Nhật Bản đối mặt khủng hoảng thiếu lao động chưa từng có: Cần đến 11 triệu nhân lực từ Châu Á
Nhật Bản đối mặt làn sóng thiếu hụt lao động tồi tệ nhất kể từ đầu thập niên 1990 đến nay. Các doanh nghiệp đang phải nỗ lực 'chiều lòng' nhân viên nước ngoài.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay các tập đoàn Nhật Bản đang phải đẩy mạnh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và thực tập sinh kỹ thuật từ các nước châu Á khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tương tự như hai cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất mà đất nước này đã trải qua hậu Thế chiến II.
Cụ thể, Nhật Bản đã phải đối mặt với làn sóng thiếu hụt lao động đầu tiên trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng từ những năm 1950 đến những năm 1970, sau đó là làn sóng thứ hai trong thời kỳ bong bóng từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Trong cả hai giai đoạn, các công ty đều cạnh tranh khốc liệt để có được lao động mới.
Bởi vậy khi phải đối mặt với làn sóng thứ ba hiện nay, các tập đoàn Nhật Bản đang chuyển hướng sang những tài năng trẻ từ các nước châu Á khác để bù đắp việc thiếu lao động trầm trọng.
Một trong những công ty như vậy là Takasago Electric, năm ngoái đã tuyển dụng 4 sinh viên tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Ấn Độ Hyderabad (IITH), một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ. Được thành lập vào năm 2008, IITH là công ty hàng đầu trong các lĩnh vực như AI và khoa học máy tính, với nhiều sinh viên tốt nghiệp tiếp tục làm việc cho các công ty công nghệ toàn cầu như Google.
Những sinh viên mới tốt nghiệp năm 2023 này cho biết họ đã lựa chọn làm việc cho một nhà máy sản xuất linh kiện ở Nagoya, miền trung Nhật Bản, sau khi nghe CEO Haruyuki Hiratani phát biểu tại hội chợ việc làm trong khuôn viên trường.
Mặc dù thừa nhận không thể so sánh về mức lương so với các tập đoàn Mỹ nhưng CEO Hiratani nhấn mạnh công ty "cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho Cơ quan hàng không quốc tế Mỹ (NASA) và các công ty công nghệ thông tin hàng đầu, làm việc trong các công nghệ tiên tiến nhất".
"Hiện tại, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng từ các công ty Nhật Bản mỗi tháng. Điều này hoàn toàn trái ngược với 5 năm trước đây khi hầu như không có yêu cầu nào", giáo sư Kotaro Kataoka nói với Nikkei.
Báo cáo của Recruit Works Institute cho thấy Nhật Bản sẽ thiếu 3,4 triệu lao động vào cuối thập niên 2020 và 11 triệu lao động vào năm 2040.
Tương tự số liệu của Teikoku Databank cho thấy trong nửa đầu năm nay, có đến 182 công ty Nhật Bản không thể vận hành hết công suất vì thiếu nhân lực, một con số kỷ lục chưa từng thấy.
Khủng hoảng lao động
Trong cuộc khủng hoảng lao động đầu tiên của Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao 1950-1970, những sinh viên mới tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở vùng nông thôn thường chuyển đến các thành phố lớn để làm việc trong các nhà máy và cửa hàng, qua đó đáp ứng được phần nào sự thiếu hụt lao động.
Đến thời kỳ bong bóng kinh tế và lại thiếu hụt lao động, các công ty Nhật Bản đã tích cực tuyển dụng những người gốc Nhật từ Nam Mỹ và các nơi khác trên thế giới để bù đắp nhân lực.
Với làn sóng lần thứ 3 này, tờ Nikkei nhận định chúng không phải là hiện tượng tạm thời.
Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản, những người trong độ tuổi từ 15 đến 64, hiện là 74 triệu người, tương ứng mức giảm 15% so với năm 1995 và dự kiến sẽ giảm thêm 18 triệu người vào năm 2050.
Do đó rất nhiều chuyên gia đề nghị Nhật Bản phải toàn cầu hóa lực lượng lao động của mình, nghĩa là tuyển dụng thêm nhiều nhân lực quốc tế một cách cấp bách.
Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản (JETRO), khoảng 28,4% các công ty trả lời cho biết họ có kế hoạch tăng cường tuyển dụng nhân viên nước ngoài trong vòng hai đến ba năm tới.
Ngoài ra, có đến 22,2% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tuyển dụng những chuyên gia có tay nghề cao, bao gồm kỹ sư, chuyên gia tiếp thị và phiên dịch viên. Trong khi đó, khoảng 11,1% công ty có kế hoạch tuyển dụng lao động có tay nghề cụ thể và 10,5% cho biết sẽ tuyển dụng những người lao động đến Nhật Bản thông qua chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật.
Trước bối cảnh này, nhiều công ty Nhật Bản đã nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống của nhân viên nước ngoài tại Nhật Bản.
Ví dụ như Sumitomo Fudosan Villa Fontaine tuyển dụng khoảng 400 thực tập sinh người Việt Nam để dọn phòng tại khách sạn của mình nằm cạnh Sân bay Haneda ở Tokyo.
Doanh nghiệp này đã bổ nhiệm một người quản lý ký túc xá để giúp đỡ những người lao động nước ngoài trong cuộc sống hàng ngày và tạo cơ hội cho họ trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, chẳng hạn như khiêng một ngôi đền di động mikoshi tại một lễ hội địa phương.
Công ty cũng tổ chức tiệc tối và sắp xếp các cuộc gọi video với gia đình họ ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch Tomoyuki Komori của Villa Fontaine, những phúc lợi bổ sung này là kết quả của nhu cầu cấp thiết về người lao động. Việc tuyển dụng đang trở nên khó khăn hơn tại Nhật Bản khi ngành du lịch phát triển nhưng lại thiếu lao động. Sự bùng nổ của du lịch nội địa đã thúc đẩy các công ty Nhật Bản cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, việc giữ chân nhân viên thường rất khó khăn vì một số nhân viên phải vật lộn để thích nghi với văn hóa doanh nghiệp và cách làm việc tại Nhật Bản.
Khó khăn
Một lao động Malaysia đã rời khỏi một công ty thương mại lớn sau khoảng 5 năm làm việc. Trả lời Nikkei, người đàn ông này cho rằng chính sách luân chuyển nhân viên thường xuyên giữa các phòng ban khác nhau của công ty sẽ cản trở mục tiêu đào sâu chuyên môn của ông.
Thêm nữa, người đàn ông này cũng cho biết nếu tiếp tục làm ở đây thì phải mất khoảng 20 năm để đạt được vị trí quản lý và thậm chí không có trưởng phòng người nước ngoài nào trong công ty.
"Tôi cảm thấy một rào cản vô hình trong sự nghiệp", người đàn ông này nói.
Tờ Nikkei cho hay các ngành sản xuất, nông nghiệp và thủy sản của Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào chương trình thực tập sinh kỹ thuật, thế nhưng có khoảng 10.000 thực tập sinh không hài lòng và từ bỏ chương trình mỗi năm.
Với dân số giảm thì việc cải thiện năng suất là điều cần thiết nhưng Nhật Bản lại đang tụt hậu ở mảng này.
Trong báo cáo kinh tế thường niên cho năm tài chính 2024, Văn phòng Nội các Nhật Bản chỉ ra rằng Đức có lực lượng lao động ít hơn Nhật Bản 40% và làm việc ít hơn 20% nhưng lại vượt qua Nhật Bản về tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
"Nền kinh tế Đức tạo ra cùng mức giá trị gia tăng như Nhật Bản với khoảng một nửa đầu vào lao động", báo cáo của Văn phòng Nội các nêu rõ.
Nhận định về tình hình trên, giáo sư Takashi Kumon tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Châu Á ở Tokyo cho rằng nếu Nhật Bản vẫn "mong đợi người lao động nước ngoài cư xử hoặc thực hiện theo cách giống như người Nhật" thì họ sẽ không thể cải thiện năng suất được.
"Để đạt được những mục tiêu này, các công ty phải chuyển đổi bằng cách tiếp thu những ý tưởng và giá trị đa dạng từ lao động quốc tế", giáo sư Kumon cho biết.
*Nguồn: Nikkei