Một khi đã xâm nhập vào cơ thể, chì sẽ hủy hoại bạn như thế nào?

02/06/2016 08:23 AM | Công nghệ

Bất kể một lượng nhỏ của chì nào cũng sẽ gây hại cho cơ thể.

Chì là một kim loại mang rất nhiều tính chất ưu việt, vì vậy, nó đã từng được sử dụng rất phổ biến trong đời sống của con người. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, chúng ta đã nhận ra mặt trái của kim loại này, nó gây ra rất nhiều nguy cơ về sức khỏe , đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, từ lâu chì đã bị cấm sử dụng trong nhiều sản phẩm từ nhiên liệu, sơn cho đến đồ gia dụng và mỹ phẩm. Tuy nhiên, sự thật là ở nhiều quốc gia, chì vẫn có mặt xung quanh đời sống con người, từ các thiết bị điện tử, đồ chơi, cho đến son môi hay nước uống. Vậy nếu chẳng may bị nhiễm chì, điều gì sẽ xảy ra bên trong cơ thể?

Chì gây hại như thế nào ở cấp độ phân tử

Để trả lời câu hỏi chì “hoành hành” như thế nào trong cơ thể chúng ta, bạn cần biết rằng trong cơ thể con người tồn tại một số lượng rất nhỏ các nguyên tố kim loại như kẽm, magie, natri... Chúng được gọi là nguyên tố vi lượng mà rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.

Thông thường, các kim loại hoạt động cùng với enzyme của cơ thể trong vài trò xúc tác, làm tăng tốc các phản ứng sinh hóa. Cơ thể chúng ta không thể hoạt động mà không cần enzyme mà nhiều enzyme thì trở nên bất lực khi không có mặt các kim loại.

Vì vậy, mỗi ngày bạn cần bổ sung vài trăm miligam canxi, magiê, natri. Vài miligam sắt và Iốt, hay thậm chí là vài trăm microgam selen và asen. Chỉ khi các kim loại này được bổ sung một lượng quá mức, chúng gây độc.

Câu chuyện là hoàn toàn khác biệt với chì. Bởi không đóng bất kể một vai trò sinh lý và tham gia phản ứng sinh hóa nào trong cơ thể, ngưỡng an toàn dành cho chì là không hề có. Bất kể một lượng nhỏ của chì nào cũng sẽ gây hại cho cơ thể.

Tính độc của chì cũng được gây ra từ đây, khi nó có xu hướng thay thế vị trí của tất cả các kim loại khác. Ví dụ, bạn có thể thấy trong ảnh X-quang của một bệnh nhân nhiễm độc chì, nó đã chiếm chỗ của canxi trong xương.


Chì nhiễm trong xương có thể được quan sát qua ảnh X-quang

Chì nhiễm trong xương có thể được quan sát qua ảnh X-quang

Chì cũng chiếm chỗ của kẽm và canxi trong các protein. Không có sự có mặt của hai nguyên tố này các protein không thể hoạt động. Ví dụ, một protein gắn liền với kẽm đang làm nhiệm vụ duy trì huyết áp cơ thể và sự phát triển bình thường ở trẻ em. Khi chì được hấp thụ vào cơ thể, nó thế vào chỗ của kẽm gây chứng chậm lớn ở trẻ và huyết áp cao ở người trưởng thành.

Khi chì thế chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện trong não, nó gây ra chứng mất trí, giảm khả năng suy nghĩ. Chì ức chế quá trình tổng hợp heme, thường có sự tham gia của sắt, gây ra chứng thiếu máu. Nó cũng “đuổi” kẽm ra khỏi một protein tham gia vào việc sản sinh tinh trùng, gây vô sinh ở những người đàn ông có mức tiếp xúc chì cao trong công việc.

Kết quả cuối cùng

Như vậy, nhìn vào cấp độ phân tử, bạn có thể thấy chì độc, phần lớn đến từ việc nó chiếm chỗ của các kim loại vi lượng khác, gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Vậy, kết quả cuối cùng biểu hiện ra bên ngoài của việc nhiễm chì là gì?

Tất cả mọi người sẽ đều chịu ảnh hưởng của việc nhiễm chì, nhưng trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Trẻ em sẽ hấp thụ khoảng 40-50% lượng chì theo đường tiêu hóa vào cơ thể. Trong khi đó, người lớn chỉ hấp thụ khoảng 3-10%.

Bên cạnh đó, khi đi vào cơ thể, chì lưu trữ chính ở máu, mô mềm và xương. Nó sẽ tồn tại trong máu qua một vài tuần, một vài tháng ở các mô mềm và hàng năm ở xương. Chì trong xương, răng, tóc và móng tay được ràng buộc chặt chẽ và ít gây hại.

Đối với người lớn, 94% lượng chì hấp thụ được lắng đọng trong xương và răng. Tuy nhiên, đối với trẻ em chỉ khoảng 70%. Các nguyên nhân đã chỉ ra tại sao trẻ em nhiễm chì có nguy cơ hại đến sức khỏe cao hơn nhiều so với người trưởng thành.


Đối với trẻ em, nhiễm một nồng độ chì thấp cũng có thể để lại di chứng trong suốt phần đời còn lại

Đối với trẻ em, nhiễm một nồng độ chì thấp cũng có thể để lại di chứng trong suốt phần đời còn lại

Trẻ em nhiễm chì có thể phải hứng chịu các thiệt hại ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học. Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp, hiếu động…

Hậu quả được dự đoán theo mức độ chì trong máu. Trẻ thông thường có nồng độ chì dưới 0.05 mg/L máu. Mức độ chì từ 0.1 đến 0.25 mg/L đã có thể liên quan đến suy giảm chức năng thần kinh. Mức độ trên 0.25 mg/L sẽ gây ra đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn.

Điều trị được chỉ định bắt đầu ở mức 0.45 mg/L. Mức độ 0.5-0.7 mg/L được tính là nhiễm độc vừa phải. Trên 0.7 mg/L được tính là nhiễm độc nặng và có thể gây co giật, tử vong.

Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Ở người trưởng thành, tiếp xúc với chì cũng được ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị nhiễm chì có thể không để lại di chứng ở người trưởng thành. Ngược lại, đối với trẻ em, nhiễm chì ở nồng độ thấp cũng có thể để lại di chứng về suy giảm nhận thức trong suốt phần đời còn lại.

Kết luận

Như vậy, bạn đã có thể biết rằng tác hại của chì đến từ việc nó không đóng bất cứ vai trò sinh lý nào đối với cơ thể. Chì thay thế vị trí của các nguyên tố kim loại vi lượng trong cơ thể làm đình trệ nhiều phản ứng sinh hóa, từ đó gây ra rất nhiều tác hại, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Bởi vậy, chúng ta cần rất cảnh giác với các nguồn có thể phơi nhiễm chì cho cơ thể, từ sơn, mỹ phẩm, đồ điện tử cho đến nước uống. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm chì, bạn nên kiểm tra tình hình sức khỏe, xét nghiệm máu để xác định nồng độ chỉ ở trong máu nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, phù hợp.

Cùng chuyên mục
XEM