Ngay tại quê hương Hàn Quốc, CGV đang giữ thế độc quyền phim chiếu rạp như thế nào?
Ngày nay, hếu hết chỉ những bộ phim bom tấn, được đầu tư khủng hay sản xuất bởi những tập đoàn có vị thế trong ngành mới được sự ưu ái của các rạp chiếu phim, trong khi những bộ phim độc lập thường dễ bị các rạp phim hắt hủi hay thờ ơ nếu họ đánh giá chúng sẽ không mang lại lợi nhuận.
*Bài viết dựa trên bài phân tích của Giáo sư Lee Dong Yeun của trường đại học quốc gia Hàn Quốc
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, nhất là mảng điện ảnh đã chứng khiến sự tăng trưởng chưa từng có trong thời gian qua. Trong thế kỷ 21, ngành công nghiệp này đã đem lại nguồn thu vô cùng lớn cho Hàn Quốc và trở thành một ngành kinh tế chủ chốt của nước này.
Năm 2007, tổng giá trị thị trường của ngành giải trí toàn cầu đạt 1,13 nghìn tỷ USD, con số này là 1,25 nghìn tỷ USD vào năm 2011. Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, bao gồm phim ảnh, âm nhạc, trò chơi... cũng tăng trưởng nhanh chóng với tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2011.
Chính quyền Seoul cũng có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển cho các công ty giải trí, bắt đầu từ thập niên 90 dưới thời Cựu Tổng thống Kim Dae Jung.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc cùng đóng góp của ngành công nghiệp này cho kinh tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn đề độc quyền khi một số công ty, nhà phân phối có vị thế lớn sử dụng những phương thức không mấy đẹp đẽ nhằm chèn ép đối thủ cũng như thu lợi cho mình.
Trong mảng điện ảnh, số lượng các rạp phim tại Hàn Quốc đã tăng nhanh chóng nhưng số bộ phim được công chiếu rộng rãi lại đang dần suy giảm khi nhiều tập đoàn lớn thống trị trong mảng phân phối. Thêm vào đó, việc nhiều tập đoàn lớn mở rộng kinh doanh theo chiều dọc như sản xuất, phát hành, phân phối cũng như sự hợp tác giữa các ông lớn trong ngành điện ảnh đang dần làm mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Chuỗi rạp CGV hoành hành
Hầu hết các bộ phim ngày nay đều được công chiếu tại rạp, nhằm thu lợi nhuận cũng như quảng bá rộng rãi cho công chúng. Với sự phát triển mạnh của kinh tế và thu nhập của người dân, chất lượng đời sống tăng cao và hệ quả là hàng loạt các rạp chiếu phim ra đời nhằm phục vụ nhu cầu giải trí.
Chuỗi rạp CGV của tập đoàn CJ, trung tâm phức hợp chiếu phim kết hợp giải trí đầu tiên của Hàn Quốc được khánh thành lần đầu vào năm 1998 đã bám theo xu thế này và tăng trưởng nhanh chóng, từ 720 rạp năm 2000 tăng lên đến 2.000 rạp vào năm 2010 tại Hàn Quốc.
Trong khoảng năm 2000-2008, tỷ lệ tăng trưởng bình quan của các trung tâm chiếu phim phức hợp ở Hàn Quốc là 11,2%. Số liệu của Hội đồng phim Hàn Quốc cho thấy trong nửa đầu năm 2010, hơn 90% bộ phim mới tại đây được trình chiếu tại các trung tâm chiếu phim này và doanh số của các chủ rạp phim đã phá kỷ lục, đạt 547,2 tỷ Won.
Kiểu trung tâm phức hợp như chuỗi rạp CGV bao gồm nhiều khu giải trí, tiêu dùng, cửa hàng, nhà hàng... nơi mọi người không chỉ có thể xem phim thoải mái mà còn nhiều hoạt động khác có thể tham gia. Mặc dù kiểu kinh doanh này tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng nhưng chúng cũng khiến nhu cầu chiếu nhiều phim ngày càng giảm.
Thay vào đó, các rạp muốn giành nhiều suất chiếu cho những phim mà họ cho là “bom tấn” để thu lợi nhuận nhiều hơn. Rõ ràng, mảng điện ảnh không được mở rộng lựa chọn như những trung tâm phức hợp, khán giả không có nhiều quyền chọn lựa hơn dù lượng phim làm ra ngày càng nhiều. Các rạp chiếu phim giờ đây chọn phim thay cho khách hàng và hệ quả đương nhiên là nhiều phim độc lập bị bỏ rơi.
Tình trạng này là kết quả tất yếu từ cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường phim ảnh, khi các rạp chiếu phim muốn nhồi khán giả đầy phòng trong khi các nhà làm phim lại muốn được giới thiệu tác phẩm của mình rộng rãi. Kết quả là mẫu thuẫn bùng phát và người phải nhượng bộ dĩ nhiên là những đạo diễn, nhà sản xuất... những người không có vị thế bằng những ông lớn trong ngành.
Hiện tập đoàn CJ đang là ông lớn trong ngành kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Ngoài chuỗi rạp CGV, công ty còn sản xuất phim với CJ Entertainment và trò chơi điện tử trực tuyến CJ Internet, âm nhạc Mnet, bán lẻ CJ O Shopping...
Đặc biệt, việc đối thủ của hãng là tập đoàn Orion bán nhiều mảng kinh doanh như như Zemiro, Megabox, On Media cho CJ càng biến tập đoàn này trở thành ông trùm chính thức trong ngành điện ảnh và giải trí.
Những tác phẩm bị lãng quên
Trước năm 2000, vai trò của thị trường phim được phân bổ rõ ràng khi có công ty sản xuất phim, có doanh nghiệp phân phối chúng và ông chủ các rạp phim cho trình chiếu.
Tuy nhiên, khi những khoản đầu tư khổng lồ đổ vào điện ảnh Hàn Quốc cuối thập niên 90, những bộ phim ăn theo xu thế được sản xuất ngày một nhiều. Trước tình hình có quá nhiều phim cho ra mắt, các công ty trong ngành điện ảnh Hàn Quốc đã liên hợp lại với nhau nhằm bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hệ quả là những ông chủ rạp chiếu phim đầy quyền lực ra đời khi họ có kết nối chặt chẽ với nhiều hãng sản xuất, phân phối... qua đó có quyền lựa chọn phim nào sẽ được chiếu rộng rãi và phim nào thì bị bỏ rơi.
Kể từ đây, tình trạng độc quyền ra đời, qua đó phá hủy sự phát triển của nhiều dòng phim cũng như làm giới hạn lựa chọn của khán giả trước kho tàng điện ảnh khổng lồ.
Tại Hàn Quốc, nhiều bộ phim nội địa đã được phát hành nhưng không phải bộ phim nào cũng nhận được sựu ủng hộ của các rạp chiếu phim. Trong khi những bộ phim như “The Man from Nowhere”, "Secret Reunion", "Woochi"... thu hút được từ 3-6 triệu lượt người đến rạp thì rất nhiều những bộ phim Hàn khác phải chịu kết cục hẩm hiu do không nhận được sự hỗ trợ của các rạp phim bởi họ không cho rằng những tác phẩm này có thể thu được nhiều lợi nhuận.
Năm 2010, bộ phim “Poetry” đạt giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes chỉ có 220.000 lượt khán giả đến xem tại một số rạp.
Tồi tệ hơn, nhiều tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc không tìm được rạp phim nào chấp nhận công chiếu do sự chèn ép của các ông lớn trong ngành và bị lãng quên.
Việc chú trọng vào thị hiếu đại trà của khán giả Hàn Quốc là điều dễ hiểu nhưng sự độc quyền trong phân phối phim ảnh đang khiến ngành công nghiệp điện ảnh nước này lâm vào cuộc khủng hoảng khi các phim nội địa mất dần thị phần trong nước còn đầu tư để sản xuất phim ảnh cũng bị ảnh hưởng.
Ngày nay, hếu hết chỉ những bộ phim bom tấn, được đầu tư khủng hay sản xuất bởi những tập đoàn có vị thế trong ngành mới được sự ưu ái của các rạp chiếu phim, trong khi những bộ phim độc lập thường dễ bị các rạp phim hắt hủi hay thờ ơ nếu họ đánh giá chúng sẽ không mang lại lợi nhuận.