Xem phim Sex Education, tôi quyết định đổi cách dạy con, nào ngờ con chia sẻ 1 bí mật mà nghe xong, tôi không dám mắng!
Nghe con chia sẻ, tôi không dám mắng, vì biết chính sự dạy dỗ thiếu sót của mình mới khiến con có hành động đó.
Tôi từng là một bà mẹ cực kỳ bảo thủ khi nói đến giáo dục giới tính. Trong quan điểm của tôi, đây là một chủ đề "cấm kỵ" trong gia đình. Tôi luôn tin rằng chỉ cần con cái được nuôi dạy nghiêm khắc, tránh xa các nội dung liên quan đến tình dục, thì chúng sẽ phát triển lành mạnh và không phải đối mặt với những sai lầm đáng tiếc.
Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi quyết định thử xem bộ phim Sex Education. Ban đầu, tôi khá miễn cưỡng vì nghĩ rằng đây chỉ là một bộ phim không phù hợp với quan điểm của mình. Nhưng khi đến tập 7 của mùa 3, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi câu nói của Jean Milburn:
"When we give teens agency, information, and trust, there's a much higher success rate". (Khi chúng ta trao quyền, thông tin và sự tin tưởng cho thanh thiếu niên, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nhiều).
Jean Milburn - một nhà trị liệu tình dục đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho thanh thiếu niên quyền tự chủ, thông tin chính xác và sự tin tưởng, thay vì chỉ dạy chúng kiêng cữ. Cô lập luận rằng các trường học chỉ dạy kiêng cữ thường có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với các trường có chương trình giáo dục giới tính toàn diện.
Câu nói này đã khiến tôi phải dừng lại và suy ngẫm về cách mình đã giáo dục con cái, đặc biệt là về giáo dục giới tính.
Bộ phim Sex Education khiến tôi từ né tránh đến hiểu đúng
Từ trước đến nay, tôi luôn nghĩ rằng không nói về tình dục là cách bảo vệ con tốt nhất. Tôi thường dạy con bằng những quy tắc cứng nhắc, như: "Không được yêu đương khi còn đi học" hoặc "Chuyện đó là xấu, đừng bao giờ nghĩ đến". Tôi cũng luôn né tránh những câu hỏi của con liên quan đến cơ thể hoặc tình dục, vì nghĩ rằng càng nói, con càng tò mò và dễ bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, câu nói của Jean Milburn đã cho tôi một góc nhìn mới. Việc dạy kiêng cữ hoặc né tránh không hề giảm thiểu các rủi ro như mang thai ngoài ý muốn hay bệnh lây qua đường tình dục. Ngược lại, chính sự thiếu thông tin mới là yếu tố khiến thanh thiếu niên dễ mắc sai lầm hơn.
Nhiều tình huống trong phim cũng cho thấy rằng khi trẻ em được tiếp cận thông tin đúng cách, chúng sẽ hiểu rõ hơn về cơ thể mình, biết tự bảo vệ bản thân và có trách nhiệm hơn trong các mối quan hệ. Điều này khiến tôi tự hỏi: Liệu cách dạy của mình có thực sự bảo vệ con, hay chỉ khiến con sống trong sự thiếu hiểu biết?
Sau khi thay đổi cách dạy dỗ, tôi biết 1 sự thật "sốc" về con
Sau khi xem tập phim đó, tôi nhận ra rằng mình cần thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục giới tính. Thay vì né tránh, tôi cần trở thành người hướng dẫn và đồng hành cùng con. Nếu tôi không cung cấp cho con thông tin đúng, con sẽ tìm đến những nguồn thông tin sai lệch hoặc tự học hỏi theo cách không an toàn.
Tôi bắt đầu học cách trò chuyện với con về cơ thể, các mối quan hệ, và cả những nguy cơ liên quan đến tình dục, nhưng bằng một cách nhẹ nhàng và khoa học.
Tôi cũng giáo dục con về sự tôn trọng cơ thể. Tôi giải thích cho con rằng việc yêu thương và tôn trọng cơ thể mình là điều quan trọng nhất. Tình dục không phải là điều cấm kỵ, mà là một phần tự nhiên của con người, cần được hiểu và xử lý một cách có trách nhiệm.
Bộ phim cũng thúc đẩy tôi trang bị thông tin thực tế cho con. Thay vì chỉ nói "Không được làm điều này", tôi dạy con cách tự bảo vệ bản thân, như sử dụng biện pháp tránh thai, hiểu về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và biết nói "không" khi cảm thấy không thoải mái.
Khi bắt đầu áp dụng những thay đổi này, tôi nhận thấy con gái tôi cởi mở hơn rất nhiều. Con không ngại ngần mà thẳng thắn hỏi mẹ nhiều câu hỏi nhạy cảm. Con cũng chia sẻ 1 điều khiến tôi khá sốc: "Thật ra có lần, con và mấy đứa bạn đã thử xem phim đen. Bọn con xem vì tò mò, vì muốn tìm hiểu kiến thức giới tính thôi mẹ ạ, mẹ đừng hiểu nhầm. Những thứ xem khiến bọn con khá sốc, bọn con đã thử lên mạng đọc thêm thông tin, nhưng càng đọc càng thấy sao sao".
Nghe con chia sẻ, tôi không dám mắng, vì biết chính sự dạy dỗ thiếu sót của mình mới khiến con tự tìm hiểu theo cách không đúng. Tôi cũng cảm thấy vui, vì con đã thực sự tin tưởng mẹ thì mới dám chia sẻ chuyện đó.
Sau khi thay đổi cách dạy con, tôi nhận ra rằng giáo dục giới tính không phải là dạy trẻ làm gì, mà là giúp trẻ hiểu và biết cách tự bảo vệ bản thân trong một thế giới đầy rủi ro.
Câu nói của Jean Milburn đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về giáo dục giới tính. Tôi hiểu rằng không ai có thể bảo vệ con tốt hơn chính cha mẹ, và cách bảo vệ tốt nhất không phải là che giấu hay cấm đoán, mà là cung cấp cho con thông tin đúng đắn và tạo một môi trường an toàn để con có thể chia sẻ.
Làm mẹ không phải là giữ con tránh xa mọi rủi ro, mà là dạy con cách đối mặt và vượt qua chúng.
Thanh Hương