"Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể": Không biết hay dở thế nào, nhưng chỉ thấy buồn cười!
Để nói rằng "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" hay hay dở là một điều khó nói, chỉ biết, đây là một phim rất buồn cười và giải trí.
Trong năm nay, có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là bộ phim nóng nhất vì những ồn ào và tranh cãi xung quanh nó. Vậy chất lượng của phim ra sao? Quả thực, tôi không thấy phim hay, cũng không thấy nó quá dở, chính xác thì cảm nhận rõ ràng nhất của tôi là thấy buồn cười. Nhưng dù nói gì thì nói, bộ phim vẫn có những ưu và nhược rõ ràng.
Đầu tiên, phải nói rằng mặt hình ảnh của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể được làm chỉn chu, có phần vượt trội so với mặt bằng chung của phim Việt. Những đại cảnh về thiên nhiên rất hùng vĩ và ấn tượng, trong khi đó, các phân đoạn có sự tác động của kỹ xảo cũng được làm tốt.
Phục trang của phim được đầu tư, có thể nói, những bộ quần áo hay kiểu tóc trong Tấm Cám không hẳn thuần Việt mà có ảnh hưởng nhiều từ thời hiện đại và những nền văn hóa khác. Sự kết hợp này, xuất hiện trong một bộ phim thuộc thể loại kì ảo (Fantasy) là một điều hợp lý.
Những cảnh chiến đấu trong phim được dàn dựng công phu, đặc biệt là những cảnh đấu tay đôi. Tuy nhiên, trong những cảnh chiến đấu lớn thì lại khá lộn xộn và tạo cảm giác khó hiểu về mặt không gian. Lý do cho việc này thì cũng được Ngô Thanh Vân nhắc đến, chủ yếu là do không có người và đủ kinh phí để thực hiện.
Một bộ phim là tập hợp của những cảnh quay được nối vào nhau, cho nên, việc chuyển cảnh đóng vai trò cực kì quan trọng, và trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể có những cảnh chuyển khá khéo léo và cho thấy sự tính toán của đạo diễn từ trong quá trình quay phim. Ví dụ như việc chuyển cảnh từ chiếc váy quê mùa của Cám đang mặc lúc hiện tại sang cảnh cô đang xúng xính thử váy mới để chuẩn bị đi dự yến tiệc chẳng hạn.
Người ta nói rằng, một kịch bản tốt chưa chắc ra một bộ phim hay nhưng một bộ phim hay thì chắc chắn có phải có một kịch bản tốt. Thực ra thì cũng có ngoại lệ, nhưng chỉ khi bạn là Vương Gia Vệ thì mới làm nổi phim khi không có kịch bản.
Điểm trừ của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể nằm ở khâu kịch bản. Các tình tiết trong phim được sắp xếp lỏng lẻo và không thuyết phục. Lúc đầu, câu chuyện xoay quanh cuộc đời của ba mẹ con nhà Tấm Cám, nhưng đến nửa sau, lại chuyển hướng sang nhân vật Thái Tử, đẩy lên vai anh trọng trách giữ vững giang sơn, rồi để cuối phim, lại gượng ép đưa câu chuyện ba mẹ con Tấm Cám vào. Đành rằng, tên phim là Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể để ngụ ý rằng phim không chỉ có Tấm và Cám. Nhưng việc chọn ra một nhân vật chính của đường dây và bám theo đó là rất quan trọng.
Và cũng do kịch bản như vậy, các nhân vật của phim đều kiểu một chiều, kẻ ác thì vẫn ác từ đầu đến cuối, đã thế càng về cuối phim thì nhan sắc càng kinh hơn. Nhân vật u mê thì đến cuối phim cũng chẳng khôn lên tí nào.
Và nói đến chuyện buồn cười, thì có hai nhân vật là thái giám Thuận Nô do Jun thủ vai và Nguyễn Lực của Ngọc Trai là cây hài chính trong phim. Tuy nhiên, mình thấy những đoạn buồn cười nhất phim thì đều không phải do hai nhân vật này.
Jun mặc dù rất duyên dáng với vai diễn của mình nhưng xuất hiện quá ít
Nhân vật Tấm do Mỹ nữ vạn người mê Hạ Vi thủ vai mới chính là nhân vật đem lại nhiếu tiếng cười nhất trong Tấm Cám. Đầu phim, Tấm vừa đi vừa hát, tay cầm rọ đựng cá trông như mấy bạn đi bắt Pokemon Go ngoài đường. May cho cô, không bị ngựa của Thái Tử giẫm chết. Tiếp đó, Tấm về nhà ngồi ngâm thơ với cá… Thế rồi, tôi chỉ thấy Tấm khóc, cười, xong lại khóc. Khóc nhiều đến nỗi để bụt hiện lên cũng hỏi rằng khóc nhiều thế không mệt à. Có thể thấy Tấm chính là kiểu nhân vật "tóc vàng hoe" dùng nước mắt để đòi hỏi mọi thứ. Thường trong phim kinh dị, mấy nhân vật kiểu này sẽ chết đầu tiên, mà đúng thật, trong phim Tấm Cám, Tấm chết còn chết trước cả bố chồng đang già yếu thoi thóp.
Hạ Vi trong vai Tấm
Vẫn biết, diễn xuất của Hạ Vi là hạn chế nhưng nó không gây cười, cái sự buồn cười ở đây là do sự kết hợp không khớp với các hiệu ứng trong phim, trong trường hợp này là slow-motion. Đỉnh điểm là cảnh Tấm ngã từ cây cau xuống. Thường, mỗi đạo diễn sẽ có thức khác nhau để làm việc với những diễn viên không chuyên để giúp họ diễn tốt hơn. Như trong Áo Lụa Hà Đông, trong cảnh chạy bom ở cuối phim, nghe nói đạo diễn Lưu Huỳnh đã không tiết lộ thông tin sẽ có bom nổ cho dàn diễn viên quần chúng, sự bất ngờ sẽ giúp họ diễn thật hơn. Còn như trong Tấm Cám, có lẽ Ngô Thanh Vân có bảo Hạ Vi là chị đếm đến 5 thì em diễn cảnh "ngã cây" nhé và chắc chắn rằng ngã sẽ không đau đâu, nhưng, chắc Ngô Thanh vân chỉ đếm đến 2 rưỡi thì đã chặt cây nên mặt của Hạ Vi kiểu vẫn đang trong dòng suy nghĩ quả này rơi xuống tan xác rồi, ai hốt xương tôi mà chôn ra bốn góc vườn đây? Mà nhìn khuôn mặt ấy, chắc ai cũng nghĩ đây không phải lần đầu tiên Tấm ngã cây.
Thái tử Isaac - Người ngây thơ nhất phim
Rồi đến nhân vật Thái Tử của Isaac, anh này đúng kiểu Jon Snow trong Game of Thrones vì cái gì cũng không biết, thích gì làm đấy và không suy nghĩ đến hậu quả của mọi việc. Nhưng không hiểu, số anh may hay xui mà trong phim năm lần bảy lượt bị ám hại đều không chết, chung quy lại là có hai lý do, một là do đẹp trai không được chết, hai do là vong theo từ đầu đến cuối phim (ở đây là Tấm). Câu chuyện của Thái Tử cũng đậm chất siêu anh hùng, mất mẹ, sống trong cảnh giàu sang cùng người cha già ốm yếu, văn võ song toàn. Dị ở chỗ, các siêu anh hùng thường gặp biến cố như kiểu tiêm thuốc, nhiễm xạ hay có thầy giáo dạy dỗ, nhưng với Thái Tử, sau khi vợ chết, anh chỉ nuôi chim trong lồng và uống rượu nhưng sức mạnh thì hóa thú, đánh nhau bay lượn như Ngọa Hổ Tàng Long. Cả phim, cứ tưởng anh là Batman nhưng đến cuối phim thì mới lộ ra là Wolverine.
Thái tử Isaac - Người ngây thơ nhất phim
Thêm nữa, các nhân vật phản diện trong phim không thiếu những cảnh ngửa mặt lên trời cười ha hả như ông Joker trong Suicide Squad. Tuy nhiên, tất cả vẫn không thể địch lại quả thừa tướng sau khi đại chiến xong với Thái Tử nhìn một phát xuyên qua cả vũ trụ ngân hà. Mà thực ra, phản diện phim này rất đáng thương, toàn do bị lừa, người khác lợi dụng chứ bản chất không xấu. Cám chỉ muốn giàu, dì ghẻ chỉ muốn Tấm chăm chỉ làm việc hơn, thừa tướng chỉ muốn sửa lại dung nhan nhưng hồi đó chưa có phẫu thuật thẩm mỹ nên hơi bừa. Đến cuối phim mới lộ rõ ra phản diện là Tấm.
Cám thực ra là người tốt
Nói chung thì, nếu muốn có một trận cười sảng khoái thì bạn nên đi xem Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, bảo hay dở thì nói hết ở trên rồi nhưng nói chung thì phim rất giải trí. Phải ghi nhận đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp, một bộ phim quá tham vọng và nhiều thứ mạo hiểm.