Cơ hội và thách thức cho lãnh đạo ngành tài chính

25/09/2014 15:00 PM | Quản trị

Ngành tài chính trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, cơ hội nghề nghiệp và bước đường thăng tiến dành cho nhân sự ngành tài chính đang gặp nhiều thách thức.

Ngành tài chính trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, do đó cơ hội nghề nghiệp cũng như bước đường thăng tiến dành cho nhân sự ngành tài chính sẽ có nhiều thách thức. Thách thức thường đi kèm với cơ hội, và để thành công, quan trọng là làm sao chúng ta tìm ra và nắm lấy cơ hội như thế nào.

Cơ hội và thách thức

Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc, đồng thời các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay ngày càng đòi hỏi đa dạng về các dịch vụ tài chính do đó ngành tài chính sẽ là một ngành triển vọng. Tuy nhiên đây sẽ là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và gay gắt hơn về chất lượng của nhân sự, Bà Vũ My Lan - CEO Marsh Việt Nam phát biểu tại sự kiện Bí quyết vươn tới đỉnh cao trong ngành tài chính do Anphabe tổ chức.

Nói thêm về những thử thách nghề nghiệp trong ngành tài chính bà My Lan cho biết, ở giai đoạn phát triển các doanh nghiệp trong ngành tài chính tuyển dụng ồ ạt thì nay có phần khiêm tốn hơn. Cùng với làn sóng M&A, tái cấu trúc diễn ra ngày càng nhiều dẫn đến việc sàng lọc nhân sự để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Vì thế để tồn tài lâu dài bạn phải thật mạnh, mạnh về đam mê, kiến thức và năng lực.

Ông Phạm Hồng Hải – Phó TGĐ HSBC lại ấn tượng với con số 7 tỷ. Ông nói: “Chúng ta không chỉ cạnh tranh với 90 triệu người Việt Nam mà phải cạnh tranh với 7 tỷ người trên toàn Thế giới. Khi ngành tài chính đã thị trường hóa, nhiều đồng nghiệp nước ngoài vào và cạnh tranh trực tiếp trên đất nước của chúng ta. Đó chính là hồi chuông đánh thức chúng ta không nên ngừng phát triển. Đối với ngành tài chính, có rất nhiều công việc khác nhau, quan trọng là mình có đam mê thì sẽ thành công”.

Bà Thanh Nguyễn – CEO Cty Anphabe, bà Vũ My Lan, Phó tổng Cty Marsh Việt Nam và ông Phạm Hồng Hải – Phó Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam

Nhắc đến đam mê cả hai đều đồng quan điểm chỉ khi bạn làm việc bằng chính niềm đam mê thì mới đạt những kết quả tốt và đó sẽ là con đường mang bạn đến thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên để luôn đam mê với nghề thì việc đầu tiên mình phải duy trì ngọn lửa cho chính bản thân mình.

Lãnh đạo tài chính - Khó mà không khó

Lãnh đạo ngành nào cũng vậy, cũng sẽ có những khó khăn thách thức khi dẫn dắt nhân viên phát triển cùng với sự phát triển của tổ chức, quan trọng là nghệ thuật lãnh đạo của mỗi cá nhân. Những tưởng ngành tài chính chỉ dành cho nam giới, bởi các con số làm cho con người ta khô khan và chịu áp lực cao nhưng không hiếm nữ doanh nhân thành công trong lĩnh vực này. Vấn đề của nữ lãnh đạo ngành tài chính là cân bằng công việc và cuộc sống. Bản thân là một lãnh đạo nữ trong ngành, Bà My Lan chia sẻ làm việc trong ngành tài chính luôn đối mặt với nhiều rủi ro, cạnh tranh lớn…cộng với việc người phụ nữ luôn phải có trách nhiệm với gia đình. Do đó quan trọng là phải luôn giữ lửa cho chính bản thân mình. Vậy làm sao để giữ lửa? Sẽ rất khó với những người ở vị trí quản lý. Trên suốt con đường sự nghiệp, bạn sẽ tự hỏi chính mình liệu có còn đam mê để giữ ngọn lửa ấy hay không? Và đó có phải công việc mình đáng theo đuổi?

Ông Phạm Hồng Hải lại có góc nhìn khác, với ông nữ giới trong ngành tài chính có khá nhiều thuận lợi. Cụ thể nếu trong ban lãnh đạo nam giới chiếm đa số thì sẽ rất căng thẳng trong các cuộc tranh luận lúc này người phụ nữ sẽ làm dịu những bất đồng. Nhưng phái nam và phái nữ ở bất kì cương vị nào cũng có những lợi thế riêng. Vì thế không nhất thiết phải hi sinh điều này mới có điều khác mà cần phải biết cân bằng. Hơn hết vẫn là suy nghĩ của riêng bạn, nếu bạn táo bạo hơn thì bạn sẽ làm được, tức bạn vẫn có một gia đình hạnh phúc và sự nghiệp thành công.

Sau khi đã xây dựng tiền tuyến vững chắc việc tiếp theo là chiến đấu hết mình cho công việc. Là một nhà lãnh đạo dù nam giới hay nữ giới đều không quan trọng chỉ là một cái chức danh to, mà làm sao giữ lửa cho chính mình và truyền lửa cho nhân viên. Bí quyết đơn giản đó là bạn phải biết người khác muốn gì? “Nhân viên sẽ không quan tâm đến thành công của bạn, điều người ta cần là thành công cho chính họ, vậy việc bạn cần làm là giúp họ thành công. Sẽ có những người không dám tin họ thành công, thì bạn sẽ là người thắp sáng niềm tin đó.”, anh Hải nói.

Theo anh Hồng Hải, những người lãnh đạo đôi khi phải chấp nhận mình là người sếp xấu.

Để trở thành một lãnh đạo xuất sắc trong ngành tài chính ông Hồng Hải khẳng định, bạn phải tạo điều kiện cho nhân viên phát triển nghề nghiệp. Nhưng đôi khi người lãnh đạo cũng chấp nhận mình là người sếp xấu bởi không ai có thể tốt trong mọi trường hợp. Lãnh đạo là người hiểu rõ năng lực từng nhân viên, không những truyền đam mê mà còn giúp họ tìm một con đường mới trong sự nghiệp nếu họ tỏ ra khá trầy trật với công việc hiện tại. Hãy mở cánh cửa để đón nhận những phản hồi, bởi sếp không phải là người thông minh nhất./.

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM