Không thể để người dân uống sữa bột tưởng sữa tươi

08/04/2016 15:27 PM | Kinh tế vĩ mô

Đó là những tiếng nói mạnh mẽ của dư luận và Đại biểu Quốc hội khi tên gọi “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn là sữa tươi.

Vì bất cập đó, cuối tháng 4.2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) triển khai soát xét, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với sản phẩm sữa, trong đó có việc sửa đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”. Vậy mà tới tháng 4.2016, Hiệp hội Sữa Việt Nam lại có công văn đề nghị “giữ nguyên tên gọi” để bảo vệ doanh nghiệp sữa.

“Nghìn tỷ đô” để… nhập sữa bột

Mặc dù có lợi thế về lao động, điều kiện tự nhiên để phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm sữa là 1.098 tỷ USD (số liệu năm 2014 của Cục Chăn nuôi-Bộ NN&PTNT ngày 17.7.2015). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa tươi vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Theo số liệu của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến nay, lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó chỉ có 367,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được đưa vào chế biến dạng lỏng.

Còn lại hầu hết sữa dạng lỏng là được pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu về với tên gọi “sữa tiệt trùng” (theo QCVN 5-1:2010 do Bộ Y tế ban hành).

Với tên gọi đó, người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa tươi sản xuất dạng lỏng và đâu là sữa bột nhập khẩu pha dạng lỏng; càng làm cho việc nhập khẩu sữa nguyên liệu về pha lại thành sữa “tiệt trùng” trở thành “thời thượng” vì đưa lại lợi nhuận lớn …

Báo cáo kết quả hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và Sữa chế biến dạng lỏng” do ông Phan Xuân Dũng -Chủ nhiệm Ủy ban ký và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 7.2015 cũng đã nhấn mạnh: “Việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu còn chiếm tỷ trọng lớn đang đi ngược lại quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam, là phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”.

Vậy mà thật kỳ lạ là trong công văn của Hiệp hội sữa Việt Nam gửi cơ quan báo chí đầu tháng 4.2015 lại cho rằng, việc thay đổi QCVN 5-1:2010 sẽ dẫn tới “lệch lạc trong chính sách”.

Điều mâu thuẫn rất lớn của văn bản này là luôn nhấn mạnh giúp đỡ các doanh nghiệp chế biến sữa ở Việt Nam đạt được mục tiêu do Bộ Công thương xây dựng là sản xuất 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi vào năm 2020, trong đó sữa dạng lỏng chế biến từ sữa tươi là 1 tỷ lít. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ sản xuất được hơn hơn 650 triệu lít sữa tươi.

Nếu muốn “giúp đỡ các doanh nghiệp” đẩy mạnh sản xuất sữa tươi theo mục tiêu của Bộ Công thương thì phải có chính sách thúc đẩy việc nhận diện sữa tươi, nhận diện nguyên liệu sản xuất sữa dạng lỏng để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Vì vậy, những lý do mà Hiệp hội đề nghị giữ nguyên tên gọi nhập nhèm “sữa tiệt trùng” là rất khó hiểu.

Biểu đồ giá sữa
Biểu đồ giá sữa

Thực tế, ngay cả khi thực hiện đúng mục tiêu của Bộ Công thương thì tới năm 2020 sản lượng sữa tươi mới đạt 38% nhu cầu trong nước. Vẫn còn tới 1,6 tỷ lít sữa dạng lỏng pha ra từ sữa bột được bán trên thị trường.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại xu hướng tiêu dùng sữa của thế giới là sử dụng sữa tươi. Và chắc chắn, trong số 1,6 tỷ lít sữa nước pha ra từ sữa bột được bán tới tay người tiêu dùng, nhiều người vẫn nghĩ mình đang uống hoặc đang cho con em mình uống sữa tươi.

Đề xuất “giết chết” sản xuất trong nước

Nhìn từ sản xuất sữa tươi trong nước, văn bản khó hiểu của Hiệp hội sữa Việt Nam còn đang gây khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sữa tươi.

Thực tế, việc nhập khẩu sữa bột phục vụ cho chế biến sữa dạng lỏng ngày một lớn đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, làm cản trở việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, vô hình chung biến người tiêu dùng Việt Nam thành “người nhập khẩu sữa thụ động”.

Chính vì vậy, trong giải pháp và kiến nghị, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề xuất “Có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu để phát triển sản xuất sữa tươi trong nước; Nghiên cứu thành lập cơ quan quốc gia về sữa để điều tiết các khâu trong quản lý sữa”.

Đây là đề xuất rất mạnh mẽ nhằm bảo vệ người nuôi bò sữa trong nước và phát triển ngành sữa tươi nguyên liệu. Vậy mà Hiệp hội sữa VN lại có đề nghị ngược lại, giữ nguyên những nhập nhèm về tên gọi để “bảo vệ doanh nghiệp sữa” mà lờ đi quyền lợi của người sản xuất sữa tươi và quyền được thông tin của người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải-Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang kiến nghị sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật QCVN 5:1-2010 do Bộ Y tế ban hành năm 2010 cho phù hợp với thực tiễn sản xuất sữa dạng lỏng của Việt Nam và tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị nên ghi rõ trên nhãn tỉ lệ sữa tươi nguyên liệu, sữa bột… để khắc phục tình trạng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bộ Y tế cũng cần phải điều chỉnh khái niệm “Sữa tiệt trùng” nên tách thành 2 khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” như tiêu chuẩn Codex 206-1999. Việc điều chỉnh đó nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện rõ sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại.

Tại hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và Sữa chế biến dạng lỏng” của Ủy ban Khoa học- Công nghệ Môi trường của Quốc hội, 2/3 bộ liên quan, gồm Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có đề nghị rõ về vấn đề này và Bộ Y tế đã “nghiêm túc tiếp thu”.

Vậy mà Hiệp hội Sữa Việt Nam lại khăng khăng đòi giữ nguyên QCVN 5:1-2010. Không rõ Hiệp Hội muốn “cầm tay chỉ việc” cho Bộ Y tế, đi ngược lại xu hướng chung trong phát triển ngành sữa là tăng sản lượng sữa tươi, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đến bao giờ?

“Tiếng Việt rất rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa bột là sữa bột”

“Các văn bản quy định về tiêu chuẩn sữa của chúng ta trong những năm trước đây có ý khuyến khích doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển công nghiệp chế biến sữa. Tuy nhiên, có những quy định đến giờ chúng ta không thể chấp nhận được.

Cụ thể là quy định tên gọi “sữa tiệt trùng”. Bản thân chúng tôi là những người tham gia vào Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng còn lẫn lộn không biết đâu là sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng, đâu là sữa tươi, nói gì tới người tiêu dùng.

Chúng ta, những người thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tại sao không nói rõ ra để người tiêu dùng biết về nguyên liệu sữa và lựa chọn. Nhất là khi chúng ta đã có Luật Bảo vệ Người tiêu dùng

Tôi thấy tiếng Việt phân biệt rất rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa bột là sữa bột, sữa tiệt trùng là sữa gì? Rõ ràng đó là sữa hoàn nguyên, là sữa bột pha ra. Tôi tin rằng người tiêu dùng cũng muốn biết họ đang mua sữa gì, giá tiền thế nào. Chúng ta cần phải công khai, minh bạch vấn đề này”

Trích ý kiến Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh tại cuộc họp của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ngày 28.7

Cùng chuyên mục
XEM