Không tiết kiệm được đồng nào vì ăn quá nhiều
Hóa ra ăn uống cũng là một trong những lý do khiến không ít người không tiết kiệm nổi.
Nhắc tới chuyện chi tiêu, tiết kiệm của chị em phụ nữ, nhiều người thường khẳng định ngay: Chị em không tiết kiệm được là do mua sắm quá lắm, hoặc không thì cũng mê đi du lịch, chứ khó mà có lý do nào khác được.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ cả mà. Cô vợ trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy. Dù không thiết tha mua sắm gì nhiều, nhưng kết cục vẫn là không dư mấy.
Không tiết kiệm nổi vì… ăn nhiều
Nguyên văn chia sẻ của cô vợ ấy như sau: "Có cách gì để tem tém cái mồm lại được không các bác?
Ảnh minh họa
Em là phụ nữ, không đam mê thời trang, son phấn lụa là gấm vóc gì, mà em mê ăn. Tháng nào cũng nạp không biết bao nhiêu tiền cho app giao đồ ăn.
Ăn sáng: Trung bình 60k/buổi, 22 buổi/tháng, tính ra là 1320k. Cuối tuần không đi là nên chồng em dắt ra ngoài ăn.
Ăn chiều: Gần như chiều nào em cũng ăn, tính phiên phiến là 25 bữa chiều, trung bình gọi đồ khoảng 150k - 200k/lần. Tổng khoảng 3750k - 5000k.
Gọi đồ uống: Trung bình 3-4 lần/tuần, 1 tháng tính tròn 10 lần khoảng 600k.
Đấy là em chưa tính tiền ăn đêm, vì cứ hứng lên là gọi nhưng cũng có hôm không hứng. Vị chi 1 tháng em chi riêng cho app giao đồ ăn cũng khoảng 7-8 triệu. Thu nhập em khoảng 20-30 triệu/tháng. Đấy là em không tính tiền ăn 2 bữa chính là bữa trưa với bữa tối, vì bố mẹ nấu. Thế có phung phí quá không mọi người? Làm thế nào để kiểm soát vụ ăn uống ạ?".
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải "phì cười" với câu hỏi mà cô vợ này đặt ra. Có người động viên "thôi ăn được là còn mừng", có người lại xin phép hỏi đến vấn đề cân nặng rồi gợi ý cô nghĩ tới việc giảm cân là tiện đôi đường.
"Mỗi người có một vài đam mê riêng. Thay vì mê túi xách, quần áo, thì em thấy mê ăn cũng rất bình thường. Những người thích ăn uống thường cũng dễ tính, xởi lởi, vui vẻ ấy. Nếu đang không có vấn đề gì về cân nặng, sức khoẻ thì cứ ăn đi không phải lo chị nhé, ăn được là vui mà" - Một người động viên.
"Lần đầu tiên tôi thấy có người không tiết kiệm được tiền vì ăn. Nếu muốn tiết kiệm thì phải giảm khoản này đi mẹ nó ạ, giảm tiền đặt đồ ăn ấy chứ không phải giảm ngân sách mua thực phẩm đâu ấy" - Một người khuyên.
"Hiểu cảm giác này mom ơi, mình cũng thế, tốn toàn tiền ăn, mỗi ngày mình ăn vặt phải hết 100k…" - Một người khác tỏ ra đồng cảm.
Ảnh minh họa
"Có phung phí hay không thì còn tùy quan điểm mỗi người bạn ơi Nhưng không phải lúc nào mình cũng khỏe mạnh, công việc cũng suôn sẻ, nên nếu được thì nên tém lại tiền ăn 1 tí, để tiết kiệm. Bạn có thể thử những cách sau:
- Tìm hiểu về các cách chăm sóc sức khỏe tự nhiên, ăn sạch chẳng hạn. Tất nhiên không phương pháp nào tốt 100% cả, nhưng khi tìm hiểu, nó sẽ cho bạn góc nhìn khác về việc ăn uống của bản thân. Khi suy nghĩ khác đi, bạn sẽ tự kiểm soát được việc ăn của mình.
- Giảm bớt việc ăn vặt lại, ví dụ giảm gọi đồ uống, giảm ăn chiều. Giảm từ từ, chứ không cắt giảm 100% ngay lập tức để mình đỡ bị shock tâm lý" - Một người khác gợi ý.
Làm sao để cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm được tiền?
1 - Giảm ngân sách chi tiêu một cách từ từ
Thói quen không hình thành trong ngày 1 ngày 2, nên để chấm dứt việc "tiêu hoang", cũng không thể ngày 1 ngày 2 mà làm được. Để bản thân thích ứng được với việc tiêu tiền ít đi, bạn nên cắt giảm ngân sách một cách từ từ.
Ảnh minh họa
Ví dụ: Tháng trước chi 5 triệu để shopping, thì tháng này, giảm ngân sách xuống còn 4 triệu, tháng sau giảm tiếp xuống còn 3 triệu,... Cứ như vậy cho đến khi ngân sách mua sắm về mức tối thiểu hoặc bằng 0 là lý tưởng nhất.
2 - Mua vàng
Gửi tiết kiệm vẫn có thể rút ra trước hạn, "nuôi heo đất" vẫn có thể đập heo lấy tiền, nói cách khác, với những người đã "nghiện chi tiêu theo cảm xúc", chỉ cần trong tay có tiền, không quan trọng là tiền đút heo hay tiền trong tài khoản tiết kiệm, họ đều có thể lấy ra để chi tiêu. Chính bởi thế, để dành tiền không phải là phương pháp tiết kiệm có thể phát huy tác dụng.
Nếu cảm thấy bản thân không thể dừng việc chốt đơn dù đã rất cố gắng, hãy cầm tiền đi mua vàng, không quan trọng là giá vàng đang tăng hay giảm, không quan trọng là mua được 1 chỉ hay nửa chỉ, cứ nhận lương là đi mua vàng. Vì vàng không phải là thứ có giá trị trao đổi trong việc mua sắm thường ngày, không ai lại cầm vàng đi mua cái quần cái áo nên mua vàng rồi, bạn sẽ chẳng còn tiền để mua sắm linh tinh nữa. Như vậy, vừa từ bỏ được thói quen chốt đơn vô tội vạ, vừa có tài sản tích lũy, tiện cả đôi đường.