 2020 ở mức 3,7% và tăng lên 7,7% trong năm 2022.

Lỗ lũy kế gần 4.600 tỷ đồng trong 9 năm liên tục

Năm 2022, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam đạt doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 5.173 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Dù doanh thu hoạt động bảo hiểm tăng nhưng Sun Life vẫn phải gánh khoản lỗ trước thuế 1.232 tỷ đồng.

Sun Life Việt Nam được thành lập năm 2013 với hoạt động chính kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Đến cuối năm 2022, công ty có 537 nhân viên, có 1 trụ sở chính, 2 chi nhánh, 39 địa điểm kinh doanh và 40 văn phòng tổng đại lý.

Sau khi hoạt động tại Việt Nam, Sun Life Việt Nam đã lỗ liên tiếp trong 9 năm và khoản lỗ luỹ kế gần 4.575 tỷ đồng.

Tại kết luận thanh tra vừa công bố, Bộ Tài chính nêu rõ, việc Sun Life hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TPHCM đôn đốc, rà soát việc Sun Life kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra.

Sun Life Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị Bộ Tài chính công bố sai phạm. Trong 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều.

Theo Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM