Vị thế độc quyền của rạp chiếu phim có thể giết chết nền điện ảnh nước nhà như thế nào? Nhìn vào đây sẽ rõ

18/08/2016 15:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Sự độc quyền của các chuỗi rạp chiếu phim đang cản trở việc tự do thưởng thức điện ảnh của khán giả cũng như tạo nên những tiền lệ xấu trong nền kinh tế.

Ngành điện ảnh, giải trí tại Thổ Nhĩ Kỳ đang có sự bùng nổ đáng kể khi doanh số bán vé tại các rạp phim đã tăng từ 27 triệu vé năm 2005 lên 60 triệu vé năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của ngành giải trí điện ảnh tại đây chỉ đứng thứ 2, sau Nga trên thị trường Châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia duy nhất tại Châu Âu mà số lượng phim nội địa chiếm hơn 50% thị phần trong nước. Năm 2005, nước này chỉ có 29 được sản xuất trong nước thì con số này đã tăng mạnh lên 136 phim vào năm trước.

Tuy nhiên, ngành nào cũng có mặt trái của nó và trong mảng giải trí điện ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ là sự độc quyền trong phân phối phim. Nói cách khác, sự thống trị của các ông lớn trong chuỗi các rạp chiếu phim đã khiến nhiều bộ phim không được công chiếu rộng rài cho khán giả.

Ví dụ vào đợt cuối tuần đầu tiên của tháng 12/2015, chỉ duy nhất 2 bộ phim được công chiếu rộng rãi trên 1.700 rạp chiếu của tống số 2.300 rạp toàn quốc. Những bộ phim khác đều chỉ được công chiếu với số lượng rạp ít hơn do không đạt được thỏa thuận giá cả với các chuỗi rạp phim.

Tồi tệ hơn, bộ phim “Abluka” của Thỗ Nhĩ Kỳ chiến thắng giải đặc biệt trong Liên hoan phim Venice chỉ được trình chiếu tại 25 rạp toàn quốc. Trong khi đó, bộ phim nội địa “Sarmasik” chiến thắng giải Golden Orange cũng chỉ được chiếu tại 16 rạp.

Trong khi ngành điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ có những bước đột phá vượt bậc trong 10 năm qua thì những nhà sản xuất phim độc lập lại gặp nhiều khó khăn để đảm bảo đứa con tinh thần của mình được ra mắt với công chúng.

Trước câu hỏi nhiều bộ phim xuất sắc của Thổ Nhĩ Kỳ bị lu mờ dần trong mắt khán giả do không được trình chiếu rộng rãi, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, chuyên gia kinh tế đều lên tiếng phản đối tình trạng độc quyền của các chuỗi rạp chiếu phim tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự hoành hành của các chuỗi rạp chiếu phim

Sự độc quyền của các chuỗi rạp chiếu phim đang cản trở việc tự do thưởng thức điện ảnh của khán giả cũng như tạo nên những tiền lệ xấu trong nền kinh tế. Việc không có quy định rõ ràng với nhiều chuỗi rạp phim kiểm soát hơn 50% thị trường đã khiến nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phải khóc ròng.

Nhà sản xuất Kaan Müjdeci kể lại vào năm 2014, khi bộ phim “Sivas” của ông đoạt giải tại Liên hoan phim Venice cũng như được đề cử cho giải Sư tử vàng, ông đã chuẩn bị để công chiếu rộng rãi đứa con tinh thần này trong nước.

Tuy nhiên, khi nhà sản xuất này tới gặp hãng Mars Cinema Group để bàn về số lượng rạp công chiếu cũng như cách phát hành rộng rãi bộ phim cho công chúng, ông đã thấy thất vọng hoàn toàn.

“Cả 2 người đại diện phía đối tác đều cúi mặt vào màn hình điện thoại mà chả quan tâm gì chúng tôi. Sau 10 phút như vậy, một người rời khỏi phòng họp với lý do có việc bận khẩn cấp. Tôi hỏi người còn lại rằng anh ta thấy bộ phim này thế nào. Cậu ta nói thẳng rằng chúng sẽ không thu được nhiều lợi nhuận nếu chiếu rộng rãi ở các rạp phim”, ông Mujdeci nhớ lại.

Thời gian đó, đạo diễn nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cem Yilmaz cũng mới cho ra lò một bom tấn và ông Mujdeci đề nghị trailer phim của ông được trình chiếu trước bộ phim này, đối tác phía Mars đã chỉ vào phông quảng cáo bộ phim Sivas và đầy khinh miệt hỏi: “Liệu chúng tôi có nên trình chiếu bộ phim rẻ tiền này không?”

“Ngày đó, tôi nhận ra rằng những chuối rạp chiếu phim và các công ty trong ngành đang lũng đoạn thị trường và Thổ Nhĩ Kỳ hiện thiếu sự cạnh tranh cần thiết trong ngành này”, ông Mujdeci nói.

Chuyên gia ngành điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ Evrim Kaya cũng phải thừa nhận nếu chính phủ có cơ chế kiểm sự độc quyền trong ngành này thì các đạo diễn, nhà sản xuất hay những người làm phim độc lập đã không phải đi cầu cạnh cực khổ với các hãng phim như vậy, để rồi cuối cùng đặt số phận đứa con tinh thần của họ vào tay người khác.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Mustafa Sönmez nhận định bất kỳ ngành kinh tế nào cũng cần có các quy định hay hạn ngạch nhằm tránh tình trạng độc quyền, gây mất cạnh tranh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Với một ngành có nhiều ý nghĩa văn hóa như điện ảnh, việc quản lý lỏng lẻo như hiện nay sẽ chỉ khiến các công ty ngày càng tham lam, càn rõ cũng như làm thui chột tiềm năng phát triển điện ảnh nước nhà.

Khi khán giả không phải là người quyết định xem gì

Liệu khán giả có vô tình trở thành đồng lõa, tiếp tay cho các rạp phim trong vấn đề độc quyền? Nhà sản xuất Mujdeci không nghĩ như vậy.

“Chúng ta không thể để khán giả phải đau đầu nghĩ về những thứ như vậy khi họ đang muốn giải trí. Tất cả mọi người đến rạp phim và chọn những bộ phim đang được rạp trình chiếu mà hầu như không có ai thắc mắc tại sao một số bộ phim lại không được công chiếu. Chúng ta không thể mong đợi một người đi làm 8 tiếng mỗi ngày và đi xem phim, thư giãn vào cuối tuần phải có ý thức và trách nhiệm của cả một ngành công nghiệp”, ông Mujdeci cho biết.

Theo chuyên gia Keya và ông Mujdeci, các nhà sản xuất, chủ sở hữu các rạp chiếu phim, những công ty phân phối, chính phủ... phải lắng nghe lẫn nhau để đưa ra các giải pháp thích hợp. Tại Mỹ, họ có một quy định rõ ràng trong phân phối các bộ phim trong khi Châu Âu cũng có những quy định nhằm đảm bảo khán giả có quyền chọn lựa xem cái gì và không xem cái gì, chứ không phải là các chủ rạp phim.

Chính phủ không nhất thiết phải can thiệp quá mạnh tay và ngành công nghiệp cũng không thể thay đổi chỉ sau một đêm. Ông Mujdeci cho rằng chính phủ chỉ cần đưa ra những quy định tối thiểu và để thị trường tự cân bằng lại theo hướng có lợi cho khán giả.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM