Venezuela và những con số biết nói
Trong buổi lễ ra mắt chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro có vẻ lạc quan về nền kinh tế khi cho rằng quốc gia này sắp thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ và đang tập trung đầu tư vào nông thôn.
Dẫu vậy, tuyên bố này của ông Maduro khiến nhiều chuyên gia quốc tế nghi ngờ khi khủng hoảng giá dầu đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, chính trị, xã hội nơi đây. Đặc biệt, những con số thống kế của một số lĩnh vực tại nước này cho thấy Venezuela thực sự vẫn đang gặp rất nhiều thử thách.
Dù các số liệu chính thức của Venezuela đã bị ngừng công bố từ năm 2015 nhưng nếu nhìn vào dữ liệu của xuất nhập cảnh và đầu tư nước ngoài trong một thời gian dài, mọi người đều có thể nhìn thấy thực trạng không mấy sáng sủa của nền kinh tế này.
Đầu tiên, số người di cư khỏi Venezuela để đến các nước khác tăng đột biến, đặc biệt số người Venezuela đổ vào Tây Ban Nha đã đạt mức kỷ lục tính trong tháng 1/2017, vượt qua cả số người tị nạn Syria vào đây.
Tính riêng trong năm 2016, Tây Ban Nha đã nhận được gần 4.000 đơn xin tị nạn từ Venezuela, chiếm 1/4 tổng số. Trong khi đó, khoảng 6.500 người Venezuela đã nhập cư vào Tây Ban Nha tính 3 tháng đầu năm 2016, cao hơn nhiều mức 4.700 người của cả năm 2013.
Số liệu của cục xuất nhập cảnh Mỹ cũng cho thấy điều tương tự khi lượng đơn xin di trú từ Venezuela đã chiếm tới 23% tổng số vào năm 2016, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước và đứng đầu trong các nước xin nhập cư vào đây.
Không dừng lại ở đó, dòng vốn đầu tư vào Venezuela cũng giảm mạnh khi lượng vốn ròng đổ vào đây chuyển sang mức âm lần đầu tiên kể từ thập niên 1990. Năm 2016, Venezuela là nước duy nhất mà dòng vốn từ Mỹ đổ vào xuống mức âm trong số 58 nước.
Những thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại đây cũng dần vắng bóng khi từ đầu năm đến nay chưa có hợp đồng nào được thực hiện. Năm 2010, khoảng 20 thương vụ đầu tư mới với tổng trị giá 6,8 tỷ USd đã được thực hiện nhưng con số này bắt đầu giảm dần từ đó.
Số thương vụ M&A và đầu tư mới tại Venezuela
Mặc dù Tổng thống Maduro cho rằng Venezuela đã giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng chính sự suy giảm công suất do không chi trả đủ chi phí mới là nguyên nhân khiến tỷ lệ đóng góp của ngành này giảm trong nền kinh tế.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước trên thế giới với hàng hóa của Venezuela cũng giảm xuống gần 3 lần so với năm 2013.
Thế giới nhập khẩu từ Venezuela (tỷ USD)
Nguy hiểm hơn, lượng ngoại hối dự trữ của nước này đang cắm đầu đi xuống, từ 30 tỷ USD năm 2013 xuống còn khoảng 10 tỷ USD hiện nay.
Dự trữ ngoại hối của Venezuela (Tỷ USD)
Khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy giá cả hàng hóa tại đây tăng phi mã với tỷ lệ lạm phát đạt 720% trong năm nay theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và có thể cao hơn vào năm tới. Thậm chí nhiều chuyên gia còn dự đoán con số này có thể đạt 2.200% trong những năm tới.
Tỷ lệ lạm phát của Venezuela so với toàn cầu (%)
Theo ngân hàng thế giới (World Bank), việc đồng nội tệ mất giá cùng việc kiểm soát quá chặt nền kinh tế đang khiến giá cả ở đây tăng chóng mặt và khả năng duy trì sinh nhai của người dân đang suy giảm từng ngày.
Trong khi đó, các dự báo tăng trưởng của Venezuela hiện rất khác nhau giữa những chuyên gia kinh tế. Từ tăng 1,1% đến giảm 7% GDP.
Tổ chức IMF dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 7,4% trong năm 2017, nghĩa là suy giảm 30% so với năm 2013 và trở thành nền kinh tế thụt lùi nhất kể từ sau Thế chiến thứ II.
Tăng trưởng GDP của Venezuela và 1 số nước so sánh theo đơn vị
Như vậy, quốc gia Mỹ Latinh này từ một nước có GDP bình quân đầu người cao nhất vào năm 1980 thì hiện đã không còn nằm trong top 10 nền kinh tế lớn ở Châu Mỹ và thua kém rất nhiều so với các nước láng giềng.