Xanh SM lớn nhanh như thổi

26/04/2024 07:27 AM | Kinh doanh

Thành quả này của ông Phạm Nhật Vượng đã và đang được chính thị trường "đo kiểm" kỹ càng.

Sáng 25/4, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại đây, một thông tin rất đáng chú ý được ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ: Công ty riêng của ông là GSM sẽ định hướng phát triển ra toàn cầu, khi có cơ hội sẽ IPO ở thị trường nước ngoài.

Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), vốn đang được công chúng gọi với tên quen thuộc là Xanh SM, được ông Phạm Nhật Vượng thành lập từ tháng 3/2023 bằng nguồn vốn cá nhân. Đến ngày 14/4/2023, GSM đã chính thức đưa dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam - Xanh SM vào hoạt động.

Chỉ sau 1 năm ra mắt, Xanh SM đã có bước phát triển đáng kinh ngạc thông qua những con số thống kê.

Xanh SM lớn nhanh như thổi- Ảnh 1.

Ảnh: GSM

Lớn nhanh như thổi

Từ ngày thành lập công ty đến khi chính thức ra mắt dịch vụ Xanh SM, GSM chỉ mất 38 ngày để hiện thực hóa một dự án nghìn tỷ, 51 ngày để tuyển dụng 1.700 nhân viên phủ trên 2 thành phố lớn nhất.

Vốn điều lệ của GSM cũng đã tăng vọt sau chưa đầy 1 năm. Cụ thể, theo bản đăng ký doanh nghiệp công bố ngày 24/1/2024, GSM có vốn điều lệ 9.666 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với lúc mới thành lập.

Theo báo cáo từ GSM ngày 15/4/2024, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách, mở rộng dịch vụ tới 36 tỉnh, thành phố.

Các chuyên gia đánh giá, đây là mức tăng trưởng kỷ lục mà một tân binh trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hành khách có thể đạt được, nhất là trong bối cảnh thị trường đã phủ kín dấu chân của những doanh nghiệp đi trước.

Bằng việc sử dụng 100% là ô tô và xe máy điện, đạt hơn 300 triệu km di chuyển trong năm qua, Xanh SM đã giảm phát thải 52.000 tấn CO2, tương đương 2,6 triệu cây xanh quang hợp trong suốt một năm.

Để so sánh, Thủ đô Hà Nội hiện chỉ có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, theo một báo cáo được VnExpress đăng tải cuối năm 2023.

Ngoài dịch vụ vận chuyển khách bằng taxi và xe máy điện ban đầu, hiện Xanh SM cung cấp thêm các dịch vụ cho thuê xe điện tự lái, có lái, mới nhất là ra mắt nền tảng Xanh SM Platform, cho phép chủ xe ô tô điện VinFast trên toàn quốc kết nối để cung cấp dịch vụ vận chuyển và chia sẻ doanh thu.

Tạp chí Nhịp sống thị trường dẫn theo nghiên cứu của Mordor Intelligence cho biết, sau 1 năm Xanh SM đã vươn lên đứng thứ 2 thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, chỉ sau Grab, chiếm 18,17% thị phần vào quý 4/2023. Con số này gấp đôi Be Group ở vị trí thứ 3 (9,21%), gấp hơn 3 lần thị phần của Gojek ở vị trí thứ 4 (5,87%).

Xanh SM lớn nhanh như thổi- Ảnh 2.

Ảnh: Nhịp sống thị trường

Bên cạnh đó, Mordor Intelligence cũng ghi nhận, Xanh SM đang sở hữu số lượng xe và số lượng chuyến xe mỗi ngày cao nhất trong lĩnh vực taxi truyền thống, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh.

Xanh SM cũng là hãng được đánh giá tốt nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng, so với các đối thủ taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO của GSM cho biết, tính đến hết năm 2023, GSM sở hữu lượng nhân sự lên tới 30.000 người, trong đó hơn 14.000 người là tài xế taxi. Dự kiến, đội xe sẽ chạm mốc 30.000 ô tô điện và 60.000 xe máy điện trong thời gian tới.

Để tham chiếu, Mai Linh, một trong những hãng taxi từng lớn nhất Việt Nam, tính đến hết năm 2022 đội xe có hơn 13.000 phương tiện và đội ngũ nhân sự gần 17.000 người, trong đó gần 15.000 tài xế lái taxi.

Xanh SM lớn nhanh như thổi- Ảnh 3.

Nguồn: Mordor Intelligence

Vươn ra quốc tế

Xanh SM đang hiện thực hóa tham vọng trở thành một start-up gọi xe có quy mô toàn cầu, bước đầu là thị trường ASEAN.

Ngày 9/11/2023, GSM có mặt tại Lào. GSM đang có 6 trạm sạc với 36 cổng sạc và là đơn vị sở hữu nhiều trạm sạc, cổng sạc ô tô điện nhất Vientiane, sắp tới dự kiến xây dựng lên thành 13 trạm sạc và 72 cổng sạc tại nhiều thành phố của Lào.

Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO của GSM, trả lời với báo Sài Gòn đầu tư tài chính, GSM đã lên kế hoạch hoạt động tại Campuchia. Indonesia, Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo, trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025.

Tại Indonesia, GSM thậm chí còn đưa ra mục tiêu sẽ đầu tư 900 triệu USD vào đất nước này, động thái được tiến hành song song với sự hiện diện mạnh mẽ của VinFast tại đây.

Xanh SM lớn nhanh như thổi- Ảnh 4.

Dàn xe Xanh SM tại Vientiane, Lào. Ảnh: GSM

Ông Nguyễn Thành Nhân - chuyên gia phân tích dữ liệu của Công ty Khai thác và Phân tích dữ liệu kinh tế Việt Nam cho rằng, hãng gọi xe Việt đang đang có những bước đi khôn ngoan.

“Doanh thu của các hãng như Grab, Gojek vẫn tăng trưởng mạnh. Điều đó cho thấy dịch vụ gọi xe chưa hề tới điểm bão hòa và vẫn còn nhiều dư địa cho những hãng gọi xe có tầm nhìn, sự đầu tư nghiêm túc như Xanh SM”, vị chuyên gia nhấn mạnh trên Vietnamnet.

"GSM có thể kiểm soát tốt dịch vụ nhờ việc chủ động được nguồn phương tiện chất lượng cao từ nhà cung cấp VinFast. Điều này các hãng gọi xe khác không thể làm được do họ phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện của các đối tác tài xế”, chuyên gia kinh tế Vũ Anh Tuấn nhận định trên Pháp luật TP.HCM.

Znews dẫn lời TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore cho rằng: "Dù còn khá "trẻ" nhưng Xanh SM đang cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại thì Xanh SM có thể sẽ truất ngôi Grab tại thị trường Việt Nam".

Ông Lê Thế Trung, TGĐ CTCP Tư vấn và giáo dục John&Partners nói với Nhịp sống thị trường, GSM sẽ giúp VinFast có thêm một nguồn tiêu thụ lớn. Đối với các xe tại GSM được cho thuê để tham gia hoạt động taxi, việc này cũng sẽ giúp VinFast tận dụng tạo ra dòng tiền. Thực tế cho thấy, trong năm 2023, Xanh SM góp hơn 20.000 tỷ đồng doanh thu trên báo cáo tài chính hợp nhất Vingroup, số tiền này đến từ giao dịch với VinFast.

Nguồn lực cộng đồng

Về phía tài xế và người sử dụng dịch vụ, Xanh SM cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực. Theo đó, nhiều người dùng chia sẻ trải nghiệm "đáng tiền" với taxi Xanh SM.

"Không giống một số xe taxi khác đã chạy lâu năm hay xe cá nhân chạy dịch vụ, taxi điện sạch sẽ, không mùi nên trẻ nhà tôi không sợ, lên xe ngủ một giấc là đến nơi", anh Nam Anh (Hà Nội) chia sẻ với Dân trí.

Trên Vnexpress, anh Thái Dương cho biết: "Tôi là người dùng thường xuyên của Xanh SM từ khi hãng đến TP.HCM, bởi di chuyển bằng các dòng xe điện không có tiếng ồn động cơ, xe không phát thải, là xu hướng giao thông văn minh trên toàn cầu".

Nhiều tài xế phản ánh với truyền thông, họ hào hứng khoác lên mình màu áo xanh lục lam của dịch vụ Xanh SM Taxi tiêu chuẩn, hay bộ vest chỉn chu của dịch vụ Xanh SM Luxury cao cấp.

Báo Thanh Niên ghi nhận, thu nhập thực tế mỗi tháng của tài xế có thể lên tới 20-25 triệu đồng, chi phí vận hành xe tiết kiệm đến 86%, được ký hợp đồng lao động với lương cứng và đóng bảo hiểm đầy đủ, nhiều đãi ngộ “thưởng chồng thưởng”… là những điểm cộng vượt trội mà các tài xế Xanh SM nhận được.

Xanh SM lớn nhanh như thổi- Ảnh 5.

Ảnh: GSM

Chị Thế Hậu (31 tuổi, Đà Nẵng), một tài xế nữ nói với Thanh Niên: "Không cần bỏ vốn đầu tư để mua xe, hàng ngày tôi yên tâm di chuyển trên xe điện VF e34 vừa thông minh và an toàn cho người cầm lái, vừa không gây tiếng ồn, không phát thải, từng ngày giảm bớt gánh nặng cho môi trường".

“Chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng ban đầu tôi đã được giao chiếc xe máy điện trị giá hơn 50 triệu đồng để bắt đầu công việc. Thu nhập ước tính theo chính sách hiện tại có thể đạt tối thiểu 6 triệu đồng mỗi tháng là con số mơ ước của sinh viên năm nhất như tôi”, tài xế Văn Hoàn trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet.


Theo Bích Câu

Cùng chuyên mục
XEM