Nhật Bản đau đầu bài toán lao động: Thu nhập gần 500 triệu đồng/năm vẫn khó sống, có những ngành mỗi năm chứng kiến 10.000 thực tập sinh ra đi
Nhật Bản đang đau đầu giải quyết khủng hoảng nhân tài lần thứ 3 trong lịch sử.
Các công ty Nhật Bản đang đẩy mạnh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và thực tập sinh kỹ thuật từ các nước châu Á. Mục đích nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, tương tự như hai cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ mà quốc gia này đã trải qua thời hậu chiến.
Nhật Bản từng phải đối mặt với làn sóng thiếu hụt lao động đầu tiên trong giai đoạn tăng trưởng nhanh từ những năm 1950 đến những năm 1970, sau đó đến thời kỳ bong bóng vào cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Trong cả hai giai đoạn, các công ty đều cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm lao động mới.
Hiện tại, trong bối cảnh làn sóng thiếu hụt lao động thứ ba, các công ty trong nước, trong đó có Takasago Electric, chuyển hướng sang những tài năng trẻ đến từ châu Á.
Takasago Electric năm ngoái đã tuyển dụng 4 sinh viên tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Ấn Độ Hyderabad (IITH), một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ. Được thành lập vào năm 2008, IITH là đơn vị dẫn đầu trong các lĩnh vực như AI và khoa học máy tính, với nhiều sinh viên tốt nghiệp đầu quân vào các công ty công nghệ toàn cầu lớn như Google.
Bốn nhân viên mới được tuyển dụng, những người đã tốt nghiệp năm 2023, cho biết họ đã chọn làm việc cho nhà sản xuất linh kiện tại Nagoya, miền trung Nhật Bản, sau khi nghe CEO của công ty, Haruyuki Hiratani, phát biểu tại hội chợ việc làm trong khuôn viên trường. Hiratani thừa nhận Takasago không thể đáp ứng được mức lương như nhiều tập đoàn Mỹ, song “thế mạnh của chúng tôi là liên tục thúc đẩy công nghệ tiên tiến”.
“Chúng tôi hiện nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng từ các công ty Nhật Bản mỗi tháng”, Kotaro Kataoka, một giáo sư tại trường đại học cho biết. “Cách đây 5 năm, hầu như không có yêu cầu nào”.
Làn sóng thiếu hụt lao động hiện nay không phải vấn đề tạm thời. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản, những người từ 15 đến 64 tuổi, hiện đạt 74 triệu người, giảm 15% so với mức đỉnh điểm năm 1995 và dự kiến sẽ giảm thêm 18 triệu người vào năm 2050. Nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần phải toàn cầu hóa lực lượng lao động một cách cấp thiết.
Trong một cuộc khảo sát tài chính năm 2023 của Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản (JETRO), 28,4% các công ty trả lời cho biết họ có kế hoạch tăng cường tuyển dụng nhân viên nước ngoài trong vòng 2-3 năm tới. Về tình trạng thị thực của người lao động, 22,2% -- tỷ lệ cao nhất -- cho biết sẽ tuyển dụng những lao động có thị thực “chuyên gia có tay nghề cao”, bao gồm các loại như kỹ sư, chuyên gia tiếp thị và phiên dịch. Trong khi đó, 11,1% cho biết có kế hoạch tuyển dụng “lao động có tay nghề cụ thể”.
Trong nỗ lực đó, một số công ty đã cố gắng hỗ trợ các lao động nước ngoài hết mức có thể. Chẳng hạn, Sumitomo Fudosan Villa Fontaine, tuyển dụng khoảng 400 thực tập sinh người Việt Nam, thường xuyên tổ chức tiệc tối và sắp xếp các cuộc gọi video để gia đình từ quê nhà có thể trò chuyện với con cái.
Tuy nhiên, việc giữ chân nhân viên thường gặp khó khăn vì một số không thể thích nghi với văn hóa doanh nghiệp. Một người đàn ông Malaysia 34 tuổi đã tự nguyện xin nghỉ việc tại một công ty thương mại lớn sau khoảng 5 năm. Anh nói sẽ mất khoảng 20 năm để đạt được đến vị trí quản lý và bản thân công ty cũng không có trưởng phòng nào là người nước ngoài.
Các ngành như sản xuất, nông nghiệp và thủy sản của Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn có khoảng 10.000 thực tập sinh không hài lòng và từ bỏ chương trình.
Nếu một quốc gia muốn đạt được tăng trưởng bất chấp dân số giảm, việc cải thiện năng suất là điều cần thiết. Tuy nhiên, Nhật Bản tụt hậu rất nhiều trong lĩnh vực này. Trong báo cáo kinh tế thường niên cho năm tài chính 2024, Văn phòng Nội các chỉ ra rằng Đức, quốc gia đã vượt qua Nhật Bản về tổng sản phẩm quốc nội, có lực lượng lao động ít hơn Nhật Bản 40% và làm việc ít hơn 20% giờ.
“Đức tạo ra cùng mức giá trị gia tăng như Nhật Bản với chỉ khoảng một nửa đầu vào lao động”, báo cáo nêu rõ.
“Trừ khi bạn không mong đợi các lao động nước ngoài cư xử như người Nhật, nếu không bạn sẽ không thể cải thiện năng suất hoặc thúc đẩy sự đổi mới”, Takashi Kumon, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Châu Á ở Tokyo, cho biết. Để đạt được những mục tiêu này, các công ty phải chuyển đổi bằng cách tiếp thu những ý tưởng và giá trị đa dạng”.
Thu nhập thấp cũng là một trong số những nguyên nhân khiến Nhật Bản khó giữ chân nhân tài. Thực tế này khác xa so với khoảng 10 năm trước đây, khi mức lương tiềm năng tại các công ty Nhật Bản được coi là điểm sáng để thu hút các nhân viên tài năng nhất.
Tại buổi thuyết trình vào tháng trước ở Thượng Hải, Masato Sampei, chủ tịch công ty hỗ trợ tuyển dụng châu Á tại Nhật Bản, đã nhận được câu hỏi thẳng thắn từ một sinh viên: “Bạn có thể sống với thu nhập hàng năm 3 triệu yên (19.100 USD, tương đương gần 500 triệu đồng) ở Tokyo không?”. Ngay sau khi nghe ông giải thích ngọn ngành chi phí sinh hoạt ở Tokyo cũng như mức lương hàng năm đầu tiên có thể được nhận tại một công ty Nhật Bản, khuôn mặt chàng sinh viên kia ngay lập tức trở nên chán nản. Đồng yên mất giá trong bối cảnh lạm phát khiến thu nhập 500 triệu/năm cũng khó lòng thỏa mãn một số người.
Thực tế, mức lương của Nhật Bản vốn thấp hơn so với các nước phát triển. Theo dữ liệu hồi tháng 5/2024 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD chỉ đứng thứ 25 trong tổng số 38 quốc gia, tức tụt lại phía sau cả những nước như Slovenia và Lithuania. Với sự mất giá gần đây của đồng yên, tiền lương cho sinh viên nước ngoài thậm chí còn tệ hơn trước.
Trong bối cảnh cơ hội việc làm suy yếu, giới trẻ Nhật Bản dần chuyển hướng ra thị trường nước ngoài. Takeshi Fukumoto, đến từ quận Nara, đã xin được thị thực và chuyển đến Toronto làm nhà hàng. Thu nhập một giờ rơi vào khoảng 22 đô la Canada. Trung bình làm việc 40 giờ/tuần.
“Mặc dù thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng tôi kiếm được rất nhiều tiền”, anh nói. “Nếu tính cả tiền tip, thu nhập hàng tháng của tôi là hơn 400.000 yên”.
Theo: Nikkei Asia, CNN
Theo: Vũ Anh