Những "khách hàng đầu bạc" đang khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phải dịch chuyển như thế nào?

01/06/2017 08:03 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo hãng tin Bloomberg, tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bởi nhóm người già tại Trung Quốc đạt 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (651 tỷ USD) vào năm 2014, tương đương 8% GDP và con số này ước tính sẽ đạt 33% GDP vào năm 2050, tương đương 106 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Trong nhiều thập niên, hãng sữa Nestle đã cố gắng quảng bá sản phẩm sữa bột của mình cho các bà mẹ Trung Quốc để chăm sóc cho con mình. Giờ đây, công ty này đang phải chuyển hướng tập trung khách hàng sang những người già trước tình hình lão hóa dân số của thị trường số 1 thế giới này. Trong tuần trước Nestle đã tung ra dòng sản phẩm mới Nestle Yang, loại sữa bột có ích cho phát triển trí não đối với người già.

Sản phẩm mới của Nestle cho thấy một thực trạng không mấy sảng sủa cho nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, đó là việc lão hóa dân số.


Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng (nam-nữ/ triệu người)

Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng (nam-nữ/ triệu người)

Với khoảng 222 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 16,1% dân số, Trung Quốc đang là nước có nhiều người già nhất thế giới và các tập đoàn đã bắt đầu khai thác tiềm năng phát triển cho những đối tượng khách hàng lắm tiền thiếu sức khỏe này.

Theo hãng tin Bloomberg, tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bởi nhóm người già tại Trung Quốc đạt 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (651 tỷ USD) vào năm 2014, tương đương 8% GDP và con số này ước tính sẽ đạt 33% GDP vào năm 2050, tương đương 106 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Số người già tại Trung Quốc khi đó sẽ chiếm 1/4 tổng số người cao tuổi trên toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết nước này dự định sẽ nâng mức tiêu thụ của người già lên 30 tỷ Nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) vào năm 2020.

Vào năm 2013, Trung Quốc có khoảng 202 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 14,9% dân số nhưng con số này sẽ tăng lên 480 triệu người vào năm 2050.

Nếu tình trạng già hóa dân số kèm tỷ lệ sinh thấp vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay, nhóm khách hàng trên 60 tuổi nhiều khả năng sẽ thống trị thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2050, qua đó định hình lại nền kinh tế cũng như cách kinh doanh của nhiều công ty, thậm chí nhiều nước đối tác thương mại với Trung Quốc trên toàn cầu.

Dù những khách hàng mới là cơ hội cho các công ty tìm kiếm lợi nhuận mới nhưng chúng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho chính phủ.

Sự thống trị của những khách hàng đầu bạc

Hiện những người cao tuổi đã đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tập trung xuất khẩu sang tiêu dùng tại Trung Quốc. Chủ tịch Fan Ming của công ty đặt tour du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Ctrip dự đoán những người già sẽ là động lực thúc đẩy chính của ngành này trong vòng 10 năm tới khí số người cao tuổi vượt 300 triệu người.

Tính bình quân, khoảng 5 triệu người cao tuổi Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài hàng năm và con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Doanh thu du lịch từ nhóm đối tượng cao tuổi này vào khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) hàng năm.

Điều này tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty và họ cũng buộc phải thay đổi các gói dịch vụ nhằm phù hợp cho khách hàng lớn tuổi, ví dụ như tăng các gói du lịch theo đoàn, theo gia đình hay tập trung vào chất lượng của các phòng ở, tập trung vào du lịch chữa bệnh…

Khảo sát của tổ chức EUSME cho thấy lượng du khách Trung Quốc đi du lịch chữa bệnh năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 40 triệu người so với năm 2006. Vào năm 2013, du khách Trung Quốc đã chi 438,6 tỷ USD cho du lịch chữa bệnh ở nước ngoài.

Khảo sát của hiệp hội du lịch Trung Quốc cho thấy hơn 47% người cao tuổi nước này muốn đi du lịch xa và 70% nhận định du lịch là cách tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống về hưu.

Báo cáo của tổ chức EUSME cũng cho thấy 100% số người Trung Quốc trên 45 tuổi muốn được đi du lịch và phân khúc này sẽ tăng trưởng 700% vào năm 2030 với 12,6 triệu lượt du khách cao tuổi đi du lịch mỗi năm.

Không chỉ riêng du lịch, hàng loạt những ngành kinh doanh từ bán xe hơi cho đến kinh doanh online đều đang phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự vươn lên của nhóm các khách hàng lớn tuổi.

Trong mảng tài chính, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một thị trường lắm người đầu bạc. Tại Mỹ, khoảng 6,21 triệu người đang làm trong mảng tài chính và 60% số đó phục vụ cho những người nghỉ hưu. Trong khi đó Trung Quốc chỉ có 5,27 triệu người làm trong mảng tài chính và rất ít công ty cho ra mắt các sản phẩm dịch vụ cho đối tượng người già.

Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc cũng đang chuyển mình nhanh chóng nhằm đáp ứng với sự thay đổi cơ cấu dân số. Không giống với Nhật Bản hay nhiều nước Phương Tây khác, Trung Quốc đang già hóa trước khi họ kịp giàu, qua đó không kịp phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt cho tầng lớp người cao tuổi.

Hệ quả tất yếu của tình trạng này là những doanh nghiệp tư nhân nhảy vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người già. Đối với những người cao tuổi không đủ sức ra nước ngoài điều trị thì những bệnh viện tư nhân trở thành nơi thích hợp cho họ dưỡng bệnh.

Thậm chí các startup tại Trung Quốc còn đua nhau phát triển các ứng dụng như thiết bị theo dõi sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của bộ phận rất lớn người cao tuổi trong xã hội. Thậm chí chính quyền thủ đô Bắc Kinh còn tặng những thẻ khuyến mãi mua hàng cho người cao tuổi nếu họ chấp nhận cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe.

Nestle và nhiều công ty khác hiểu rất rõ cơ hội kinh doanh của họ đang đến gần. Những công ty như Alibaba hay Baidu hiện đang đổ rất nhiều tiền nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo cùng kho dữ liệu lớn về sức khỏe người già ở Trung Quốc. Nếu thành công, điều này có thể làm thay đổi toàn ngành y tế nước này cũng như thế giới.

Cơ hội cho các nhà phát triển công nghệ

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường lao động mới là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng già hóa dân số ở Trung Quốc.

Năm 2015, Trung Quốc mới chỉ có 5,5 triệu giường bệnh chăm sóc sức khỏe cho người già, tương đương bình quân 26 giường bệnh chăm sóc sức khỏe cho mỗi 1.000 người cao tuổi. Dẫu vậy, chất lượng dịch vụ tại các trung tâm dưỡng lão thường rất lộn xộn. Hơn 1 triệu người Trung Quốc đang tham gia ngành chăm sóc sức khỏe cho người già nhưng chỉ có 40.000 người đạt tiêu chuẩn do chính phủ nước này đề ra.

Trong những năm tới, nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ không đủ sức đào tạo nhân lực cũng như xây dựng cơ sở chăm sóc y tế cho số người già ngày một tăng và buộc phải tìm giải pháp thay thế.

Đây có thể là hướng đi mới cho tự động hóa khi các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người già được điều khiển và quản lý bằng hệ thống dịch vụ Internet hoặc thậm chí robot. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất cảm biến thông minh cũng như điện toán đám mây nhằm thu thập dữ liệu sức khỏe người cao tuổi. Bởi vậy, những nhà khởi nghiệp và các công ty công nghệ Trung Quốc có lẽ sẽ ăn nên làm ra tại mảng này khá nhiều trong tương lai.

Năm 2016, Trung tâm chăm sóc xã hội Hàng Châu-Trung Quốc đã sử dụng 5 robot với chức năng nhắc nhở cho 1.300 người cao tuổi đang sinh sống tại đây về giờ uống thuốc.

BT

Cùng chuyên mục
XEM