Khách du lịch – "Vũ khí" mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế

31/05/2017 08:02 AM | Kinh tế vĩ mô

Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài không còn là một điều xa lạ đối với Bắc Kinh để đạt được mục đích chính trị của họ. Nhưng gần đây, chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng họ có thể gây áp lực lên các nước khác bằng cách cấm khách du lịch đi đến các quốc gia không ủng hộ chính sách do giới cầm quyền của quốc gia này đưa ra.

Việc cấm nhập khẩu các sản phẩm như xoài, than và cá hồi từ lâu đã là cách trừng phạt của Trung Quốc đối với các quốc gia từ chối làm theo đường lối chính trị của họ.

Nhưng Bắc Kinh đã cho thấy rằng Trung Quốc có thể gây tổn thương các nước khác bằng cách cắt giảm một loại hình xuất khẩu sinh lời của Trung Quốc. Đó là khách du lịch, những người thường xuyên đi đến Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Các nhà phân tích nói rằng cuộc tẩy chay Hàn Quốc gần đây của Trung Quốc do lá chắn tên lửa của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên cho thấy tình trạng gây hấn ngày càng tăng cao. Điều đó phần nào được thể hiện thông qua chính sách kinh tế trả đũa của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cấm các nhóm du lịch Trung Quốc đặt chân đến Hàn Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường du lịch của quốc gia này và các cửa hàng miễn thuế của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte, vốn đã bị Trung Quốc nhắm tới do cung cấp đất cho hệ thống phòng thủ mang tính tranh cãi của Mỹ.

Hàng chục siêu thị của Lotte phải đóng cửa tại Trung Quốc và các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp quốc gia này tẩy chay các doanh nghiệp và hàng nhập khẩu của Hàn Quốc. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đẩy mạnh áp lực lên Seoul nhằm đòi chính phủ quốc gia này dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được xem là mối đe dọa quân sự cho Trung Quốc.

Khách du lịch – Vũ khí mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế - Ảnh 1.

Lotte cũng đã phải chịu đựng những thất bại trong một số dự án ở Trung Quốc – từ việc chính phủ yêu cầu ngừng xây dựng dự án công viên giải trí trị giá 2,6 tỷ USD cho đến các cuộc tấn công mạng lên các trang web của công ty này.

Shaun Rein, người sáng lập Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết: “Nếu bạn không làm theo những gì các nhà lãnh đạp chính trị muốn, họ sẽ trừng phạt bạn về kinh tế. Họ ép các chính trị gia trên khắp thế giới về mặt kinh tế. Họ đã làm điều đó trong nhiều năm và nó có hiệu quả.”

Nhà tổ chức tour du lịch Korea-China International Tourism đã báo cáo sụt giảm 85% khách du lịch trong những tháng gần đây. Nguyên nhân được người sáng lập công ty này cho rằng là sự tức giận của Trung Quốc đối với THAAD.

Công ty du lịch này thường tiếp nhận 4000 lượt khách du lịch Trung Quốc/tháng, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 500 sau khi Bắc Kinh cảnh báo khách du lịch về những nguy cơ khi đi sang Hàn Quốc, và yêu cầu các nhà điều hành tour của Trung Quốc dừng việc đưa khách hàng của họ sang quốc gia ở phía Nam bán đảo Triều Tiên.

“Cây gậy và củ cà rốt”

Khách du lịch – Vũ khí mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế - Ảnh 2.

Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc có thể gây tổn thương lên các nước khác bằng cách chặn đứng một số hàng nhập khẩu nhất định.

Na Uy đã học được bài học này. Sau khi Ủy ban giải thưởng Nobel ở Oslo trao giải Hòa bình 2010 cho tù nhân Lưu Hiểu Ba, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu cá hồi từ Na Uy. Mối quan hệ giữa 2 nước chỉ trở lại bình thường vào tháng 4 sau khi Olso cam kết thực hiện chính sách ‘một Trung Quốc’ và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Du lịch đến Đài Loan cũng đã giảm mạnh sau khi mối quan hệ giữa 2 lãnh thổ trở nên tồi tệ hơn. Theo báo cáo của Hiệp hội khách sạn Đài Loan, khách du lịch Trung Quốc đã giảm tới 50% trong các tháng gần đây và họ cảnh báo “tình hình có thể còn tồi tệ hơn.”

Trái lại, những nước làm theo yêu cầu của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi.

Một lệnh cấm đối với 27 công ty xuất khẩu hoa quả nhiệt đới của Philippines đã được dỡ bỏ sau khi Tổng thống nước này Rodrigo Duterte tuyên bố “ly thân” với Mỹ trong một chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10.

Hàn Quốc hy vọng sẽ đạt được một kết quả tương tự sau khi Tổng thống mới Moon Jae-In cử đặc phái viên của mình là Lee Hae-Chan đến Trung Quốc sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trong một nỗ lực rõ ràng để hàn gắn mối quan hệ với Bắc Kinh.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM