SAS- 'sư phụ' quản trị kín tiếng của Google
Google nhiều năm đứng trong Top những nơi làm việc tuyệt vời nhất trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, Google đã kế thừa phương pháp quản lý từ SAS – một công ty phần mềm có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc chỉ bằng 1/4 các đối thủ trên thị trường.
Trong 25 công ty được xếp hạng Những nơi làm việc tuyệt vời nhất thế giới 2014 (World’s Best Multinational Workplaces), SAS lại thêm một lần được xướng tên ở vị trí thứ 2.
Với các dịch vụ gyms (phòng tập thể dục), nhà trẻ, tư vấn, và chăm sóc sức khỏe tại chỗ, có trợ cấp hoặc hoàn toàn miễn phí, SAS đã phát triển một môi trường làm việc kiểu mẫu và một chương trình giữ chân nhân viên, cho phép nhân viên tập trung vào công việc của họ, đồng thời giảm chi phí vận hành.
Giáo sư Jeffrey Pfeffer của Đại học Kinh doanh ước tính rằng, SAS tiết kiệm 60 triệu – 80 triệu USD hàng năm trong chi phí liên quan đến việc luân chuyển nhân sự.
“Sự thành công của SAS là sự thành công vì đã đáp ứng nhu cầu của thế hệ Y” - PGS.TS. Charles-Henri Besseyre des Horts – Giảng viên Quản trị Nhân sự và Hành vi tổ chức tại Trường Quản lý HEC Paris – chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi nguồn nhân lực: Những xu hướng mới của chức năng nguồn nhân lực và Quản lý nguồn vốn con người” tổ chức tại Hà Nội.
SAS là ai?
SAS khởi nguồn là một dự án tại Đại học Bắc Carolina nhằm tạo ra “một phần mềm phân tích thống kê" được sử dụng ban đầu chủ yếu bởi các khoa nông nghiệp tại các trường đại học vào cuối những năm 60s. SAS trở thành một doanh nghiệp tư nhân độc lập, được điều hành bởi Tổng Giám đốc hiện tại là James Goodnight và 3 nhà lãnh đạo dự án khác của trường đại học này vào năm 1976.
Về doanh thu, SAS đã tăng từ 10 triệu USD trong năm 1980 lên 1,1 tỷ USD vào năm 2000. SAS sử dụng một tỷ lệ lớn của các khoản thu này để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Tỷ lệ này lớn hơn hầu hết các công ty phần mềm khác. Theo báo cáo thường niên năm 2013, SAS đã dành 25% doanh thu để đầu tư cho R&D.
Doanh thu hàng năm của SAS từ năm 1976 - 2013. Nguồn: SAS.
“SAS đã có 39 năm thành công với tốc độ tăng trưởng mạnh. Doanh nghiệp này có văn hóa quản lý nguồn nhân lực của mình một cách hết sức đặc thù. Giờ chúng ta nói nhiều về phương pháp quản lý của Google, nhưng thực sự Google đã học cách quản lý của SAS” - PGS.TS. Henri nói.
“SAS đã hình thành nhiều năm trước khi Google ra đời, nhưng là doanh nghiệp kín tiếng hơn” – ông Henri giải thích sự ít nổi tiếng hơn của SAS. SAS hiện nằm trong hệ thống phân tích dữ liệu cấp cao, nên không nhiều người phổ thông biết đến. Hiện SAS có gần 14.000 nhân viên.
“Họ có số lượng người bỏ việc ít hơn 4 lần so với đối thủ của họ trên thị trường” – ông Henri cho biết.
Theo một nghiên cứu của Conference Board – tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York, hơn 1/2 người Mỹ ghét công việc của họ. Viện khảo sát Gallup cũng đưa ra một kết quả nghiên cứu khốc liệt tương tự: ít hơn 3/10 lao động Mỹ thừa nhận họ yêu công việc của mình. “Việc thiếu cam kết làm việc của nhân viên khiến doanh nghiệp tiêu tốn 300 tỷ USD trong năm 2013”, Mark C. Crowley – một nhà thuyết trình và tư vấn về lãnh đạo, tác giả của cuốn “Lãnh đạo từ trái tim: Tinh thần lãnh đạo cải cách trong thế kỷ 21”, viết trên Fast Company – một thương hiệu truyền thông kinh doanh.
Trong bối cảnh ấy, SAS đã làm những gì mà liên tục được xướng tên trong Top Những nơi làm việc tuyệt vời nhất trên thế giới?
Hãy tin tưởng nhân viên, họ sẽ trung thành với bạn
Một trong 4 yếu tố lãnh đạo của SAS là Tin tưởng.
Ralph Waldo Emerson – một triết gia người Mỹ đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt đã nói: “Hãy tin tưởng mọi người, họ sẽ trung thành với bạn. Hãy cao thượng với mọi người, họ sẽ biểu lộ sự cao thượng với bạn”. Đây cũng chính là những gì SAS đã làm.
Nền tảng của sự hài lòng của nhân viên tại SAS, Tổng Giám đốc (CEO) Jim Goodnight tin rằng, đó là văn hóa của niềm tin. Bằng việc đảm bảo nhân viên luôn tôn trọng cách thức quản lý của tổ chức, ông biết rằng họ sẽ đưa ra cam kết lớn nhất và đóng góp hết mình cho tổ chức.
Để có được sự tin tưởng của nhân viên, SAS trao cho nhân viên một giờ giấc làm việc vô cùng tự do, ngay cả khi họ sử dụng bất kỳ dịch vụ nào trong campus của công ty. Không hiếm khi thấy mọi người trong phòng tập gyms rất lâu sau giờ ăn trưa. CEO Goodnight gần đây cũng cắt tóc tại campus lúc 3h chiều.
"Trong khi chúng tôi nói rằng chúng tôi làm việc 35 giờ/tuần," Giám đốc Marketing (CMO) của SAS Jim Davis nói, "tôi không biết có ai thực sự làm việc 35 giờ/tuần không nữa. Thực tế, nếu bạn không tin tưởng mọi người, đối xử họ như một món hàng mà bạn đang cố gắng siết chặt, họ sẽ Làm việc đủ tất cả thời gian làm việc. Ngược lại, nếu bạn tin tưởng họ, đối xử với họ như con người, họ sẽ được Thưởng thức (enjoy) những giờ làm việc thay vì cảm giác “làm thân trâu ngựa trong văn phòng””.
Để được ngồi vào bất cứ vị trí nào trong bộ máy điều hành tại SAS, đầu tiên bạn phải chứng minh một khuynh hướng tự nhiên trong việc hỗ trợ và giúp đỡ mọi người. Trách nhiệm chính của các nhà lãnh đạo SAS là tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp thành công của các nhân viên khác, không phải của riêng của họ.
CEO Jim Goodnight của SAS. Trách nhiệm chính của các nhà lãnh đạo SAS là tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp thành công của các nhân viên khác, không phải của riêng của họ.
SAS cũng thường xuyên nhờ sự can thiệp của Viện Great Place to Work (tạm dịch: Nơi tuyệt vời để làm việc) để đánh giá toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của công ty mỗi năm, cũng như đo lường sự hài lòng của nhân viên.
Mô hình thành công nhờ đáp ứng thế hệ Y
Thế hệ Y, những người trẻ tuổi sinh năm 1982 – 2000 – lực lượng lao động trẻ, năng động, liên quan mật thiết với Internet – là thách thức của nhiều doanh nghiệp trong việc giữ chân nhân tài thế hệ này, nhưng lại là yếu tố thành công của SAS.
Thế hệ Y thích sự đa dạng, không ừa những gì nghi thức, họ muốn môi trường làm việc phải có sự hài hước, vui nhộn. Lắng nghe, chia sẻ chính là những gì SAS đã làm với các nhân viên thế hệ này. SAS đã xây dựng một mô hình doanh nghiệp phát triển để phục vụ nhân viên, mô hình mà tất cả các nỗ lực của ban điều hành phải được hướng tới nhân viên.
Bể bơi - một trong nhiều dịch vụ dành cho lao động của SAS. Ảnh: New York Times.
“SAS đã thành lập các nhà trẻ để đưa đón con của nhân viên. Ở Mỹ, chi phí cho y tế rất đắt đỏ. Để giảm chi phí cho nhân viên của mình, SAS cung cấp cả dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Doanh nghiệp này rất thành công trong việc giải quyết các vấn đề cho nhân viên” – ông Henri cho biết.
“Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Tập đoàn SAS. Ông cho biết từ 38 năm nay ban lãnh đạo đã điều hành doanh nghiệp với sự tập trung vào con người chứ không hoạt động chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Và họ đã thành công”.
>> Đâu là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam?
Thanh Thủy