Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi?

25/08/2023 09:58 AM | Kinh doanh

Việc Trung Quốc kích thích ngành xe điện khiến thị trường này đang xì hơi bong bóng tương tự như mảng bất động sản, và thậm chí có nguy cơ lan sang cả Mỹ.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 1.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), bong bóng ngành xe điện tại Trung Quốc đang xì hơi sau khi chính phủ dừng hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc thị trường bão hòa khi cung vượt cầu đã khiến nhiều hãng xe phải liên tục dìm giá nhằm giữ sự cạnh tranh trên thị trường.

Mới đây, hãng Tesla của Elon Musk đã phá vỡ thỏa thuận ngừng hạ giá thành với những doanh nghiệp sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc vào tháng 7/2023.

Cam kết này được các hãng xe thực hiện chỉ vài ngày sau khi chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố lo ngại về tình hình thị trường trong bối cảnh các sản phẩm ô tô điện đua nhau dìm giá.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 2.

Tuy nhiên để giữ thị phần và tăng doanh số khi thị trường xe điện Trung Quốc đã bão hòa, đế chế nhà Elon Musk đã quyết định phá vỡ thỏa thuận vào tuần trước khi tiếp tục giảm giá sản phẩm.

Tờ WSJ nhận định mặc dù việc hạ giá thành có lợi cho người tiêu dùng nhưng cuộc chiến này lại làm xói mòn lợi nhuận, doanh số và thị phần của những hãng xe, qua đó khiến nhiều công ty phá sản, đóng cửa hoặc chấp nhận lỗ vốn nhưng vẫn phải đốt tiền để duy trì.

Lan sang Mỹ

Hãng xe điện liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc trong tháng 8/2023 đã phải giảm giá 8.200 USD cho dòng ID 6 X, trong khi GM Chevrolet thì giảm giá hơn 25% xe điện của mình tại thị trường này.

Tờ WSJ cho hay dù xe điện hiện chiếm đến 1/3 tổng doanh số ô tô bán mới tại Trung Quốc nhưng lượng cung đang vượt quá xa so với nhu cầu thực tế. Thậm chí khoảng cách này sẽ còn kéo rộng hơn nữa khi nền kinh tế giảm tốc, đối mặt với nhiều thách thức khiến nhu cầu tiêu dùng yếu.

Các chuyên gia nhận định ngành xe điện của Trung Quốc đang gặp thách thức chẳng kém gì mảng bất động sản của nước này.

Chính quyền Bắc Kinh đã kích thích bằng cách bơm vốn gia tăng sản lượng xe điện để rồi giờ đây ngồi giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu, tương tự như thị trường bất động sản thừa mứa những thị trấn ma chẳng ai ở.

Tệ hơn, sự xì hơi này có nguy cơ lan sang cả Mỹ.

Hãng nghiên cứu Cox Automotive mới đây cho hay lượng tồn kho xe điện bình quân ở Mỹ đã lên đến tương đương 103 ngày cung ứng, tức cao gấp đôi so với ô tô chạy xăng. Chính điều này đã khiến hàng loạt các hãng xe và nhà môi giới phải giảm giá để giải quyết lượng cung dư thừa.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 3.

Báo cáo của Cox cho thấy mức giá xe điện bình quân mà người Mỹ phải trả hiện đã thấp hơn 20% so với năm ngoái, xuống còn 53.438 USD/chiếc, do cuộc chiến dìm giá mà Tesla khơi mào.

Những thương hiệu lớn như Ford hiện cũng đã phải hạ mức sản lượng mục tiêu xe điện do thua lỗ cùng tồn kho gia tăng. Tính đến tháng 6/2023, Ford đã tồn kho 116 ngày cung ứng cho dòng xe điện Mustang Mach E.

Tương tự, hãng GM cũng tồn kho đến hơn 100 ngày cung ứng với dòng xe điện Hummer của mình bất chấp nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục trở lại hậu đại dịch.

Sự thua lỗ trong mảng xe điện khiến nhiều tập đoàn xe hơi xem xét nâng giá ô tô xăng nhằm bù đắp lợi nhuận trong cuộc chiến này.

Với những startup xe điện, họ không còn cách nào khác ngoài việc xin thêm vốn để duy trì đốt tiền hoặc phải đóng cửa.

Một số hãng như Stellantis thì dịch chuyển nhà máy sang Mexico nhằm hạ chi phí dù điều này có thể khiến sản phẩm của hãng không đủ tiêu chuẩn nhận khoản hỗ trợ từ Đạo luật chống lạm phát (IRA).

Không dừng lại ở đó, lãi suất tăng cao khiến các hãng xe ngày một khó khăn hơn trong việc vay nợ và thanh toán các khoản tín dụng. Điều này dẫn đến việc nhiều công ty không thể mở rộng sản xuất để kiếm lời như kế hoạch và thậm chí đi đến phá sản vì vỡ nợ.

