Nghịch lý ở Venezuela: Nền kinh tế "rơi xuống vực" nhưng chứng khoán lại "lên đỉnh" tăng tới 500% trong 2 năm

31/05/2017 09:50 AM | Xã hội

Vào thời điểm tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Thị trường chứng khoán Venezuala (IBVC) đạt mức kỷ lục 24.165 điểm. Trong khi đó, vào tháng 1/2015, IBVC mới chỉ ở mức 3936 điểm. Như vậy chỉ trong 2 năm, thị trường chứng khoán nước này đã tăng 514%, một con số ấn tượng đủ để thúc đẩy mọi nhà đầu tư vào cuộc.

Nhìn bề ngoài, người ta có thể nghĩ rằng đất nước với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới sẽ tăng trưởng chưa từng thấy nhờ có sự đột biến trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên trên thực tế, sự rối loạn về chính trị và kinh tế ở Venezuela trong vài năm qua vẫn không hề thay đổi.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao thị trường chứng khoán lại có sự tăng trưởng ấn tượng đến vậy ở một đất nước đang trải qua khủng hoảng như Venezuela?

Nghịch lý ở Venezuela: Nền kinh tế rơi xuống vực nhưng chứng khoán lại lên đỉnh tăng tới 500% trong 2 năm - Ảnh 1.

Bối cảnh ảm đạm

Vào tháng 5/2016, tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm kiềm chế tình hình đang ngày càng bi đát của đất nước. Phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ, Venezuela gặp phải một sự thâm hụt tài chính lớn khi giá dầu giảm sâu. Lạm phát cực độ nhanh chóng xuất hiện khi chính phủ in thêm nhiều tiền để bù vào khoản tài chính bị thâm hụt.

Khi tình trạng thiếu lương thực trở nên phổ biến, người ta bắt đầu tràn ra đường khi họ không còn đủ tiền mua thức ăn. Kể cả khi họ đủ tiền, thì hệ thống phân phối cũng khiến họ rất khó kiếm đủ lương thực cho cả gia đình. Bị bỏ đói, người dân nổi loạn, phản kháng và thậm chí cướp bóc lẫn nhau. Tình hình tiếp tục leo thang và tổng thống Nicolas Maduro phải cho quân đội giám sát các nhà máy chế biến thực phẩm và điều phối việc sản xuất cũng như phân phối hàng hóa.

Vào tháng 10/2016, hàng trăm ngàn người biểu tình ở thủ đô Caracas đòi tổng thống từ chức. Chính phủ bị cho là đi ngược lại hiến pháp khi ngăn chặn một cuộc trưng cầu dân ý chống lại Maduro.

Nguyên nhân của bước đột phá trên thị trường chứng khoán

Thường thì khi một đồng tiền bị mất giá nhanh chóng, người ta sẽ quay sang vàng hoặc ngoại tệ để ngăn chặn thất thoát tài sản. Khi vàng trở nên hiếm hoi và các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ được đưa ra, người ta đã tìm đến thị trường chứng khoán để vãn hồi sự sụp đổ của đồng bolivar.

Nghịch lý ở Venezuela: Nền kinh tế rơi xuống vực nhưng chứng khoán lại lên đỉnh tăng tới 500% trong 2 năm - Ảnh 2.

Tỷ lệ lạm phát ở Venezuela

Nghịch lý ở Venezuela: Nền kinh tế rơi xuống vực nhưng chứng khoán lại lên đỉnh tăng tới 500% trong 2 năm - Ảnh 3.

Khối lượng giao dịch trên IBVC

Quan sát biểu đồ bên trên, có thể thấy sự tăng đột biến khối lượng giao dịch diễn ra đúng vào lúc tỷ lệ lạm phát tăng cao, với tổng khối lượng giao dịch trong năm 2016 gấp gần 5 lần so với năm 2014. Nhìn lại thời điểm đó, rõ ràng đây là một động thái khôn ngoan của các nhà đầu tư khi muốn bảo vệ giá trị tài sản khỏi bị sụt giảm.

Trong khi điểm số trên IBVC có thể tạo ấn tượng sai lầm về một nền kinh tế bùng nổ, chúng ta cần nhớ rằng chỉ số trên chỉ gồm 11 công ty lớn nhất theo giá trị thị trường – và không thể hiện được chính xác bộ mặt và triển vọng của toàn bộ thị trường.

Điều này cũng được củng cố bởi thực tế là thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển chủ yếu gồm các nhà đầu tư lẻ với rất ít các khoản đầu tư từ nước ngoài. Vì thế, cơn sốt bán tháo đồng bolivar để mua các loại tài sản khác dẫn người ta đến lựa chọn mua các cổ phiếu niêm yết trên IBVC, chủ yếu là các ngân hàng và các công ty sản xuất.

Mặc dù chắc chắn rằng đây là một quả bong bóng sắp nổ, nhưng nó còn tiếp tục tồn tại được bao lâu nữa vẫn là một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM