Bị Elon Musk đe dọa, Chủ tịch FED tiếp tục ‘nắn gân’ thị trường, xóa sạch đà tăng điểm sau khi ông Donald Trump đắc cử, chứng khoán hay tiền số đều giảm
Hãng tin CNN cho hay động thái của FED chẳng khác nào "cú tát" vào thị trường Mỹ.
Hãng tin CNN cho hay động thái mới đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell chẳng khác nào lời tuyên bố rằng "Tôi mới là người ra quyết định" (I am in charge).
Theo CNN, những tranh cãi liên quan đến sự trái chiều trong quan điểm điều hành lãi suất cũng như quyền kiểm soát dòng tiền đổ vào thị trường giữa ông Donald Trump và Chủ tịch Powell vẫn chưa có hồi kết.
Thậm chí "Bộ trưởng" Elon Musk của Bộ hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) còn "đổ thêm dầu vào lửa" với những ám chỉ xóa bỏ FED để đưa quyền kiểm soát nguồn cung tiền USD về tay Tổng thống.
Trong bối cảnh này, Chủ tịch FED đã có động thái được đánh giá chẳng khác nào "cú tát" vào thị trường Mỹ khi tái khẳng định vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát sẽ cao hơn dự kiến vào năm 2025, đồng thời chỉ cắt giảm lãi suất 2 lần vào năm tới thay vì 4 lần như dự báo trước đó vào tháng 9/2024.
Ngay lập tức, chứng khoán Mỹ lao dốc với S&P 500 giảm 3%, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.100 điểm, giảm trong phiên thứ 10 liên tiếp, tương ứng chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1974.
Vậy là chỉ số Dow Jones đã mất gần sạch mức tăng điểm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử, qua đó cho thấy tầm ảnh hưởng của FED đã vượt cả sức ảnh hưởng từ Nhà Trắng.
Xin được nhắc rằng những cam kết thân thiện với doanh nghiệp của ông Donald Trump như bãi bỏ bớt các quy định, cắt giảm thuế đã khiến nhà đầu tư phấn khích với kỳ vọng FED hạ lãi suất.
Thế nhưng theo giám đốc điều hành Art Hogan của B. Riley Investments, tuyên bố mới đây của FED không khác gì "cú tát vào mặt thị trường".
"Tuyên bố của FED đang làm mọi người hoảng sợ", ông Hogan cảnh báo.
Tương tự trên thị trường tiền số, từ đỉnh cao nhất lịch sử 108.000 USD, giá Bitcoin đã lao dốc xuống dưới 100.000 USD, kéo theo áp lực bán tháo trên cả thị trường tiền số.
Trong vòng 24 giờ, tiền số giá trị nhất thế giới đã giảm 5%. Dữ liệu từ blockchain cho thấy đây là lần giảm giá mạnh nhất của Bitcoin trong vòng ba tháng qua.
FOMO
Mặc dù FED đã cắt giảm 0,25 điểm phần trăm nhưng hãng tin CNN cho hay các nhà đầu tư vẫn sốc trước dự báo của tổ chức này cho năm 2025.
Đối với thị trường, việc cắt giảm lãi suất ít hơn đồng nghĩa với thu nhập thấp hơn dự kiến, ít tuyển dụng hơn và nền kinh tế yếu hơn dự kiến.
"Chủ tịch Powell đã nhắc nhở chúng ta rằng chẳng có gì là dễ dàng", chiến lược gia Callie Cox tại Ritholtz Wealth Management nói khi ám chỉ đến đà tăng điểm gần đây trên thị trường khi kỳ vọng ông Donald Trump sẽ giảm thuế và bãi bỏ bớt các quy định.
Hãng tin CNN nhận định các đề xuất chính sách của Nhà Trắng, bao gồm nâng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, đẩy lạm phát lên cao hơn và khiến FED phản ứng lại, qua đó đi ngược kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Chiến lược gia Sam Stovall tại CFRA Research nhận định thay vì trì hoãn việc bán ra vào đầu năm 2025 thì nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời từ bây giờ vì tâm lý FOMO khi lo sợ bỏ lỡ cơ hội chốt lời và trở thành kẻ thua cuộc so với người khác.
