Sự thật ít người biết về những chiếc mũ Panama đắt giá nhất hành tinh

23/12/2015 12:03 PM | Sống

Xứ sở dừa xanh cọ biếc này lại không phải quê hương của những chiếc mũ Panama nổi tiếng.

Trong ngôi làng nhỏ Pile khẽ ẩn mình trong những ngọn đồi ở Montecristi, tại một thị trấn nhỏ nằm trên một đồng bằng ven biển xa xôi tận Ecuador, có một người đàn ông ngày ngày vẫn miệt mài chuốt sợi, đan .

Người đàn ông ấy chính là Simon Espinal mà cái nghề và nghiệp của ông cả đời gắn với chiếc mũ Panama nổi tiếng, những chiếc mũ đã làm nên hình ảnh của Ecuador và là niềm tự hào của người dân xứ sở dừa cọ.

Cẩn thận chọn lựa từng “sợi chỉ” cây toquilla quý hiếm từ kho sợi đẹp nhất và đặc biệt nhất được chuẩn bị cầu kỳ trong suốt 3 tuần ròng liên tiếp, ông phân chia chúng thành 4 cặp ăn ý để tạo thành những đường đan chéo cruzado- những đường dệt khởi đầu cho bất kỳ một chiếc mũ Panama nào!

Rồi ông bắt đầu đưa tay dệt…

Trăng tròn rồi lại khuyết, chiếc mũ Panama cứ thế được nuôi dưỡng và lớn dần dưới bàn tay thoăn thoắt của ông. Rồi từ những đường cruzado biến thành những đường plantilla- đỉnh mũ hình lõm như đĩa chén- và sau đó phát triển thành copa – hay sườn mũ- được tạo dáng tròn quanh một chiếc khuôn bằng gỗ caco.

Cứ mỗi ngày đều đặn, sau khi tạm ngừng công việc, Simon Espinal đều cẩn thận bọc chiếc mũ đang tết dở vào trong một mảnh vải mỏng để bảo vệ nó khỏi bụi bẩn.

Tháng 2 đang chuẩn bị nói lời chào tạm biệt thì nghệ nhân làm mũ ấy bỗng dừng lại. Chiếc mũ đã hoàn thành!

Simon Espinal thổ lộ: Đây là chiếc mũ đẹp nhất mà ông từng đan, nó ngốn của ông mất hơn 1.000 giờ.

Tất cả được khởi đầu từ một buổi sáng đẹp trời ngày 19/06/2013 và hoàn thành vào ngày 20/02/2014.

Một kiệt tác với màu trắng kem êm dịu, mềm mại đến mượt mà mỗi inch được đan từ khoảng 4000 mũi tết – từng mũi đan tinh vi đến mức bạn sẽ cần phải mua một chiếc kính lúp vẫn hay dùng trong các tiệm trang sức mới có thể đếm được từng mũi tết.

Thật kinh ngạc là mỗi một mũi đan đều được làm thủ công bằng tay, bởi từng ngón tay mà không sử dụng đến bất cứ loại máy móc nào.

Chắc chỉ cần những chi tiết trên thôi là bạn đã đủ hiểu, để làm nên được một chiếc mũ tinh tế như vậy, người thợ đã phải dốc sức lực đến chừng nào.

Quả thực, “khi bạn đan mũ bằng những sợi toquilla vô cùng mỏng như thế này, bạn không thể cho phép mình được để tâm trí lang thang thậm chí là một giây ngắn ngủi”, “khi bạn tết mũ, thì trong đầu bạn không có điều gì trên thế giới này tồn tại nữa ngoại trừ việc đan mũ”, ông chia sẻ.

Espinal đan mũ cho đại lý mũ Panama Hawaiian, theo yêu cầu của ông Brent Black. Hai người đã biết nhau từ nhiều năm nay và ông này hứa trả lương cho Espinal trong vòng 8 tháng để đan một chiếc mũ thật đẹp mà nếu bán được chiếc mũ đó, ông cũng sẽ kiếm được một khoản hoa hồng kha khá từ chiếc mũ tinh xảo vốn thường có thể bán được với mức giá lên đến 5 con số.

Tuy nhiên với một kiệt tác như thế này, ngay cả đến một nhà buôn mũ như ông Brent Black cũng gặp khó khăn trong việc xác định giá trị của nó. Bởi ông đã từng bán một chiếc mũ do Espinal làm với khoảng 3.000 mũi trên một inch vuông với giá 25.000 USD cho một ngôi sao Hollywood, người muốn một chiếc mũ thật đặc biệt để đội trong kỳ nghỉ trăng mật với cô vợ nóng bỏng.

Nhưng chiếc mũ này còn đặc biệt hơn thế gấp nhiều lần. Bởi kỹ thuât tạo ra nó quá tinh xảo, phức tạp với 4000 mũi trên một inch vuông mà theo thông thường, một chiếc mũ tinh xảo lắm cũng chỉ đan được khoảng 3000 mũi.

Thực tế, trong 30 năm làm nghề buôn mũ, ông chưa từng gặp một chiếc mũ nào đặc biệt như thế này cả và đó chính là chiếc mũ do Espinal làm.

Ông Black còn chia sẻ “ Mong ước của tôi là chiếc mũ này sẽ có được một vị trí trang trong trong viện bảo tàng. Nó không nên được đội trên đầu bởi bất kỳ ai bởi nó chính là đỉnh cao của một nghệ thuật đẹp và cổ”.

Có một điều mà nhiều người mang mũ Panama không hề biết, đó là, những chiếc mũ Panama không phải được làm ở Panama- chúng chưa bao giờ được làm ở đó cả.

Chúng được làm tại đất nước Ecuador và vẫn sẽ luôn là như thế. Về lịch sử và truyền thống, chúng có nguồn gốc từ những ngôi làng quanh Montecristi, một thị trấn với khoảng 15.000 dân và nằm trên một bờ biển cách Guayaquil 90 dặm.

Thật đáng tiếc là ngay nay, thị trường tràn ngập những chiếc mũ rẻ tiền được sản xuất một cách tràn lan trong các trung tâm thương mại ở Cuenca, trên núi Andes.

Chính người Tây Ban Nha, khi đi chinh phạt Ecuador vào thế kỷ thứ 16 cũng đã ghi nhận Montecristi như một vùng đất có truyền thống làm mũ tinh xảo lâu đời.

Cái tên bị nhầm lẫn vốn vẫn gây tò mò ấy đã không được bật mí cho đến thế kỷ 19, khi Manuel Alfaro, một sĩ quan quân đội 39 tuổi người Tây Ban Nha phải chạy trốn đến Ecuador trong cuộc chiến tranh Carlista Wars tại Tây Ban Nha.

Phiêu bạt nơi đất người, ông nảy ra ý tưởng sẽ tiếp thị cho hình ảnh của những chiếc mũ tuyệt đẹp được làm bởi những người dân Montecristi. Những chiếc mũ từng rất được yêu chuộng bởi những người thuỷ thuỷ và khách du lịch, nhưng tầm nhìn của Alfaro không chỉ dừng lại ở đó, ông muốn đưa chiếc mũ này ra khắp thế giới, xuất khẩu hàng ngàn chiếc tới miền bắc trên những càng biển nhộn nhịp ở Panama.

Cả Alfaro, Panama và những chiếc mũ “phiêu lưu” đã cùng nhau tạo nên một hiện tượng vào năm 1848, khi những người California đổ xô đi tìm vàng và họ thấy hàng ngàn người giàu lên nhanh chóng nhờ vùng eo đất này.

Hầu như tất cả họ đều thích mua những chiếc mũ màu trắng kem nhã nhặn và kiểu dáng bắt mắt được đan tết từ những sợi toquilla mượt óng. Rất dễ chịu khi đội vào những ngày nắng nóng vùng nhiệt đới và còn có thể gấp gọn cho vào túi áo những khi không cần dùng đến.

Nó hoàn toàn là một loại mũ đặc biệt, đặc biệt từ khâu chuẩn bị, tìm kiếm sợi đan cho đến thiết kế, tạo dáng mũ và độ tinh xảo của từng mũi đan trên một inch vuông. Và đặc biệt còn bởi linh hồn khởi nguồn của chiếc mũ nằm ở chính vùng Montecristi và chảy trong từng tế bào máu của người dân nơi này.

Kể từ đó, cứ nhắc tới Panama là người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiếc mũ truyền thống của người dân Montecristi. Bây giờ thì bạn đã biết vì sao những chiếc mũ của người dân vùng Montecristi, nước Ecuador lại có tên là Panama rồi nhé.

Quay trở lại với người nghệ nhân Simon Espinal và chiếc mũ huyền thoại tại Montecristi, nơi nó được tạo ra để cùng nhìn vào thực trạng nghề làm mũ nơi đây.

Trong khi rất nhiều người sẵn lòng bỏ cả một đống tiền chỉ để được sở hữu một chiếc mũ tinh xảo vùng Montecristi thì thực tế lại có rất ít người có thể tết được một chiếc như thế.

Những người làm mũ già nhất giờ đây hoặc đã mất, hoặc đã không còn đủ tinh tường để làm nên những chiếc mũ tốt nhất nữa. Còn thế hệ trẻ giờ đây, trong họ đang có những hoài bão khác – ngày càng xa dần nghề làm mũ vốn dĩ chỉ được coi là dành cho những người nông dân không hơn không kém.

Thật không công bằng cho những nghệ nhân nơi đây!

Đáng buồn hơn, số lượng mũ Panama trên thế giới được làm giả quá nhiều. Những người kinh doanh những chiếc mũ này thậm chí còn chưa từng được tận mắt nhìn, tận tay chạm vào chiếc mũ thực thụ do người Montecristi làm ra nữa, vì những chiếc mũ tuyệt đẹp mà những người như Espinal làm thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, có lẽ 3 cái một năm là nhiều.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM