CEO Netflix - Tài năng lập dị

11/09/2015 14:09 PM |

Netflix là một trong những câu chuyện thành công đáng kinh ngạc, từ một dịch vụ nhỏ bé thành một đế chế truyền hình được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ.

Để có được thành quả ấy, không thể không nhắc tới “cha đẻ” của thương hiệu này - Reed Hastings, người không chỉ xây dựng mà còn kiến tạo tương lai cho Netflix.

Bài học quản trị vỡ lòng

Ý tưởng thành lập Netflix đến vào năm 1997, sau khi Hastings nhận được thông báo trả khoản phí 40 đô la quá hạn thuê DVD từ hệ thống cửa hàng Blockbuster. Hasting cùng với người đồng sáng lập, Marc Randdolph ngay sau đó đã cùng nhau nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua thư tín. Và đó là cách mà đế chế truyền thông Netflix ra đời.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của công nghệ đầu thế kỷ XX, mà đặc biệt là sự tiếp cận Internet ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành kinh doanh ban đầu của Netflix là cho thuê DVD qua email.

Nắm bắt xu thế sắp tới sẽ là công nghệ và Internet, Hastings đã quyết định chuyển hướng hoạt động của Netflix, đổi từ ngành kinh doanh chủ chốt là DVD thành dịch vụ truyền hình trực tuyến Internet, sản xuất cả phim và show truyền hình.

Chính tầm nhìn của Hastings đã giúp Netflix thành công và vững mạnh. Trong khi đó, gã khổng lồ cạnh tranh một thời là Tập đoàn Blockbuster vẫn kiên trì bám trụ vào dịch vụ cho thuê DVD và video trò chơi trong suốt thời kỳ mà Internet bùng nổ, đã phá sản vào năm 2010.

Tuy vậy, Netflix không phải là bằng chứng đầu tiên về tài năng của Reed Hastings. Ông tốt nghiệp Trường Bodoin College, với tấm bằng cử nhân toán học và làm Chủ tịch Club Outing, nơi ông tự lên kế hoạch tổ chức các chuyến leo núi và trèo thuyền.

Năm 1991, Hastings sáng tạo ra phần mềm Pure Software và nhờ vậy thu được một khoản tiền lớn khi bán cho Rational Software vào bốn năm sau. Lúc này, Hastings 35 tuổi, nằm trong top triệu phú công nghệ khi nắm trong tay 750 triệu đô la.

Song song với tài năng được cộng đồng Thung lũng Silicon công nhận, Hastings cũng “ghi dấu ấn” với hình ảnh của một tài năng lập dị.

Reed Hastings đã học được bài học vỡ lòng về quản trị từ sếp của mình

Trang Business Insider “kể” một câu chuyện về Hastings: Sau khi ra trường, ông dành hai năm trong một công ty start-up về công nghệ ở Thung lũng Silicon. Ngoài chiếc máy tính cá nhân đặt trên bàn làm việc được chăm chút sạch sẽ, thì giấy tờ, quần áo và cả cốc cà phê bẩn của Hastings hiện diện khắp nơi trong phòng của ông.

Không hề chủ động dọn dẹp, thỉnh thoảng, ông thấy chúng được gọn gàng và các cốc cà phê tự sạch một cách bí ẩn. Ban đầu ông cho rằng ai đó, người lao công hay một cô gái để ý tới ông trong chỗ làm, đã dành thời gian cho công việc này.

Tuy nhiên, trong một lần đến chỗ làm sớm, Hastings thấy CEO của công ty đang rửa chiếc cốc cà phê của ông trong phòng tắm. “Cả năm nay sếp rửa cốc cho em à?”, Hastings đứng ngây người và hỏi.

Vị CEO gật đầu: “Đây là điều tôi có thể làm để hỗ trợ cho cậu. Cậu đã đóng góp và làm được rất nhiều cho công ty”.

Câu trả lời của vị CEO đã cho ông bài học vỡ lòng về việc quản trị nhân viên và giữ chân nhân tài. Văn hóa doanh nghiệp của Netflix đã hình thành từ sự yêu mến mà Hastings dành cho vị sếp ấy.

Văn hóa tự do và trách nhiệm

CEO của Netflix có phong cách quản lý khác biệt. Hastings không có một văn phòng riêng tại trụ sở chính của công ty, quản lý nhân viên bằng cách đi lang thang và hội họp bất kỳ khi nào cảm thấy thuận tiện.

Chính sự tự do trong tính cách của Hastings đã ảnh hưởng lên văn hóa doanh nghiệp của Netflix. Business Insider dẫn lời Reed Hastings trong lần phỏng vấn về văn hóa Netflix, “mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do trong nhân viên cũng như cách chúng tôi phát triển, chứ không hạn chế nó, để tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng cá nhân sáng tạo. Chúng tôi sẽ có cơ hội thành công cao hơn một khi theo đuổi chiến lược này”.

Để thu hút và giữ chân những nhân viên tiềm năng, Hastings sẵn sàng trao cho họ những quyền lợi và sự hỗ trợ tốt nhất mà ông có thể làm cho họ.

Khi một nhân viên nữ trong Netflix lên chức mẹ, Hastings sẽ cung cấp chính sách nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn giữ nguyên mức lương cho họ. Một nhân viên lên chức cha cũng có thể nghỉ tùy thích trong vòng một năm và vẫn nhận lương thưởng đầy đủ.

Ngoài ra, Netflix cũng không giới hạn ngày nghỉ phép cho nhân viên của mình. Công ty sẽ không gò bó và không theo dõi ngày nghỉ của nhân viên. Thay vào đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ cần có những cuộc trò chuyện về những gì là thích hợp cho sự phát triển và đảm bảo đặc quyền này sẽ không bị lạm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

“Tại Netflix, chúng tôi nghĩ rằng các nhân viên có thể tự xây dựng một ý thức trách nhiệm khi họ thực sự yêu công việc họ làm. Điều chúng tôi cần là hiệu quả công việc, chứ không quan tâm số giờ nhân viên có mặt ở công ty. Vì thế, Netflix sẵn sàng tạo điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển, từ đó gắn bó lâu dài với công ty”, Hastings cho biết trên Business Insider.

Không chỉ “hào phóng” với nhân viên, Hastings cũng sử dụng cách thức này để tạo ra một chiến lược tăng trưởng cho công ty.

Netflix hiện có khoảng 62 triệu thuê bao tại hơn 50 quốc gia trên thế giới

Để thu hút những khách hàng tiềm năng, Netflix luôn chào mời các “thượng đế” một tháng thử dùng dịch vụ không mất phí. Trong khi nhà đài thường phát sóng chỉ 1 hoặc 2 tập của một bộ phim hoặc show truyền hình trên tivi (TV) và sẽ công chiếu tập tiếp theo vào tuần tới, thì Hastings lại tung ra tất cả các tập phim cùng một lúc.

Đơn cử là loạt phim truyền hình House of Cards. Đây là bộ phim đầu tay của Netflix sản xuất vào năm 2013, phim nhận được 9 giải đề cử Primetime Emmy và là một trong những bộ phim dài tập có lượng người xem cao nhất tại Mỹ.

Bộ phim có 13 tập và được tung ra tất cả cùng một lúc, và người xem cũng không bị quảng cáo làm gián đoạn. Netflix đã thực sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Reed Hastings cho biết lý do của động thái này: “Tung ra 13 tập phim liên tiếp lên TV không phải là sự đánh bạc. Đây là cách để khách hàng thoải mái kiểm soát việc họ giải trí khi nào và như thế nào”.

Chiến lược tạo nhiều thiện cảm hơn là cố gắng sử dụng mánh khóe đã làm tăng số lượng người dùng đăng ký Netflix. Khách hàng đã phản ứng tích cực trước sự tự do và hào phóng của Hastings đối với những điều mà họ coi trọng. Điều này đã tạo tiền đề cho thành công của dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix.

Hiện Netflix đang có khoảng 62 triệu thuê bao tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Đó không phải là một con số dễ đạt tới.

 

Theo Văn Lộc

Cùng chuyên mục
XEM