[NGHỀ CỦA TÔI] Chuyện nghề của một diễn viên 'không nổi tiếng'
Không có show diễn, tiền thuê phòng lại tăng lên và tôi hầu như chỉ ăn mì gói suốt với vẻ ngoài thì sang chảnh. Gọi điện về gia đình nghe má khóc lóc. Bà nói “Học cái gì không học đi học nghề long bông ham nổi tiếng, cái nghề không ra cái gì trong xã hội. Hồi đó nghe lời tao thì giờ đâu có khổ?”
Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức hết hạn nhận bài dự thi từ ngày 31/5/2015. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các bài viết được ban tổ chức lựa chọn đến hết tuần này (hết ngày 7/6/2015). Các lượt like bình chọn cũng sẽ được tính hết ngày 7/6.
Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Chuyện nghề của một diễn viên 'không nổi tiếng'" của tác giả Trần Văn Lành. Mời quý độc giả đón đọc.
Tôi và cậu bạn ngồi uống cà phê ven đường, trời nắng như đổ lửa, khói bụi từ những chiếc xe máy vù vù lướt qua. Chúng tôi là sinh viên đã tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh được một năm, dù thế nào cũng phải chỉnh chu tươm tất về hình thức bên ngoài. Nói chuyện toàn những người trong giới showbiz, hết chê người này rồi khen người kia, nào là ca sĩ hát nhép, nam diễn viên nọ đi lên bằng cách cặp với ông bầu, con bé A học cùng khóa đóng được hai ba bộ phim thì chảnh lên không thèm nhìn mặt nhau.
Đủ thứ chuyện trong ngành để chúng tôi đem ra tranh luận, moi móc những khuyết điểm của họ, cái xấu tệ, cái dỡ và lòng người nham hiển trong giới showbiz. Nói đã một hơi thì cảm thấy hổ thẹn với những lời vừa chê trách người ta, thật ra là để biện hộ cho cái bất tài của bản thân mình.
Dù như thế nào họ đã được công chúng biết đến và nổi tiếng, còn chúng tôi thì cũng chỉ ngồi lề đường uống trà đá, ngấm khói bụi với mấy vai quần chúng. Hai đứa im lặng không nói gì thêm, ai cũng giữ trong đầu những dự định và con đường tiếp theo sẽ đi, mà con đường đó chắc chắn không có người đồng nghiệp ngồi cạnh mình lúc này. Không phải chúng tôi ghét nhau, ganh tỵ hay chê bạn mình, có một cái gì đó không thể nói thành ngôn ngữ được, gần giống như là sĩ diện đang tồn tại giữa chúng tôi.
Sau hôm đó chúng tôi hầu như không gặp nhau, chúng tôi đã thật sự đi con đường của riêng mình...
Không có show diễn, tiền thuê phòng lại tăng lên và tôi hầu như chỉ ăn mì gói suốt với vẻ ngoài thì sang chảnh. Tự động viên mình rằng những anh chị nổi tiếng đã vượt qua được, họ đi lên bằng tài năng thật sự và họ cũng từng như mình.
Tôi nhốt mình trong căn phòng giữa lòng Sài Gòn chống chọi cái đói chờ show diễn, hy vọng tổ nghề độ cho, mà nếu có show cũng không biết lấy đâu ra tiền đổ xăng đi. Gọi điện về gia đình nghe má khóc lóc. Bà nói: “Học cái gì không học đi học nghề lông bông ham nổi tiếng, cái nghề không ra cái gì trong xã hội. Hồi đó nghe lời tao thì giờ đâu có khổ?”
Tôi vội cúp máy khi bà chưa nói dứt câu, thà chết đói chứ đừng chạm vào tự ái vào cái nghề của tôi. Hình ảnh tức giận, thất vọng và những lời nói của má đã xoáy sâu vào tim tôi. Đau thắt.
Lội bộ đi từ sáng sớm ra bến xe nhận tiền dưới quê gửi lên, cầm tiền trên tay, cảm giác tủi thân ngập trong đầu khiến tôi ngồi phịch xuống như đứa trẻ muốn tìm đường về nhà. Tôi đã chọn sai đường rồi sao? Nghề mình chọn không thể mua nổi một gói mì tôm lót dạ, nếu tiếp tục đi liệu có an toàn không? Liệu mình có nổi tiếng không? Ngoài nghệ thuật ra thì tôi không biết làm gì?
Bạn bè thời cấp 3 giờ điều có công việc ổn định, có đứa lập gia đình, bạn thời sinh viên giờ đã bỏ sân chơi showbiz từ lâu, chỉ còn lại mấy đứa đang chạy vạy kiếm sống. Bỗng nhớ lại cái thời sinh viên đầy hào hứng và khát khao nồng cháy trong tương lai, chúng tôi là những người trẻ coi nghệ thuật là nhựa sống, là cái nghề sau này của mình. Nhưng giờ đây...
Thời gian sau, tôi xin vào làm phục một quán bar, bỏ nghiệp diễn thôi không theo nữa. Môi trường bar không phức tạp như tôi nghĩ, tiền bo mỗi tháng cho tôi cuộc sống thoải mái hơn nhưng đây chưa bao giờ là điều tôi mong ước.
Tôi đã sống với công việc này đúng tám tháng, và sau đó tôi lặng lẽ rời bỏ công việc này không một chút suy nghĩ, hình như tôi chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình khi đêm về...
Tôi tham gia vũ đoàn, hội từ thiện diễn chùa và các câu lạc bộ đờn ca tài tử. Được đi diễn tôi tìm được bản thân mình. Chỉ cần được đứng trên sân khấu, được diễn và có khán giả thì sân khấu đó là gì đi nữa thì vẫn là “thánh đường”. Những lần theo các anh chị nghệ sĩ diễn ở tỉnh, trái tim tôi dâng lên niềm hạnh phúc khó tả. Đứng trong cánh gà, tôi giấu đi sự xúc động khi lén nhìn anh chị hát, họ hát live rất hay, hát bằng cả trái tim. Và họ đẹp quá...!
Mấy ai biết cuộc sống đời thực của một nghệ sĩ ra sao. Được vào vai một tiểu đồng trong một trích đoạn ngắn, nói thoại hai ba câu và ca một đoạn điệu con sáu thôi mà tôi sướng lên không ăn uống gì cho đến ngày hôm sau. Rồi khi trời khuya dần sáng những giai điệu ca cổ chỉ còn âm vang trong tiềm thức, sân khấu nơi chúng tôi diễn trở nên xơ xác. Ngồi dưới sân khấu nhìn lên, rác, bọc nilong, ly nhựa và cả bụi để mặc cho gió “đẩy đưa”.
Tôi không cầm được nước mắt khi thấy anh chị lụi cụi xếp đồ nghề chuẩn bị về, với mấy đoàn bánh tét, mấy trái ổi mà khán giả gửi tặng. Tôi cứ khóc liên tục, thấy mình trẻ con quá...!. Chị Hai bước đến ngồi cạnh tôi, rồi nhìn lên sân khấu “giờ nó là vậy nhưng khi sáng đèn và có khán giả thì nó là thiên đường, dù sân khấu được dựng tạm bởi những tấm vải củ rách đi nữa”. Chị ôm tôi vào lòng, hai chị em cùng nhìn về một hướng.
Trần Văn Lành
>> Các bài dự thi khác:
Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu
Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân
Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc
Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật
Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp
Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà
Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng
Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?
Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn
Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi
Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ
Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"
Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính
Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.
01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.
10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.
Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.