Sếp CBRE: Nhà phố cho thuê tại Ba Đình, Đống Đa, Hồ Tây không còn sinh lời nhiều, NĐT đổ xô vào chứng khoán và vàng
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt đánh giá 2020 là một năm thách thức với bất động sản nhà ở khi nguồn cung giảm mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản 2020 do CBRE tổ chức sáng 7/1, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận nhà ở, CBRE Việt Nam nhận định nhà ở có thể coi là thị trường chịu ảnh hưởng vì Covid-19 nhiều nhất trong toàn ngành.
Việc đóng cửa biên giới đã khiến thị trường này mất đi lượng lớn khách hàng nước ngoài do không thể vào Việt Nam. Đồng thời, giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập cũng gây khó khăn cho các chủ đầu tư, làm cho nguồn cung ra thị trường giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng từ năm 2015 đến nay. Riêng tại thị trường Hà Nội, nguồn cung căn hộ đã giảm tới 52%.
Tuy nhiên, đến quý IV/2020, thị trường đã khởi sắc trở lại. Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, lần đầu tiên số lượng căn hộ chào bán thành công (18.500 căn) cao hơn số lượng chào bán mới ra thị trường (18.000 căn). Đồng thời, ngoài khu vực trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn thì các tỉnh lân cận, vùng ven đô đã thu hút nhiều chủ đầu tư hơn, qua đó tăng nguồn cung tại đây.
"Điều này cho thấy mặc dù thị trường bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng vẫn duy trì được mức hấp thụ tương đối tốt, nhu cầu với bất động sản nhà ở, cụ thể là căn hộ vẫn cao".
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận nhà ở, CBRE Việt Nam
Về khía cạnh giá, ông Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết năm 2020 tiếp tục ghi nhận một mặt bằng giá mới. Đối với hai phân khúc chủ đạo là tầm trung và bình dân, giá vẫn duy trì được nhịp độ tăng do nguồn cung giảm nhưng cầu vẫn cao.
Riêng phân khúc cao cấp, mặt bằng giá sụt giảm 7% so với năm 2019, lý do một phần vì các chủ đầu tư "ôm hàng" chưa muốn chào bán ra thị trường, một phần vì đang có sự dịch chuyển sản phẩm từ phân khúc tầm trung lên cao cấp.
Thị trường cho thuê cũng là mảng chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19. Đơn cử như tại Hà Nội, những khu vực trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Hồ Tây - trước đây được coi là trọng điểm, thường được đầu tư làm nhà phố cho thuê thì nay tỷ suất sinh lời đã giảm rất nhiều so với khu vực khác và so với thời kỳ 2018-2019.
"Việc hạn chế nguồn cung và tỷ suất sinh lời giảm làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các nhà đầu tư. Xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với nhu cầu bất động sản, không chỉ tại Hà Nội mà là cả nước. Cụ thể, chứng khoán và vàng là hai kênh mà rất nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn", ông Kiệt cho biết thêm.
Sếp CBRE cho biết thêm, xét về nhà ở, nhà đất, nguồn cung đã giảm tới 80%. Việc này đẩy mức giá chung ở thị trường thứ cấp của các dự án trước đây đều tăng, do đó tỷ suất sinh lời tốt hơn.
Kỳ vọng trong 2021, ông Huỳnh Tuấn Kiệt tin tưởng về một năm tích cực, tươi sáng hơn cho bất động sản nhà ở. Nguồn cung sẽ tăng trở lại, khoảng 40% nhưng vẫn chưa để đạt đến mức đỉnh điểm như 2018-2019. Phân khúc tầm trung tiếp tục chi phối thị trường, tuy nhiên lượng nhà ở cao cấp sẽ ngày càng tăng.