Ô tô Ấn Độ đổ bộ Việt Nam với giá bình quân 154 triệu đồng

25/10/2016 14:13 PM | Công nghệ

Ấn Độ được cho là “kinh đô” của các dòng xe con giá rẻ do chính sách ưu đãi đầu tư của nước này...

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 đã có khoảng 8.686 xe ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá 163,5 triệu USD.

So với cùng kỳ, lượng nhập khẩu chỉ tăng 100 xe song kim ngạch lại giảm 16,8%. Phần lớn lượng nhập khẩu là xe dưới 9 chỗ với khoảng 3.594 xe.

Luỹ kế 9 tháng, Việt Nam nhập khoảng 77.515 xe, trị giá 1,75 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bám sát Thái Lan

Thái Lan tiếp tục dẫn đầu về đầu nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam cả về số lượng và kim ngạch, với 23.899 xe, tăng 41%; kim ngạch gần 440 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ.

Ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc có sự tụt giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch. Trong đó, Hàn Quốc xuất sang Việt Nam 13.871 xe, trị giá 230 triệu USD. Trung Quốc xuất 8.886 xe với kim ngạch đạt 342 triệu USD.

Trong các thị trường nhập khẩu xe vào Việt Nam, Thái Lan chiếm vị trí số một về số lượng. Song, “thế lực” xe có xuất xứ Ấn Độ đang có sự vươn lên mạnh mẽ tại Việt Nam với những ưu thế vượt trội về giá rẻ.

Cụ thể, trong tháng 9, Ấn Độ đã vươn lên trở thành nước có lượng xuất khẩu xe lớn thứ hai vào Việt Nam với khoảng 1.756 xe, tăng 78% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, lượng nhập khẩu xe từ Ấn Độ đã tăng lên 11.103 xe, giá trị nhập khẩu 76,8 triệu USD.

Như vậy, Ấn Độ đã đứng thứ ba về xuất khẩu ôtô vào Việt Nam trong 9 tháng năm nay, sau Thái Lan và Hàn Quốc.

Thế lực mới

Tính bình quân, mỗi chiếc xe Ấn Độ về đến cảng Việt Nam (giá CIF) có giá khoảng 6.924 USD (154 triệu đồng/xe), thấp nhất so với các thị trường xuất khẩu xe vào Việt Nam.

Trong khi đó, mức giá bình quân của ôtô Thái Lan là 18.410 USD/xe, Hàn Quốc (16.581 USD), Trung Quốc (38.455 USD),…

Xe Ấn Độ vào Việt Nam chủ yếu là các dòng xe con thuộc các dòng Grand i10, Suzuki Ertiga.

Do không nằm trong nhóm các nước có hiệp định thương mại có thỏa thuận về ôtô với Việt Nam, ôtô từ Ấn Độ vẫn có thuế suất nhập khẩu khoảng 68%, cao hơn so với mức ưu đãi 40% từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, các dòng xe từ Ấn Độ thường có dung tích động cơ nhỏ.

Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít từ 1/7 được giảm từ 45% xuống 40% và đầu năm 2017 giảm xuống còn 35%. Dòng xe có dung tích từ 1,5 đến 2 lít giảm về 40%. Việc giảm thuế này được cho là đã tạo ra lợi thế đáng kể cho các dòng xe từ nước Ấn Độ.

Theo các nhà nhập khẩu, ôtô từ Ấn Độ trên thị trường Việt Nam có ưu thế về giá so với một số dòng xe cùng phân khúc lắp ráp trong nước. Với tâm lý chung, người dân vẫn thích các sản phẩm được nhập nguyên chiếc hơn lắp ráp. Các dòng ôtô con từ Ấn Độ cũng có xu hướng tiết kiệm nhiên liệu hơn do được trang bị động cơ nhỏ.

Mặc dù có giá về cảng bình quân chỉ khoảng 154 triệu đồng/xe song cộng các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, thuế VAT…, giá xe Ấn Độ đến tay người tiêu dùng vẫn khoảng 350-500 triệu đồng.

Vì sao giá rẻ?

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc - doanh nghiệp chuyên nhập ôtô, cho biết, Ấn Độ được cho là “kinh đô” của các dòng xe con giá rẻ do chính sách ưu đãi đầu tư của nước này.

Do đó, nhiều tập đoàn ôtô lớn của thế giới đã đầu tư lớn tại đây, tối ưu hoá chi phí do nhân công rẻ, thuế phí thấp nên có sức cạnh tranh lớn với các dòng xe cùng loại tại nhiều nước. Đó là lý do giá xe Ấn Độ về cảng tại Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, đa phần các dòng xe con được nhập từ Ấn Độ về có tiêu chuẩn Euro 2 - tiêu chuẩn này các nước phát triển đã hạn chế sử dụng. Do đó, các hãng xe có xu hướng đẩy sang các thị trường có nhu cầu xe lớn như Việt Nam.

Tại Việt Nam, đầu năm 2017, tiêu chuẩn Euro 4 sẽ chính thức được áp dụng trên toàn quốc. Chính vì vậy mới có tình trạng nhập khẩu xe ồ ạt trước khi tiêu chuẩn Euro 4 được áp dụng.

Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng, sự tăng trưởng mạnh việc nhập khẩu ôtô con giá rẻ từ Ấn Độ là do một số hãng taxi mới có mặt tại Việt Nam và các hãng này đang có nhu cầu lớn về việc mở rộng mạng lưới, đổi mới hệ thống xe.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM