[NGHỀ CỦA TÔI] Nghề tạp vụ: Mong được sự tôn trọng

01/06/2015 21:00 PM | Nghề nghiệp

Có nhiều lần mẹ ốm đến độ người nóng ran, nôn ọe suốt vậy mà khuyên can mãi mẹ cũng nhất quyết không chịu nghỉ làm, lúc nào cũng khăng khăng: “Nghỉ một buổi là mất hơn trăm nghìn tiền lương … không đi làm lấy cái chi mà ăn mà tiêu …”

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức hết hạn nhận bài dự thi từ hôm qua - 31/5/2015. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các bài viết được ban tổ chức lựa chọn đến hết tuần này (hết ngày 7/6/2015). Các lượt like bình chọn cũng sẽ được tính hết ngày 7/6.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Nghề tạp vụ: Mong được sự tôn trọng" của tác giả Hương Nguyễn. Mời quý độc giả đón đọc.


Mẹ tôi là nhân viên tạp vụ cho một công ty lớn. Công việc của mẹ nói một cách đơn giản chính là lau dọn sạch sẽ công ty. Nhưng nói thì đơn giản, chứ làm thì vất vả biết bao nhiêu cái nghề lao động chân tay như thế này. Dọn dẹp, quét tước, lau chùi từng cái ghế, từng cái bàn, từng cái toilet, từng ô cửa kính, từng bậc thang – từng ngóc ngách một phải sạch bóng, nếu bị phàn nàn thì dễ bị đuổi việc như chơi.

Có lần mẹ tôi rửa cốc làm sứt mất một cái liền bị tổ trưởng và chủ nhân chiếc cốc quát tháo một trận, sau khi dọa đuổi việc này nọ thì quyết định trừ một ngày lương của mẹ. Nghe mẹ kể lại, tôi biết, mẹ ấm ức rất nhiều, nhưng biết làm sao được khi “mình chỉ là kẻ làm cái nghề đi lau dọn vệ sinh, thấp cổ bé họng”, mẹ nói.

Mẹ tôi không biết đi xe máy. Công ty cách căn nhà mà gia đình tôi thuê khoảng hơn mười cây số. Cứ mỗi ngày trên đoạn đường dài hơn hai mươi cây, mẹ lạch cạch đạp chiếc xe đạp cũ xin của bác tôi đi đi về về. Những ngày hè oi ả, mỗi lần đi làm về, mặt mẹ lại đỏ bừng, mồ hồi nhễ nhại khắp mặt mũi, chân tay, ướt đầm cả lưng áo.

Có những lúc tôi xin mẹ cho tôi chở mẹ đi làm bằng xe máy ấy mà mẹ không chịu, mẹ lúc nào cũng cười bảo: “Tau đạp xe quen rồi, mùa đông tập thể dục, mùa hè giảm béo, có cái chi đáng đâu mà lo.” Mỗi buổi tối đến tận 8-9 giờ mẹ mới về, lúc ấy cơm canh đã nguội hết cả. Cũng vì về muộn mà nhiều hôm mẹ phải tắm đêm rồi hôm sau lại sinh cảm cúm.

Có bận mẹ ốm đến độ người nóng ran, nôn ọe suốt vậy mà khuyên can mãi mẹ cũng nhất quyết không chịu nghỉ làm, lúc nào cũng khăng khăng: “Nghỉ một buổi là mất hơn trăm nghìn tiền lương, không đi làm lấy cái chi mà ăn mà tiêu …”. Mái tóc mẹ cứ mỗi ngày lại thêm một vài sợi bạc, nước da cứ mỗi ngày lại thêm sạm đen.

Tôi cũng mường tượng được phần nào hình ảnh vất vả của mẹ. Cho đến một ngày, tôi cũng tự mình thấu được sự vất vả ấy. Đấy là một ngày dịp nghỉ hè, tôi chở mẹ đi làm thêm bằng xe máy, chúng tôi đi từ lúc 6 giờ sáng. Chỗ mẹ tôi làm thêm chỉ là chi nhánh một công ty , có một văn phòng nhỏ với một vài phòng ban. Tôi thầm nghĩ: “Có lẽ công việc ở đây sẽ không quá vất vả”. Sau đó mẹ chỉ tôi làm một vài việc.

Đầu tiên là dọn rửa cốc chén uống nước. Tôi chật vật bê ra bốn xô cốc sứ rồi bát đũa ép đầy chật ních. Lúc rửa thỉnh thoảng lại gặp phải mấy cái đáy cốc cáu bẩn bã chè hay bã cà phê, kì cọ đến trớt da thịt mà đâu vẫn hoàn đấy, đến khi lau bàn cũng gặp cảnh tương tự. Nhiều khi bực mình, tôi chỉ lau qua lấy lệ rồi bỏ qua lau chỗ khác, thấy thế mẹ liền mắng: “Làm cái gì cũng phải cẩn thận, không được hời hợt thế. Tiền cả đấy! Làm ăn như mi chỉ có ăn cám qua ngày!” Rồi mẹ đi rửa lại từng cái cốc bẩn, lau lại từng cái góc bàn.

Công ty này rất thoải mái trong việc cho nhân viên tự do sử dụng điều hòa, nên tôi cũng thấy mẹ đỡ vất vả được phần nào. Mãi cho đến 8 giờ, công việc cũng gần xong thì nhân viên trong công ty cũng lần lượt đến. Đây là một công ty chuyên về phần mềm, công nghệ nên toàn là dân IT, nghe mẹ bảo cũng toàn là những người có bằng đại học khá giỏi cả. “Có lẽ họ thật sự rất giỏi” – Tôi đã nghĩ như thế.

Cho đến khi có một vài nhân viên bước vào và nhìn thấy tôi. Có một vài người thì dừng lại đánh giá cẩn trọng trong vài giây rồi rất nhanh rời đi, có một vài người thì lướt qua như tôi chẳng hề tồn tại. Ngay cả khi đi đến chỗ mẹ tôi, có người vui vẻ chào hỏi, có người gật đầu như kẻ bề trên đáp lại lời chào của mẹ tôi, có người chẳng thèm chào lại, cũng chẳng buồn để ý.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ mẹ tôi vẫn luôn là một cái bóng cần cù, chăm chỉ nhưng vô hình.

Tôi lúc nào cũng biết, cũng hiểu rằng nghề nào cũng có cái khổ cực cái nhọc nhằn của nó, và xã hội cũng không thể cho con người một chữ “công bằng” vẹn tròn, hoàn chỉnh. Nhưng không phải xã hội vẫn đang vạch ra những đẳng cấp khác nhau cho các ngành nghề hay sao? Không phải sự phân biệt giữa lao động tri thức và lao động chân tay vẫn quá ư là rõ ràng?

Sẽ là rất mâu thuẫn nhưng mà biết sao được khi từng ngày từng giờ mẹ tôi cũng luôn dặn: “Là do tau ăn học không ra sao nên mới phải làm cái nghề này, bọn bay phải cố gắng học cho thật tốt để mà thoát khỏi cảnh này, kiếm nghề nghiệp cho đàng hoàng tử tế.” Nói như thế chẳng khác nào mẹ tôi cũng cho rằng cái nghề tạp vụ này “không tử tế”. Còn bản thân tôi không phải cũng ngày ngày cố gắng học hành để làm những cái nghề “tử tế” hơn hay sao?

Rõ ràng lúc này “công việc tử tế” hay không đang được đong đếm trên bàn cân giá trị của tiền bạc và thu nhập. Còn cái nghề nào mà chẳng đáng quý như nhau.

Tôi luôn hi vọng tất cả mọi người hãy biết trân trọng người khác, tôn trọng công việc, tôn trọng công sức và tâm huyết mà họ bỏ ra, cho dù họ là ai, cho dù họ làm nghề gì, là giám đốc hay là nhân viên tạp vụ .

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?"

Hương Nguyễn

 

>> Các bài dự thi khác:

Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu

Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân

Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Cùng chuyên mục
XEM