Trốn nóng: Dân công sở ngồi lỳ ở văn phòng
Hơn 6h sáng đã có mặt ở văn phòng, 10h đêm mới chịu ra về, thậm chí cuối tuần còn tranh nhau đăng ký làm thêm,... dân công sở ở Hà Nội xoay đủ cách để lên văn phòng ngồi máy lạnh tránh nóng.
Nội dung nổi bật:
- Chị Nguyễn Hoàng Thương ngày nào cũng hơn 6h sáng đã tới cơ quan và 10 giờ đêm mới về phòng trọ. "Chịu không nổi, tôi mới phải ngồi ở cơ quan tránh nóng. Vừa mát mẻ vừa đỡ tốn tiền điện ở nhà. Mà đi sớm về muộn lại còn mát mẻ, đường thông thoáng không bị tắc”
- Ngoài độc chiêu “đi sớm về muộn”, Nguyễn Phương Trà, nhân viên một công ty nhà nước trên đường Hoàng Hoa Thám còn cho hay, đồng nghiệp cơ quan chị còn tranh nhau làm thêm ngày cuối tuần.
- Tuy nhiên, việc xin làm thêm cuối tuần cũng tốt, gần đây họ chỉ lấy cớ để lên cơ quan ngồi điều hòa cho mát, chứ năng suất thấp - anh Toàn nhận xét. Chỉ thấy một vài người ngồi làm thật sự còn đa phần đều lướt facebook.
Lợi đôi đường
Vì độc thân nên đều như vắt chanh, dạo này sáng nào chị Nguyễn Hoàng Thương, nhân viên một công ty trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hơn 6h sáng đã tới cơ quan và 10 giờ đêm mới về phòng trọ.
Chị Thương kể, nắng nóng như mấy ngày qua, dân ở trọ như chị không thể thở nổi. Phòng lúc nào cũng nóng hầm hầm cứ như ngồi trong cái lò xông hơi, ngồi không thôi mà mồ hôi cũng đầm đìa mặc dù 2 cái quạt điện đã bật hết công suất.
“Chịu không nổi, tôi mới phải ngồi ở cơ quan tránh nóng. Vừa mát mẻ vừa đỡ tốn tiền điện ở nhà. Mà đi sớm về muộn lại còn mát mẻ, đường thông thoáng không bị tắc”, chị Thương cho hay.
Tương tự, anh Trần Công Chiến làm cho một công ty chuyên về phần mềm trên phố Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thừa nhận, dạo này anh thường xuyên có mặt ở cơ quan từ sáng sớm đến tối đêm mới mò về phòng trọ.
Anh Chiến cho hay, đầu mùa hè năm nay, hai anh em ở phòng trọ đã góp tiền để lắp cái điều hòa tránh nóng. Nhưng tháng vừa rồi, cả hai méo mặt khi tiền điện hết gần 2 triệu (điện phòng trọ giá 4.500 đồng/kWh). Xót tiền, tháng này chỉ dám bật mỗi lúc đi ngủ. Song, bật quạt chẳng thấm tháp vào đâu nên hai anh em đành “chăm” lên cơ quan vậy.
“Vì thế gần đây mọi người đi làm sớm hẳn, có hôm 6 rưỡi sáng đã thấy đông đủ, thay vì đúng 8h sáng như quy định”, anh Chiến nói.
Tranh nhau xin làm thêm cuối tuần
Ngoài độc chiêu “đi sớm về muộn”, Nguyễn Phương Trà, nhân viên một công ty nhà nước trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) còn cho hay, đồng nghiệp cơ quan chị còn tranh nhau làm thêm ngày cuối tuần.
Nhiều người còn lấy cớ đăng ký làm thêm ngày cuối tuần để lên văn phòng ngồi điều hòa mát mẻ rồi lướt facebook, xem phim.
Ai cũng đăng ký làm thêm, có người đăng ký làm thêm kín cả các ngày thứ 7, chủ nhật trong tháng. Lý do chăm đột xuất là nếu ở nhà mở điều hòa cả ngày thì xót tiền điện, không mở điều hòa thì không chịu được. Thế nên, đăng ký làm thêm ngày cuối tuần, vừa có tiền lương làm thêm giờ lại được ngồi mát mẻ, lợi cả đôi đường, chị Trà tiết lộ.
Theo lời chị Trà, cuối tuần rồi mà cơ quan chẳng khác ngày thường là mấy, nhiều khi còn đông vui hơn bởi chị em mang con nhỏ lên cơ quan chơi.
Trao đổi với PV, Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng nhân sự của một công ty chuyên về thiết kế phần mềm trên đường Triệu Việt Vương (Hai Bà Trưng), nói thêm, trước kia, ai cũng viện đủ các lý do từ nhà có việc bận, con ốm, bố mẹ chồng ở quê lên chơi, rồi cả đưa người nhà đi khám bệnh,... để xin được đến muộn, xin được về sớm. Thế mà từ đầu hè đến giờ, ai nấy đều chăm chỉ đi sớm, tối khuya mời rời văn phòng về nhà. Nhiều hôm anh xử lý công việc đến 9h giờ tối mới về, ngang qua phòng làm việc của nhân viên vẫn thấy khá đông đủ, đặc biệt là những nhân viên còn độc thân.
Tuy nhiên, việc xin làm thêm cuối tuần cũng tốt, gần đây họ chỉ lấy cớ để lên cơ quan ngồi điều hòa cho mát, chứ năng suất thấp - anh Toàn nhận xét. Chỉ thấy một vài người ngồi làm thật sự còn đa phần đều lướt facebook. Có người còn xem phim, thấy các sếp đi qua thì giả vờ gõ gõ như đang làm việc.