Nếu tiếp tục khan hiếm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nước mắm ở Phú Quốc sẽ giải thể
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tịnh, Nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc tại hội thảo: Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống ngày 10/10 tại TP HCM.
Bà Tịnh cho biết đến ngày 30/9, 28 doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc hiện chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc để chấm dứt tình trạng đưa sản phẩm về TP HCM đóng chai.
Là sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời nên tình hình sản xuất kinh doanh nước mắm luôn phát triển theo tình hình thị trường và các yếu tố tác động của cơ chế chính sách. Đặc biệt, trong những năm 2000-2010, khi nước mắm Phú Quốc được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, tình hình sản xuất đã phát triển vượt bậc. Số cơ sở sản xuất tăng thêm 17 cơ sở (từ 68 cơ sở năm 2000 tăng lên 85), sản lượng từ 6 triệu lít/năm tăng lên 30 triệu năm 2014.
Tuy nhiên, sự phát triển nóng cũng phát sinh nhiều bất cập, ngư trường khai thác bị cạn dần. Những năm gần đầy đây, người ta còn sử dụng cá cơm để hấp, sấy, phơi khô, làm ảnh hưởng rất lớn đến nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc, không đáp ứng đủ nhu cầu cho nghề này.
Bà Tịnh cho biết nguyên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm nên nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải giải thể. Từ con số 85 đến giờ chỉ có 58 nhà sản xuất. Họ chuyển sang làm du lịch vì lợi nhuận tốt hơn. Nếu tình trạng khan hiếm tiếp tục xảy ra, thì nhiều doanh nghiệp hơn nữa sẽ bỏ cuộc.
Bà Tịnh nói thêm: "Kể cả hiện giờ Phú Quốc có 58 doanh nghiệp sản xuất nhưng vẫn thiếu nguyên liệu. Thông thường, từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa cơm nhưng năm nay, người ta thu mua cá cơm còn để hấp, sấy. Nguồn còn lại mới bán cho nước mắm nên nghề này đang gặp rất nhiều khó khăn".
Bà Tịnh cũng đề cập đến khó khăn khác mà doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đang đối mặt.
Theo bà, dù đã được bảo hộ ở châu Âu nhưng doanh nghiệp sản xuất mắm ở Phú Quốc chưa phát triển tiếp thị và quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều.
Trước đó, hồi tháng 6, ông Huỳnh Quang Hưng, phó Chủ tịch huyện Phú Quốc, cũng từng nêu ra những cơ hội lớn đối với nước mắm Phú Quốc. Mắm Phú Quốc không những nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến ở nước ngoài với hương vị, màu sắc rất đặc trưng, mang nét truyền thống lâu đời.
Tháng 8/2013, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.
Trong chia sẻ của vị lãnh đạo huyện này ánh lên niềm tự hào, bởi nước mắm trở thành món quà của những người tới du lịch Phú Quốc bằng sự nổi tiếng nó. Mắm của huyện đảo cũng đã có mặt trong nhiều siêu thị lớn trong cả nước.
Tuy nhiên, nổi tiếng là thế nhưng thách thức đối với nghề mắm ở Phú Quốc cũng đang khiến lãnh đạo địa phương phải trăn trở, băn khoăn.
Thứ nhất là sản xuất chưa tập trung, với hơn 60 doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, rải rác. Huyện dự kiến sẽ xây dựng khu sản xuất nước mắm với diện tích 80 - 100 hecta và di dời toàn bộ các hộ sản xuất nước mắm vào khu sản xuất.
Thứ hai, nguồn nguyên liệu cá cơm đang giảm. Nhiều doanh nghiệp khai thác ở Campuchia, Thái Lan ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khai thác, chế biến, đến mùi màu của nước mắm Phú Quốc.
Thương lái TQ thu mua cá cơm để làm cá cơm sấy, cá cơm khô khiến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gặp khó khăn.
Thứ ba, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mang danh nước mắm Phú Quốc vẫn tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Ông Hưng mong cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp nỗ lực để giữ gìn và phát huy thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Các doanh nghiệp cần khai thác theo quy hoạch và các trường hợp khai thác bừa bãi cần được xử lý.