FOMO (Fear Of Missing Out) là thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ hay mất cơ hội. Người mắc phải hội chứng này thường bị ám ảnh bởi cảm giác sợ bỏ lỡ một điều gì đó hoặc mất cơ hội thành công mà mọi người xung quanh đã đạt được. Chính hội chứng này khiến mọi người mắc phải những sai lầm khi đưa ra các quyết định thiếu lý trí, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đồng quan điểm, chiến lược gia Rob Haworth tại US Bank Wealth Management cho rằng nhà đầu tư đang dần tỉnh táo lại khi FED nắm giữ quyền lực tác động đến thị trường ở cấp độ "không giống bất kỳ tổ chức nào khác tại Mỹ".
Tuy nhiên, chính thứ quyền lực này lại đang trở thành tâm điểm xung đột giữa với ông Donald Trump và Elon Musk.
Xung đột
Năm 2017, chính ông Donald Trump khi đó còn là Tổng thống đã bổ nhiệm ông Powell vào vị trí lãnh đạo FED. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ đầu tiên, cũng chính ông Donald Trump là người không ngừng chỉ trích ông Powell vì cho rằng FED không nới lỏng chính sách tiền tệ đủ nhanh.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 10/2024, ông Donald Trump cho rằng Tổng thống nên được quyền tham gia vào các quyết định lãi suất: "Tôi không cho là tôi nên được ra lệnh về lãi suất, nhưng tôi nghĩ tôi có quyền đưa ra các bình luận về việc lãi suất nên tăng hay giảm".
Đáp trả, Chủ tịch Powell đã trả lời một phóng viên ngày 2/11 về việc liệu ông có từ chức nếu bị ông Donald Trump yêu cầu hay không rằng: "Không. Việc này không được pháp luật cho phép".
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Donald Trump đã từng cam kết sẽ hạ lãi suất xuống mức thấp nhưng bản thân ông lại không thể tác động vào quyết định của FED. Chính điều này đã khiến căng thẳng 2 bên leo thang.
Theo FED, nếu Tổng thống ép họ giảm lãi suất thì có thể khiến lạm phát tăng mạnh trở lại, đi ngược lại mục tiêu bình ổn giá mà họ đang theo đuổi. Các lãnh đạo của FED tin rằng họ cần thiết đưa ra những quyết định không được lòng cử tri để đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài.
Chính điều này càng làm gia tăng căng thẳng giữa ông Donald Trump, tỷ phú Elon Musk và FED. Trong khi ông Donald Trump cho rằng FED đang chưa hạ lãi suất đủ nhanh và gây cản trở cho các chính sách của mình thì phía Chủ tịch Powell lại muốn "cân nhắc kỹ lưỡng" trước khi đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, việc FED cung tiền cho nền kinh tế bằng việc mua trái phiếu chính phủ cũng được cho là quyền lực quá lớn gây ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ, khiến những người ủng hộ ông Donald Trump như tỷ phú Elon Musk cảm thấy bất bình.
Xin được nhắc lại rằng FED ngoài nhiệm vụ cung tiền thì còn có nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất để duy trì ổn định giá cả, tối đa hóa việc làm cũng như tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ. Nhiệm vụ của FED giúp nền kinh tế Mỹ phát triển ổn định và tránh các biến động, nhưng chúng đôi khi khiến chính phủ Mỹ "bực mình" do đi ngược lại hoặc cản trở các chính sách từ Nhà Trắng.
Về lý thuyết, nhiều chuyên gia cho rằng nếu FED trở thành một cơ quan chính phủ thì lãi suất có thể bị chi phối bởi các mục tiêu ngắn hạn của Nhà Trắng và gây bất ổn cho nền kinh tế về dài hạn.
Bởi vậy FED đã trở thành một tổ chức độc lập với chính phủ Mỹ suốt 70 năm và việc tỷ phú Elon Musk hay ông Donald Trump muốn thay đổi luật pháp là điều không hề dễ dàng.
Tình hình càng nóng hơn khi Elon Musk công khai ủng hộ quan điểm của nghị sĩ Mike Lee khi cho rằng việc FED không phải là cơ quan chính phủ và không thuộc về quyền kiểm soát của Tổng thống Mỹ nhưng lại nắm giữ quyền lực quá lớn trong nền kinh tế là đi ngược lại Hiến pháp. Đây cũng là lý do nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa muốn giải thể FED để đưa nguồn cung tiền USD về tay Tổng thống Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Donald Trump và FED có thống nhất được các chính sách kinh tế hay không nhưng rõ ràng những động thái của "Ngân hàng trung ương Mỹ" này cho thấy họ vẫn muốn có sự tự chủ khi điều hành nền kinh tế đất nước.
*Nguồn: CNN, CNBC, BI