Nhân tài thế giới đang nườm nượp đổ về Trung Đông, nhưng chỉ là ‘thiên đường tạm thời’ chứ không thể ‘an cư trọn đời’

25/07/2023 15:09 PM | Kinh doanh

Lương cao, dễ mua nhà, nhiều chỗ ăn chơi nhưng không được nhập tịch. Đã thế, nếu da “ngăm đen” thì vẫn có thể bị đuổi khỏi trung tâm mua sắm.

Trong năm năm qua, xứ sở Trung Đông đã có nhiều sự thay đổi đáng kinh ngạc về mức độ cởi mở trong xã hội và kinh tế.

Năm 2021, nội các Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã thông qua một chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài nhằm biến nơi đây thành điểm đến làm việc, sinh sống và đầu tư ưa thích của người nước ngoài. Qatar cũng không kém cạnh khi tuyên bố sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới công nghệ của thế giới. 

Theo báo cáo của Resume.io (Mỹ), vào tháng 2 năm 2023, thủ đô Doha của Qatar đã bắt kịp với San Francisco - nơi tọa lạc của Thung lũng Silicon - về số lượng ứng viên xin việc trên LinkedIn.

Lao động chất lượng cao trên khắp thế giới đang đổ dồn về mảnh đất xưa nay vốn được cho là khép kín này.

Trung Đông đang chuyển mình như thế nào?

Vài năm trước, khi đặt chân đến Ả Rập Xê Út, phụ nữ nước ngoài được yêu cầu phải quấn mình trong một bộ burqa đen tuyền quấn từ đầu đến chân. Cảnh sát tôn giáo có mặt ở khắp nơi, sẵn sàng đuổi bất cứ người phụ nữ nào không che mặt, trang điểm hay làm móng tay khỏi nơi công cộng. 

Nhưng ngày nay, cảnh tượng các cô gái trẻ mặc burqa nhưng xõa tóc, trang điểm rạng rỡ, vừa đi vừa hút thuốc lá điện tử hay lái xe ngoài phố là quá đỗi bình thường ở thủ đô Riyadh. Các trung tâm mua sắm nơi đây hai giờ sáng vẫn mở cửa nhộn nhịp. Rạp chiếu phim vốn bị cấm từ những năm 1980 cũng được mở cửa trở lại. Các sự kiện âm nhạc, tiệc hóa trang được tổ chức không ngừng nghỉ. Tháng 1 năm 2023, nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc cũng đã có một show biểu diễn sôi động tại Riyadh.

photo-1690190572621

Trung Đông có gì mà hấp dẫn nhân tài thế giới?

Nới lỏng thị thực cho nhân tài và người giàu

Trong nhiều thập kỷ, người dân Ả Rập Xê Út phải sống trong các quy tắc xã hội, tôn giáo rất mực gò bó. Lao động thiếu năng suất, kém sáng tạo và nền kinh tế thì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu mỏ được dự đoán sẽ sớm cạn kiệt. Thái tử Mohammad bin Salman đã đưa ra các kế hoạch cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tìm kiếm sự chuyển đổi cho sản xuất, bất động sản, kinh tế kỹ thuật số, năng lượng mới, v.v. Một trong các chính sách được đưa ra là thu hút các nguồn lao động trình độ cao từ nước ngoài. Vào tháng 10 năm 2022, Ả Rập Xê Út đã bắt đầu cấp thị thực giáo dục dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên nước ngoài đến từ 160 quốc gia trên thế giới. 

Năm 2018, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất quyết định cấp visa cư trú dài hạn mười năm cho các nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ và sinh viên quốc tế xuất sắc. Trước đó, visa này chỉ giới hạn ở mức ba năm. Ngoài ra, liên bang này còn ra mắt một loại thị thực đặc biệt, cho phép những chuyên gia nước ngoài có lương tháng trên 5.000 đô la Mỹ được cấp ngay visa một năm. 

Tiền lương hậu hĩnh 

Ả Rập Xê Út sẵn sàng trả lương hậu hĩnh cho nguồn lao động chất lượng cao. Siêu dự án đô thị tuyến tính Noem 500 tỉ đô la Mỹ của nước này quy tụ nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các nhà phát triển kinh doanh, chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, luật sư cấp cao, chuyên gia quy hoạch đô thị, v.v. 

Nhân tài thế giới đang nườm nượp đổ về Trung Đông, nhưng chỉ là ‘thiên đường tạm thời’ chứ không thể ‘an cư trọn đời’ - Ảnh 2.

Để nhân viên yên tâm làm việc, chính phủ Ả Rập Xê Út còn đặc biệt xây dựng trường học quốc tế cho con em họ. Theo báo cáo của Wall Street Journal, mức lương trung bình của các giám đốc điều hành hàng đầu của Neom là 1,1 triệu đô la (chưa bao gồm tiền thưởng), cao gấp đôi thu nhập trung bình ở vị trí tương đương tại Hoa Kỳ.

