Vì sao giá sữa ở Việt Nam tăng giá phi mã khi giá thế giới đứng yên?

06/04/2016 15:32 PM | Kinh tế vĩ mô

Không ít người đặt câu hỏi, tại sao các hãng sữa tại thị trường Việt Nam luôn tìm được lý do cực kỳ hợp lý để tăng giá, trong khi đó các công ty sữa ở các nước phát triển gần như không điều chỉnh giá bán sữa trong suốt 4 năm trở lại đây.

Sữa bột mới thông minh?

Hiện tại, các hãng sữa ngoại đang nắm thị phần chi phối thị trường sữa Việt Nam, lên đến 75% (số liệu của EuroMonitor năm 2013). Chính vì vậy, họ nắm “quyền năng” đưa giá lên theo ý muốn của họ.

Các hãng sữa hiện nay đều cạnh tranh theo kiểu hãng A vừa tung ra sản phẩm có chừng này chất DHA thì hãng B lập tức tung ra sản phẩm có nhiều chất DHA gấp 6 lần hoặc có bổ sung thêm hàng chục loại vitamin. Người tiêu dùng nghe quảng cáo xong chắc hẳn cũng phải ù tai hoa mắt, không thể nhớ nổi.

Tuy nhiên ấn tượng mà các hãng sữa đã găm thành công vào suy nghĩ của người tiêu dùng chính là sữa ngoại mới là tốt, mới mang đến sự thông minh vượt trội. Chính vì vậy, dù khả năng tài chính hạn hẹp, rất nhiều bà mẹ vẫn cố gắng để mua được sữa bột ngoại cho con mình với suy nghĩ con sẽ thông minh hơn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường FTA và quan điểm của nhiều bác sỹ dinh dưỡng, trên thực tế, các loại sữa đắt không hề có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với sữa nội địa do Việt Nam sản xuất. Các hãng sữa ngoại chỉ tốt hơn công ty sữa Việt Nam trong khâu quảng bá sản phẩm trên hàng loạt các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo mạng, báo giấy.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mà phần lớn người tiêu dùng Việt Nam khi được hỏi thì đều nhớ được tên của Abbott (Similac, Gain), FrieslandCampina (Cô gái Hà Lan, Friso, YoMost) hay Mead Johnson (Anfa). Nhờ vậy mà Friesland đã mở rộng được hệ thống lên đến 100 nghìn điểm bán lẻ trên khắp Việt Nam, còn Abbott cũng không mấy kém cạnh.

Giá sữa Việt Nam tăng giá chóng mặt, trong khi giá thế giới đứng yên

Chắc có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới mà giá sữa tăng nhanh như ở Việt Nam. Kết quả khảo sát của phóng viên tại các thị trường như Ý, Anh hay Nhật đều cho thấy, giá sữa bán lẻ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn không tăng trong suốt 3 năm gần đây.

Ví dụ, giá sữa Aptamil cho trẻ 1 tuổi tại Anh từ năm 2013 đến nay vẫn luôn giữ ở mức 16 bảng/hộp 900 gram. Giá sữa Meiji số 9 tại Nhật cho trẻ 3 tuổi vẫn đứng giá ở mức 1.500 yên/hộp suốt 3 năm qua. Giá sữa tại Ý và Thụy Sỹ cũng không biến động trong cùng thời gian.

Cùng lúc đó trong cùng khoảng thời gian trên, giá các loại sữa bột ở Việt Nam tăng ít nhất 7 đến 10%, cá biệt có loại tăng đến 15% bất chấp các quy định về quản lý giá sữa của Bộ Tài chính.

Mặc dù chưa có một thống kê tổng hợp nào về việc điều chỉnh giá của các hãng sữa lớn tại Việt Nam, nhưng từ năm 2007, hầu hết các hãng sữa đều có điều chỉnh tăng giá từ 1-2 lần một năm và tập trung chủ yếu vào quý 1 hàng năm. Đơn cử như Abbott hầu hết đều điều chỉnh giá sữa vào quý 1 hàng năm và mỗi lần điều chỉnh từ 4-20%.


(Nguồn Người đô thị)

(Nguồn Người đô thị)

Việt Nam phải nhập khẩu tới gần 70% tổng sản phẩm sữa tiêu dùng, trong đó 50% là nguyên liệu sản xuất sữa và 20% là sữa thành phẩm. Bởi vậy, mỗi lần tăng giá sữa, các hãng sữa đều lấy lý do giá sữa nguyên liệu thế giới tăng và giá thu mua nguyên liệu đầu vào từ phía nông dân tăng.

Không ít ý kiến cho rằng chính việc các bà mẹ Việt quá “cuồng” sữa bột và tin vào sự thần kỳ của các loại sữa này đã khiến các hãng sữa thoải mái có quyền tăng giá mà người tiêu dùng vẫn phải chạy theo họ. Chính các bà mẹ Việt đã trao cho các hãng sữa cái quyền được tăng giá bao nhiêu tùy thích, vượt quá cả sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thực tế là, một loạt các nước có giá sữa không tăng trong suốt khoảng thời gian đề cập ở trên cũng nằm trong danh sách nhóm nước có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ cao nhất thế giới.

Ngoài ra, cơ chế quản lý thị trường sản phẩm sữa không minh bạch rõ ràng khiến cho người dân luôn cảm thấy hoang mang khi giá sữa tăng.

Trước hết là trách nhiệm của các cơ quan hữu trách trong việc quản lý thị trường sữa hiện còn nhiều bất cập. Trong khi Bộ tài chính (qua Cục quản lý giá) quản lý về giá sữa thì thị trường sữa lại được quản lý bởi Bộ Công Thương (qua Cục quản lý thị trường). Còn Bộ Y Tế lại là cơ quan quy định danh mục các loại sữa thuộc diện bình ổn giá.

Tiếp đến là cách thức quản lý giá sữa bằng cách kê khai giá. Cách thức quản lý hậu kiểm và giá đăng ký dựa trên giá bán buôn khiến cho các cơ quan quản lý khó có thể giám sát được mối tương quan của giá sữa nhập khẩu, giá bán buôn và giá bán lẻ sữa trên thị trường.

Rõ ràng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải tìm cách tiếp cận khác để quản lý và giám sát thị trường sữa thay vì giải pháp bình ổn thiếu khả thi như hiện nay. Trong khi đó, các bà mẹ Việt cũng cần chủ động hơn trong việc mang đến nguồn sữa cho con, để giảm sự phụ thuộc của họ vào sữa bột và góp phần giảm bớt quyền năng của các hãng sữa.

NgọcThanh

Cùng chuyên mục
XEM