Cựu CEO Apple: "Trải nghiệm của khách hàng là số 1, Công nghệ chỉ là số 2"

10/09/2015 11:18 AM |

"Khi chân ướt chân ráo tới thung lũng Silicon, tôi thấy đa số mọi người chỉ nói đến công nghệ. Duy nhất chỉ có Steve Jobs là người hiểu được rằng, không chỉ là công nghệ mà cái quan trọng hơn là trải nghiệm của người sử dụng" - John Scully, CEO Obi Worldphone.

Năm 1985, sau cuộc tranh cãi về máy Macintosh, cựu CEO Apple - John Sculley đã khiến Hội đồng quản trị đẩy Steve Jobs rời khỏi công ty do chính Jobs thành lập.

8 năm sau, chính Sculley sau đó cũng bị buộc rời khỏi Apple, sau một cuộc tranh cãi về bản quyền phần mềm trền Macintosh với các hãng sản xuất máy tính vào năm 1993. Kể từ đó cho đến nay, John Sculley đã trở thành người có tiếng nói ảnh hưởng trong ngành công nghệ và truyền cảm hứng cho rất nhiều lãnh đạo cũng như những công ty startup.

Trước đây đã từng ghé thăm Việt Nam nhiều lần, nhưng lần này Sculley đến là để ra mắt mẫu điện thoại của riêng ông, chiếc Obi Worldphone. Một dòng smartphone mang ngôn ngữ thiết kế của thung lũng Silicon. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông nhân chuyến ghé thăm lần này.

Trải qua thời gian dài lãnh đạo PepsiCo rồi Apple, sau đó ông thành lập một loạt công ty như Zeta, Misfit Wearables, Inflexionpoint Acquisition, và Obi Worldphone. Bí quyết kinh doanh của ông là gì?

Ông John Sculley: Điều quan trọng nhất mà tôi đúc kết được, là bạn cần phải tìm ra cách nào đó đề khiến cho khách hàng cảm thấy hài lòng nhất. Chúng tôi thường hay nói với nhau rằng, không thể thay đổi một con người ngay tức thì được nhưng bằng sản phẩm tốt của mình, chúng ta có thể khiến họ thay đổi.

Khi đã thay đổi rồi, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin đó cho bạn bè và người thân của họ. Đó là phương thức kinh doanh hiệu quả nhất.

Steve Jobs và John Sculley thời còn chung chiến tuyến ở Apple.

Một câu nói rất nổi tiếng mà ông từng nói với Steve Jobs: “Là doanh nghiệp tiêu dùng, chúng tôi không bán sản phẩm mà bán sự trải nghiệm”. Triết lý kinh doanh “Bán sự trải nghiệm” tiếp tục được ông phát triển khi cập bến Apple. Đối với Obi Worldphone, ông vẫn trung thành với triết lý này chứ?

Triết lý đó chúng tôi hiện nay vẫn đang sử dụng. Khi chân ướt chân ráo tới thung lũng Silicon, tôi thấy đa số mọi người chỉ nói đến công nghệ mà thôi. Duy nhất chỉ có Steve là người hiểu được rằng, không chỉ là công nghệ mà cái quan trọng hơn là trải nghiệm của người dùng.

Bạn có thể nói điện thoại này tốt hơn cái kia, nhưng khách hàng chỉ nói những trải nghiệm của họ đến với bạn bè. Trải nghiệm của người dùng là thứ tạo ra sự khác biệt của sản phẩm.

Giống như Apple, họ nói rằng họ chỉ bán sản phẩm cho những người yêu quý Apple mà thôi. Còn với Obi, chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu tạo ra được một “cuộc tình” giữa người sử dụng và chiếc smartphone của Obi.

Hầu hết cộng sự trong nhóm của tôi đến từ Apple, do đó chúng tôi học được rằng, điều khiến chúng tôi phải tập trung không phải là giao diện mà phải là trải nghiệm của người sử dụng. Ở đây, là sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, một sự phối hợp để làm sao tạo ra một sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Vậy, sự khác biệt giữa Apple và Obi là gì?

Thực ra mà nói với Apple, phân khúc thị trường của họ hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp, sản phẩm họ đưa ra mức giá rất cao, và mục tiêu lợi nhuận của họ cũng rất cao. Còn chúng tôi là hãng điện thoại mới, chúng tôi không đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao. Mục tiêu thấp chính là điểm khác biệt của chúng tôi.

Chúng tôi không có ý định cạnh tranh với Apple vì phân khúc thị trường của chúng tôi khác với Apple. Chúng tôi đưa ra một loại smartphone mới, có chất lượng, chất liệu hoàn toàn khác biệt so với các dòng smartphone có cùng mức giá trên thị trường.

Ông sẽ sử dụng phương thức bán hàng nào tại Việt Nam?

Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng tôi làm việc với các nhà phân phối lớn trên thế giới, và tận dụng những mối quan hệ khi làm việc tại thung lũng Silicon.

Ở Việt Nam chúng tôi hợp tác cùng Digiworld, ngoài ra chúng tôi cũng liên kết với những nhà bán lẻ lớn khác. Lý do chúng tôi không kinh doanh qua kênh thương mại điện tử là bởi hình thức bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn đang phát triển rất mạnh. Thương mại điện tử thì vẫn còn rất nhỏ bé.

Ông nghĩ thế nào về sự thất bại?

Tôi nghĩ thất bại rất rất quan trọng. Cách duy nhất để chúng ta có thể thực sự học hỏi là hãy thất bại.

Một người bình thường khi gặp thất bại, họ nghĩ rằng: Như thế là hết! Nhưng tại thung lũng Silicon, có một câu thần chú như thế này: “Fail fast, fail often” – Hãy thất bại thật nhanh, thất bại thường xuyên. Họ coi thất bại là chuyện “cơm bữa” và họ hiểu rằng phải đứng dậy một cách nhanh chóng.

Văn hóa khởi nghiệp ở thung lũng Silicon, là hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Đó là lý do chúng ta thấy rất nhiều công ty vĩ đại có xuất phát điểm từ nơi này. Đơn giản là vì tất cả những tỷ phú ở thung lũng Silicon, họ đều coi thất bại là chìa khóa để xây dựng nên thành công.

75 tuổi, độ tuổi ở Việt Nam được gọi là “thất thập cổ lai hy” nhưng dường như con người ông vẫn tràn đầy năng lượng. Đã bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi, cần một chút thời gian để nghỉ ngơi hay chưa?

Chưa bao giờ. Tôi làm những việc này bởi vì tôi yêu công việc của tôi, tôi luôn có một cái nhìn lạc quan về tương lai. Bên cạnh tôi đây là một người vợ tuyệt vời, một cộng sự luôn sát cánh cùng tôi.

Bà ấy là một người vô cùng tài năng trong lĩnh vực toán học và khoa học máy tín, đồng thời cũng rất am hiểu về kinh doanh.Thật tuyệt vời khi có được một cộng sự 24/24, người cùng tôi đi khắp thế giới, giúp đỡ tôi trong tất cả các công việc.

Tôi cảm thấy mình là một người vô cùng may mắn.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM