Sự trỗi dậy của Đông Nam Á - "Thỏi nam châm" đang hút lượng vốn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc
Từ thập niên 1980, Nhật Bản đã là nhà đầu tư lớn tại Đông Nam Á, nhưng tình hình giờ đây đã khác khi Trung Quốc dần chiếm vị thế lớn hơn trong khu vực này.
Số liệu mới đây của Maybank Kim Eng cho thấy Trung Quốc đã chi 14,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á trong năm 2015, cao gần gấp đôi so với năm trước đó và hơn rất nhiều lần so với mức 156 triệu USD cách đây 10 năm. Các mảng đầu tư của Trung Quốc rất rộng, trải dài từ sản xuất, khai khoáng, nông nghiệp cho đến tài chính, du lịch, dịch vụ.
Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế nóng với hàng nghìn tỷ USD tiết kiệm được trong dân chúng, Trung Quốc giờ đây đang tìm kiếm các kênh đầu tư ở nước ngoài nhằm giải phóng tình trạng dư thừa sức lao động, tìm kiếm nguồn tăng trưởng lợi nhuận mới và quan trọng hơn hết là củng cố vị thế trên toàn cầu.
Vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào Đông Nam Á đã tăng lên mức kỷ lục (tỷ USD)
Hiện Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm tới Đông Nam Á khi nền kinh tế khu vực này có lực lượng lao động rẻ, chi phí sản xuất thấp cũng như chiếm vai trò quan trọng trong các kế hoạch “Con đường tơ lụa”, “Một vành đai, Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó, Maybank cho rằng Đông Nam Á thu hút nhiều FDI từ Trung Quốc là do nền kinh tế khu vực này tăng trưởng nhanh, thị trường tiêu dùng lớn trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng lại cao. Chính điều này đã biến Đông Nam Á trở thành khu vực lý tưởng cho các công ty xây dựng thừa năng suất và nhiều vốn của Trung Quốc tràn sang.
Mới đây, Chủ tịch Tập đã cam kết đầu tư 540 tỷ Nhân dân tệ (79 tỷ USD) cũng như kêu gọi các ngân hàng quốc doanh khác đầu tư thêm 300 tỷ Nhân dân tệ cho dự án “Một vành đai, Một con đường”. Hãng Credit Suisse dự đoán chương trình này có thể đầu tư tới 502 tỷ USD tại 62 quốc gia, bao gồm cả Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới.
Thống kê của ngân hàng Citigroup cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào 5 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã đạt 13,5 tỷ USD năm 2016, lần đầu tiên vượt qua số tiền đầu tư của Nhật Bản vào đây.
Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài phải đi khi tính cả 10 nước thành viên của ASEAN, nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất năm 2015 lại đến từ chính các nước này chứ không phải một nền kinh tế lớn nào khác. Liên minh Châu Âu (EU) đứng thứ 2, sau đó là Nhật Bản và Mỹ.
Sự trỗi dậy của Đông Nam Á
Sau nhiều năm tăng trưởng theo đuôi khu vực Bắc Á, nền kinh tế Đông Nam Á đã trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn tại Châu Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt 5% từ nay đến năm 2022, trong khi tăng trưởng của Bắc Á chỉ vào khoảng 3%.
Tăng trưởng của Đông Nam Á vượt Bắc Á (%)
Theo ngân hàng ANZ, sự dịch chuyển cơ cấu dân số khi Trung Quốc ngày một già còn Đông Nam Á với lực lượng lao động trẻ, nhân công rẻ, thị trường tiêu dùng lớn đang làm thay đổi đà tăng trưởng tại đây. Cũng tương tự như nhiều nước Phương Tây, Trung Quốc đang dần trở thành một nước phát triển và tăng trưởng của họ không còn có thể mạnh như nền kinh tế trẻ Đông Nam Á.
Hãng Nomura Holding cho biết trong khi dân số của Trung Quốc, Hongkong và Nhật Bản tiếp tục già đi từ năm 2015 thì lực lượng lao động tại Đông Nam Á sẽ còn tăng trưởng đến năm 2020. Ví dụ như tại Philippines, lực lượng lao động trong độ tuổi 15-65 sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, còn Malaysia là 1,6%.
Tăng trưởng lao động vẫn mạnh tại Đông Nam Á
Chính đà tăng trưởng tiềm năng này mà hàng loạt các công ty đổ xô đầu tư vào những thị trường nơi đây. Hãng Coca Cola đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam và Myanmar, Apple thì xây trung tâm nghiên cứu tại Indonesisa còn Heineken thì tham gia đấu thầu cạnh tranh với Anheuser Busch Inbev, Asahi và Kirin để mua cổ phần của hãng bia quốc doanh lớn nhất Việt Nam.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm bắt kịp với đà tăng trưởng kinh tế. Số liệu của Ernst & Young cho thấy chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của 10 nước ASEAN từ nay đến năm 2025 sẽ đạt bình quân 110 tỷ USD/năm.