Vẫn tranh cãi tăng lương tối thiểu, ngày 3/9 có quyết định cuối cùng

25/08/2015 13:40 PM |

Trong khi đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vẫn bảo lưu quan điểm mức tăng lương tối thiểu là 10% thì Tổng Liên đoàn Lao động vẫn giữ nguyên đề xuất tăng lương ở mức 16,8%.

Ngày 25/8 Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ hai để tiếp tục đàm phán, quyết định mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016, nhằm kiến nghị lên Thủ tướng.

Thông tin bên hành lang cuộc họp, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nghân – công đoàn, cho biết đến thời điểm này đại diện giới chủ và người lao động vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phương án tiền lương tối thiể năm 2016.

Vẫn bất đồng quan điểm

Theo đó, khoảng cách chênh lệch của hai bên vẫn lên tới gần 10%. Cụ thể, trong khi phía Tổng liên đoàn Lao động vẫn giữ nguyên quan điểm tăng lương ở mức 16,8%, thì đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm mức tăng lương khoảng 10%.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, về nguyên tắc, mỗi bên được quyền đề xuất và đưa ra ý kiến. Hai bên sẽ tiếp tục thương lượng, trường hợp mà không đạt được sự thống nhất và thỏa thuận chung thì sẽ tiến tới bỏ phiếu và Chủ tịch hội đồng tiền lương sẽ quyết định theo Điều lệ đã thống nhất.

Trước đó, ông Chính cũng cho biết đề xuất tăng lương đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Hiện mức tăng lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy theo lộ trình đến năm 2017 phải đạt mức tăng lương tối thiểu bằng đời sống tối thiểu, thì trong 2 năm còn lại phải đảm bảo từ 25 – 26%, tức mỗi năm phải tăng từ 12 – 13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, tức là tương đương 17%.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1 – 3%, mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức 9 – 10% là phù hợp. Do đó, nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Không tăng lương, năng suất cũng khó tăng

Thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua là rất cao. Tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng năm 2005 lên 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung cho cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Trong khi mức tăng năng suất lao động chỉ ở mức 3%/năm.

Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng mức lương tối thiểu hiện hành đang thấp hơn mức sống tối thiểu. Thực tế, công nhân lao động hiện nay đang rất khó khăn, nên nếu không có sự điều chỉnh về mức lương tối thiểu thì sẽ không giải quyết được các vấn đề khác.

“Nếu tiền lương không được giải quyết thì không giải quyết được vấn đề gì. Năng suất không giải quyết được, thái độ ý thức người lao động không giải quyết được, quan hệ lao động cũng không giải quyết được”, ông Thọ khẳng định.

Trước đó, phía Tổng liên đoàn Lao động đã gửi kiến nghị đến Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng/tháng so với năm 2015, tương đương tăng trung bình khoảng 17% so với năm 2015.

Tại cuộc họp ngày 5/8 trước đó, các bên đã không có được sự thống nhất khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, trong khi phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp thì cho rằng điều chỉnh tăng ở mức 6 – 7% mới là hợp lý.

Kết thúc cuộc họp, các bên vẫn chưa đưa ra sự thống nhất. Dự kiến, ngày 3/9 tới các bên sẽ họp và chính thức ra quyết định.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM