Người Việt ngày càng nhận nhiều kiều hối chảy về từ Mỹ
Tính đến cuối năm 2015, mức kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,25 tỷ USD. Hơn 1/2 trong số này là kiều hối từ Mỹ, chiếm 7 tỷ USD.
Kiều hối có vai trò rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP, góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân nhận kiều hối.
Theo "Sổ dữ liệu di dân và kiều hối 2016" của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam ở vị trí thứ 11 trong danh sách các nước trên toàn cầu nhận kiều hối nhiều nhất trong năm qua. Tính riêng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Philippines.
Từ con số khiêm tốn 1,3 tỉ USD hồi năm 2000, 15 năm sau kiều hối đã lên đến con số 12,25 tỷ USD, với mức tăng trưởng “cơ học” 10%/năm. Hiện kiều hối từ người Việt hải ngoại gửi về nước chiếm tương đương khoảng 8% GDP.
Mỹ là nguồn kiều hối gửi về Việt Nam lớn nhất năm 2015, với khoảng 7 tỷ USD, chiếm tới 57,14%. Các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (chiếm khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (6%), Campuchia (4%), và Pháp (4%).
Phần lớn số lượng kiều hối Việt Nam được chuyển về cho thân nhân ở thành thị, đặc biệt là tại TP.HCM.
Thời gian gần đây, phần đông công nhân xuất khẩu lao động xuất thân từ thôn quê, do đó các vùng nhận kiều hối được mở rộng đến các tỉnh nhỏ và khu vực nông thôn nơi tập trung gia đình có công nhân xuất khẩu lao động như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra có khoảng nửa triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… qua chương trình xuất khẩu lao động.
Trong những năm qua, nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Mặt khác, dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính cạnh tranh cao, giúp kiều hối chuyển về nước ngày càng nhiều hơn.
Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng, lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau luôn được dự báo sẽ cao hơn năm trước.