Đãi ngộ tốt như trong mơ 

Năm 2016, Ả Rập Xê Út quyết tâm nâng tỉ lệ làm việc của phụ nữ lên 30%. Năm 2018, nội các Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng thông qua luật trả lương bình đẳng cho nam và nữ. 

Luật của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất quy định người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ, nhưng không được quá hai giờ một ngày. Nếu làm ngoài khung giờ bình thường, người lao động được trả 125% tiền lương so với thông thường. Nếu làm thêm từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng thì phải được trả tới 150%.

Còn ở Ả Rập Xê Út, nhân viên thâm niên trên năm năm sẽ được hưởng 30 ngày nghỉ có lương thường niên. Từ sau năm năm đến lúc hợp đồng hết hạn, công ty không được phép sa thải nhân viên trừ khi họ có hành vi sai trái nghiêm trọng.

Vui chơi "thả ga", lại có thể mua nhà giá rẻ 

Cuối tuần ở xứ Trung Đông không thiếu các hoạt động xả stress cho nhân viên lao động. Họ có thể rủ bạn bè đi lái xe trên sa mạc, ban đêm nướng thịt cừu, cắm trại ngắm sao, đi đâu cá hay đi bộ đường dài. Nếu muốn xa hoa hơn thì cũng không thiếu các trung tâm mua sắm đồ sộ trong thành phố.  

Nhân tài thế giới đang nườm nượp đổ về Trung Đông, nhưng chỉ là ‘thiên đường tạm thời’ chứ không thể ‘an cư trọn đời’ - Ảnh 3.

Đối với người lao động đến từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, giá nhà đất ở Trung Đông quá ư hấp dẫn. Ở Dubai, giá bất động sản dao động từ 3000 USD/mét vuông ở khu vực ngoại vi cho đến 7000 USD/mét vuông trong trung tâm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Với lương tháng cao hơn 50% so với trong nước mình, nhiều nhân viên công nghệ người Trung Quốc đã đưa cả gia đình đến sinh sống và mua nhà tại Dubai không lâu sau đó. 

Đãi ngộ tốt, tiền lương cao, mua sắm, vui chơi “thả ga” và mua nhà dễ dàng, đây là những yếu tố khiến lao động bậc cao trên toàn thế giới nườm nượp đổ về Trung Đông.

Nhân tài thế giới đang nườm nượp đổ về Trung Đông, nhưng chỉ là ‘thiên đường tạm thời’ chứ không thể ‘an cư trọn đời’ - Ảnh 4.

Tuy là “thiên đường”, nhưng không phải nơi an cư cho tất cả

Tuy đã cởi mở hơn nhưng sự phân biệt thứ bậc xã hội vẫn tồn tại ở các quốc gia này. Ví dụ như trong ngành năng lượng mới, hầu hết các cổ đông lớn có quyền kiểm soát thực tế đều là người Trung Đông bản địa, ban quản trị là người Mỹ và châu Âu, các vị trí quản lý cấp trung và cao thường là người Singapore, Trung Quốc. 

Có một câu chuyện được truyền miệng rộng rãi trong giới công sở ở Abu Dhabi: một người lao động nhập cư từ Syria đến Trung Đông để xin việc nhưng nhiều lần bị chối từ chỉ vì anh ta là công dân Syria. Trên thực tế, quốc tịch của một người có ảnh hưởng khá nhiều tới kết quả xin việc tại xứ sở này.

Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, người Ấn Độ và Pakistan thường làm lao động chân tay, sống trong nhà cho thuê giá rẻ theo nhóm. Nhân viên bảo vệ ở các trung tâm mua sắm cao cấp ở Dubai cũng đánh giá “đẳng cấp” của du khách qua màu da và trang phục. Người Ấn Độ, Pakistan có nước da ngăm đen thường hay bị bảo vệ chặn lại. 

photo-1690191096412

Hộ chiếu Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất được đánh giá là một trong những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Nhưng việc nhập quốc tịch ở đây để an cư trọn đời và hưởng lương hưu là điều không tưởng ở thời điểm hiện tại. Tuy chính sách thị thực đã được nới lỏng, nhưng người nước khoài gần như không thể xin quốc tịch, trừ khi được đề cử bởi các thành viên hoàng gia hay nội các.

90% cư dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hiện nay là người nước ngoài. Họ đến, kiếm tiền và cống hiến xây dựng kinh tế ở đây, rồi lại phải ra đi chứ không thể ở lại để tận hưởng các phúc lợi xã hội mà nhà nước chỉ muốn dành riêng cho người bản địa.

Tham khảo từ: Net Ease

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM