Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Đồng thuận hơn là áp đặt
Bà Simrin Singh, quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho rằng quyết định của Hội đồng Tiền lương quốc gia dựa trên sự đồng thuận của tất cả thành viên vẫn tốt hơn là chọn một phương án để bỏ phiếu
Với tư cách cơ quan tham vấn thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, ILO bình luận gì về thất bại của các phiên thương lượng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 vừa qua?
- Bà Simrin Singh: Tổ chức Công đoàn (CĐ) và các tổ chức của người sử dụng lao động (NSDLĐ) thường có những đề xuất điều chỉnh LTT vùng rất khác nhau do mỗi bên đại diện lợi ích cho các thành viên của mình. Sự khác biệt này phổ biến tại nhiều quốc gia. Đồng thời, việc điều chỉnh LTT cũng có tác động lớn đến người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) và kinh tế quốc gia nên việc thương lượng và bày tỏ quan điểm khác nhau là hiển nhiên.
Nhưng vì sao có sự khác biệt quá lớn về mức đề xuất tăng lương giữa các bên?
- Đề xuất tăng LTT của các bên đều hướng đến mong muốn bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động 2012. Tuy nhiên, do tổ chức CĐ và tổ chức đại diện NSDLĐ đưa ra các mốc thời gian khác nhau cho lộ trình tăng LTT, dẫn đến đề xuất của họ có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra mốc là năm 2017, trong khi tổ chức đại diện NSDLĐ đề nghị kéo giãn lộ trình để DN có đủ thời gian điều chỉnh. Hiện hai bên vẫn tiếp tục thương lượng về hạn chót của lộ trình tăng LTT. Chúng tôi hy vọng các bên sớm thống nhất về thời hạn của lộ trình.
Theo quan sát của ILO, năm nay, độ chênh lệch trong đề xuất mức tăng LTT vùng đã giảm so với trước. Cụ thể, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia vào năm 2013 khi mới thành lập, CĐ đề xuất tăng bình quân 29,5% cho 4 vùng, VCCI đề xuất 10%. Sang năm 2014, mức đề xuất của CĐ giảm còn 22,9% trong khi mức của VCCI từ 10%-12%...
Dư luận cho rằng phía đại diện NSDLĐ không khảo sát thực tế, chưa theo sát tình hình để đưa ra mức đề xuất phù hợp, dẫn đến việc thương lượng bất thành. Theo bà, việc tăng lương cần tuân thủ nguyên tắc và cơ sở nào?
- Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh tiền lương nên thực hiện thường xuyên và phải căn cứ trên cả các yếu tố xã hội và kinh tế. Ví dụ, phải căn cứ trên thu nhập, nhu cầu của NLĐ và gia đình họ, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của DN, năng suất lao động, tương quan giữa tiền lương tối thiểu và tiền lương bình quân cũng như mong muốn duy trì việc làm…
ILO khuyến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia nên xây dựng sự đồng thuận giữa tổ chức CĐ và các tổ chức NSDLĐ thông qua đối thoại cũng như tiến hành thêm các phiên thương lượng để các bên có đủ thời gian dung hòa lợi ích khác biệt trên cơ sở đưa ra số liệu khoa học và lập luận thuyết phục.
Phiên họp thương lượng tiền lương lần cuối vào ngày 3-9 tới đây dự báo sẽ tiếp tục có những bất đồng và khi đó, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ quyết định mức tăng lương trình Chính phủ. ILO đưa ra khuyến nghị gì để phiên thương lượng có thể đạt kết quả như mong đợi?
- Như đã nói, các tổ chức đại diện NLĐ, NSDLĐ và Chính phủ tham gia thương lượng tiền lương để bảo vệ cho những lợi ích khác nhau mà mình đại diện. Chúng tôi khuyến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia áp dụng cách thức thương lượng hợp tác, cùng có lợi. Mỗi bên cố gắng tìm hiểu mục đích và nhu cầu thiết yếu của bên kia nhằm tìm ra giải pháp có thể dung hòa lợi ích. Quyết định đưa ra của hội đồng dựa trên sự đồng thuận của tất cả thành viên vẫn tốt hơn là chọn một phương án để bỏ phiếu.
Lưu ý là việc bỏ phiếu có thể giúp rút ngắn thời gian thương lượng nhưng khi khuyến nghị đưa ra dựa trên ý kiến của số đông chứ không phải tất cả thành viên thì bên bỏ phiếu chống sẽ luôn cảm thấy bất bình. Ngược lại, việc xây dựng sự đồng thuận có thể mất nhiều thời gian nhưng một khi tất cả các bên đều hài lòng thì việc điều chỉnh tiền lương cũng thuận lợi hơn.