Uber – Câu chuyện kinh doanh và quản lý

05/12/2014 09:20 AM | Quản trị

Cần phải quản trị rủi ro và nắm bắt những xu hướng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để sớm thay đổi, thích nghi với môi trường hội nhập sâu toàn cầu.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Phan Anh về "Câu chuyện kinh doanh và quản lý Uber". Ông Phan Anh hiện là Giảng viên Đại học, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về Thương mại điện tử và Marketing điện tử.


Uber là dịch vụ thương mại điện tử

Uber là một ứng dụng dành cho thiết bị di động thông minh, điển hình là ứng dụng được cài đặt nhiều nhất trên điện thoại di động thông minh (các hệ điều hành iOS, Android, Windows Phones).

Về mặt bản chất, Uber là dịch vụ thương mại điện tử, cụ thể là dịch vụ “taxi chia sẻ” hay “đi chung xe, đi nhờ xe”. Uber được tải và cài đặt hoàn toàn miễn phí trên các nền tảng di động iOS, Android, Windows Phones. Uber có hai loại tài khoản do người dùng đăng ký, đó là tài khoản “người lái xe” – tức là tài khoản của người có xe muốn cho người khác “đi chung, đi nhờ” và tài khoản của người dùng thông thường – là người có nhu cầu tìm kiếm một “Uber Driver” thích hợp cho chuyến đi của mình.

Uber là một giải pháp kinh doanh thông minh, dựa trên nhu cầu xã hội và làm tối ưu hóa các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giao thông: Uber giúp tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông, khai thác các nguồn lực nhàn rỗi của xã hội.

Đây là giải pháp công nghệ hoàn toàn dựa trên nền tảng thương mại điện tử di động (M-Commerce) và thanh toán di động (M-Payment). Đặc điểm của dịch vụ Uber này là dựa vào đặc tính kinh điển của Thương mại di động thường được gọi tắt là là “So-Lo-Mo” (Social – tính xã hội; Location – Vị trí, kết hợp với tính năng định vị GPS; Mobile – tính di động) để đưa ra giải pháp giải quyết nhu cầu của người dùng mang tính xã hội.

Uber cho phép người có xe hơi có thể kiếm tiền bằng cách kiếm khách chạy xe thuê thông qua ứng dụng; hoặc chia sẻ cước phí khi đi chung tuyến đường. Điều thú vị là thậm chí người “lái taxi kiểu Uber” còn không nhất thiết phải có điện thoại di động thông minh nên ai cũng có thể gia nhập được hệ thống và mạng lưới này; Uber giúp người đi xe có thể tìm kiếm người lái xe nhàn rỗi hoặc người lái xe đi chung tuyến đường để chia sẻ chi phí và cước phí, và Uber chỉ thu một khoản phí giao dịch nhỏ trên mỗi giao dịch đã diễn ra, nhưng dựa vào số lớn người dùng tương đương với số lượng lớn các giao dịch hàng ngày – sẽ là nguồn doanh thu khổng lồ của dịch vụ này hiện tại và trong tương lai.

Tại sao dịch vụ Uber lại phát triển nhanh và mạnh?

Ra đời năm 2009 tại Mỹ, chính thức hoạt động năm 2010, đến nay nay Uber đã có mặt tại 51 quốc gia trên toàn thế giới (Nguồn: Website Uber). Như đã phân tích ở trên, dịch vụ Uber giúp giải quyết một nhu cầu mang tính xã hội dựa trên yếu tố cá nhân hóa, tính di động và tiện dụng; Uber giúp tiết kiệm chi phí cho người đi xe và người lái xe Uber, giúp tiết kiệm thời gian, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tối ưu hóa các nguồn lực xã hội.

Uber hoạt động dựa trên nguyên tắc “mạng lưới” chứ không phải là một công ty cung cấp dịch vụ taxi truyền thống. Uber không hề sở hữu bất kỳ chiếc xe chạy taxi dịch vụ nào, cũng không có nhân viên lái taxi cơ hữu, không phải trả lương tài xế v.v… Uber tự định nghĩa nó là “một công cụ để gọi xe” chứ không phải là một công ty cung cấp dịch vụ vận tải taxi. Người dùng tự quyết định gia nhập tài khoản “tài xế Uber” nếu như có đủ điều kiện (ví dụ như là sở hữu một chiếc xe hơi) hay là “người dùng thông thường” hoặc thậm chí đôi khi họ đóng cả hai vai. Lúc là tài xế, có lúc lại đi nhờ người khác – nếu như họ đi công tác ở thành phố khác, ở quốc gia khác.

Cùng với đó là sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, các thiết bị di động ngày càng thông minh hơn, cấu hình mạnh hơn; các dịch vụ kết nối Internet không dây như wifi/wimax, 3G, 4G phổ biến và giá rẻ hơn; việc sử dụng các ứng dụng cho công việc, giải trí, cá nhân trở nên phổ biến với hầu hết người dùng thiết bị di động thông minh;

Mặt khác, do nhu cầu đi lại của con người ngày càng lớn, ai cũng muốn tiết kiệm chi phí một chút, tiện lợi hơn một chút, và kể cả những trải nghiệm hoàn toàn mới do Uber mang lại: gọi xe dễ dàng, cước phí rẻ hơn, được đi xe “Taxi” xịn hơn, cước phí rõ ràng, giao dịch thuận tiện… đã làm cho dịch vụ Uber trở nên phổ biến nhanh, với hàng triệu lượt tải về.

Uber là một ứng dụng di động, nó không hề có yếu tố “biên giới”, nó là dịch vụ toàn cầu, bất kỳ ai có nhu cầu cũng có thể cài đặt và sử dụng.

Vì sao cũng có nhiều quốc gia cấm dịch vụ Uber?

Do tính đặc thù của dịch vụ, nên dịch vụ Uber cũng gặp khá nhiều trở ngại khi xâm nhập vào các thị trường mới. Vấn đề Uber không phải bị cạnh tranh bởi đối thủ là ứng dụng tương tự khác, mà đó là các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, vấn đề an toàn, vấn đề việc làm của người lao động (những người hành nghề lái xe taxi) và các vấn đề pháp lý tại quốc gia sở tại. Một số quốc gia mà Uber gặp phải những vấn đề pháp lý là Đức, Hàn Quốc, Úc, Canada, Bỉ, Ấn Độ, Philipinnes. Tuy nhiên dịch vụ vẫn tiếp tục phát triển mạnh hiện nay.

Vấn đề Uber tại thị trường Việt Nam và bài học quản lý

Mọi việc đều có tính hai mặt của nó. Nếu lợi ích của mặt tích cực nhiều hơn nhiều lần so với một số tác động của mặt tiêu cực gây ra thì chúng ta nên ủng hộ, và ngược lại. Không nên “không quản lý được thì cấm” mà cần bàn bạc về việc ủng hộ hay cấm và vì sao với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Khó khăn tại đâu thì tháo gỡ tại đó một cách hợp lý. Bởi thực tế sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử sẽ liên tục và tiếp tục “đẻ” ra những mô hình kinh doanh mới mà pháp luật hiện tại có thể chưa điều chỉnh.

Không phải tự dưng mà các hiệp hội bảo vệ người lao động, các hiệp hội nghề nghiệp (ví dụ như liên quan đến các tài xế taxi) của nhiều nước và Việt Nam có những động thái phản ứng mang tính “bảo vệ thị trường” và bảo hộ việc làm của mình. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, đó cũng là quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và những hiệp hội này. Bởi đó là nỗi băn khoăn, lo lắng chính đáng của các doanh nghiệp, của người lao động và hơn hết là tình hình an sinh xã hội, vấn đề thất nghiệp và việc làm.

Quản lý không phải chỉ là việc riêng cho các Cơ quan Nhà nước có liên quan, mà các Chính phủ và các Cơ quan sẽ phải xem xét và phải ra quyết định dựa trên các lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội. Chúng ta cần tiếp cận với mô hình kinh doanh mới, công cụ marketing mới, điển hình là marketing di động là xu hướng phát triển mạnh của marketing điện tử; thương mại di động là xu hướng phát triển của thương mại điện tử và thanh toán di động sẽ là xu hướng quan trọng của thanh toán trực tuyến và thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Cá nhân tôi ủng hộ việc sử dụng Uber. Tôi cũng ủng hộ việc Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét việc cho phép dịch vụ này phát triển tại Việt Nam. Bản thân Uber cũng có thể sẽ là động lực để góp phần phát triển và cải cách chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải hoặc là những doanh nghiệp khác nữa.

Cần phải quản trị rủi ro và nắm bắt những xu hướng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để sớm thay đổi, thích nghi với môi trường hội nhập sâu toàn cầu. Vì trên cơ sở nguyên tắc, có cạnh tranh sẽ thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp và đem lại nhiều hơn lợi ích cho khách hàng và xã hội. Các vấn đề về an toàn và bảo hiểm v.v… cần có những quy định phù hợp để khuyến khích dịch vụ này phát triển “đúng luật” và có lợi cho người dùng.

Tuy nhiên, tôi cũng hoàn toàn đồng ý về việc Cơ quan Nhà nước nên quản lý theo Luật định, nếu vướng mắc thì tìm cách tháo gỡ cho thị trường, hướng dẫn cụ thể đối với các pháp nhân quốc tế hoạt động theo mô hình thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ toàn cầu. Các pháp nhân này khi hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam và đặc biệt nên có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần “tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận” tại các thị trường mới nổi.

Phan Anh

Thạc sỹ (MBA) Đại học Nice-Sofia Antipolis

Phan Anh

Cùng chuyên mục
XEM