Gần đây nhất, hãng Lordstown Motors đã nộp đơn phá sản vào tháng 6/2023. Hãng Nikola Corp thì cảnh báo về khả năng có thể tiếp tục tồn tại đến hết năm nay.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 4.

Những "nghĩa địa xe điện' ở Trung Quốc

“Nghĩa địa xe điện”

Quay trở lại khởi điểm của mọi bong bóng, trong suốt 10 năm qua, hàng loạt những hãng xe điện đã mọc lên tại Trung Quốc nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự hứng thú của thị trường cũng như dòng vốn đổ vào mảng này.

Hệ quả là lượng lớn nguồn cung xe điện được tung ra thị trường nhằm hưởng lợi trên các khoản hỗ trợ này.

Theo Bloomberg, hình ảnh này gợi nhớ lại làn sóng bùng nổ xe đạp năm 2018. Thị trường bong bóng này đã khiến hàng chục triệu chiếc xe đạp bị vứt bỏ ngoài bờ sông, công viên hay bãi rác khi cơn sốt qua đi.

Các hãng xe điện Trung Quốc đã cho ra lò lượng lớn sản phẩm dù mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Thậm chí nhiều chiếc ô tô chỉ chạy được 100km cho mỗi lần sạc đầy nhưng cũng được đem ra bán.

Hiện Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới với khoảng 6 triệu ô tô điện lẫn xe Hybrid được sản xuất năm 2022, chiếm 1/3 tổng số xe bán mới nội địa.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện cũng chiếm 60% lượng xe điện toàn cầu, đồng thời có hệ thống cơ sở hạ tầng cho ô tô điện hoàn thiện nhất.

Thậm chí đến những tập đoàn bất động sản đang ngập trong nợ nần như Evergrande cũng đã phát triển bộ phận kinh doanh xe điện để bắt kịp xu thế, để rồi chính mảng này bị công ty xóa sổ đầu tiên khi vỡ nợ.

Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp, startup xe điện khác tại Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa do cạnh tranh quá khốc liệt trên thị trường khi nhà nhà, người người làm xe điện nhưng nhu cầu thì chỉ có giới hạn.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 5.

Thế rồi việc chính quyền Bắc Kinh dừng các khoản hỗ trợ để doanh nghiệp tự sống, cuộc chiến dìm giá khơi mào bởi Tesla để giành thị phần càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Tờ WSJ cho hay khoảng 400 doanh nghiệp xe điện tại Trung Quốc đã phải đóng cửa trong vài năm trở lại đây.

Xung quanh nhiều thành phố lớn là những “nghĩ địa xe điện” với hàng đống những sản phẩm lỗi thời hoặc của các công ty phá sản.

Việc phát triển quá nhanh khiến nhiều dòng xe điện cũ kỹ bị thải loại nhanh chóng khi chưa kịp chạy nhiều cũng như đóng góp cho việc bảo vệ môi trường.

Hậu quả là những chiếc xe này bị bỏ hoang không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường hơn.

Theo Bloomberg, cuộc chạy đua ngành xe điện quá ồ ạt hiện nay đang làm giảm những ưu thế về khí thải nhà kính của mảng này.

Các nhà máy sẽ phải tốn nhiều năng lượng hơn để chế tạo, các mỏ khai khoáng kim loại quý sẽ phải nâng công suất hơn.

Trong khi đó sản phẩm xe điện chỉ ra mắt được vài năm là bị vứt bỏ, nhường chỗ cho dòng ô tô mới, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Mặc dù ắc quy đã qua sử dụng của xe điện chứa những thành phần quý giá như Niken, Lithium hay Cobalt, vốn có thể tái chế để giúp ngành này thân thiện môi trường hơn.

Thế nhưng chi phí tái chế đắt đỏ cũng như sự cạnh tranh sống sót giành thị phần hiện nay khiến chẳng hãng nào thèm quan tâm.

Trước tình hình trên, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng trở lại chính sách ưu đãi thuế cho ngành xe điện để giảm bớt căng thẳng trên thị trường.

Tesla phá vỡ thỏa thuận 'đình chiến', hơn 400 hãng xe điện đóng cửa: Bong bóng ngành ô tô sắp xì hơi? - Ảnh 6.

Bất chấp điều đó, các hãng xe vẫn giảm giá kịch liệt khi sản lượng nguồn cung xe điện quá dư thừa sau những năm tháng được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi.

Giờ đây để tồn tại và giải quyết sản lượng tồn, họ buộc phải giảm giá sản phẩm dù bị xói mòn lợi nhuận, điều mà ngay cả thương hiệu lớn như Tesla cũng đang phải làm.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM