Không coi tài xế là nhân viên 'biên chế', không cần đảm bảo tiền lương cũng như trợ cấp và bảo hiểm y tế, Grab và Gojek tiết kiệm hàng trăm triệu USD
Việc coi tài xế như nhân viên ‘biến chế’ sẽ khiến các công ty gọi xe phải gánh thêm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Các startup gọi xe của châu Á như Grab, Go-Jek và Didi-Chuxing đang hồi hộp theo dõi "động tĩnh" từ phía Mỹ, khi luật mới được thông qua ở California yêu cầu một số công ty như Uber và Lyft coi tài xế của mình như nhân viên "biên chế", được trợ cấp và bảo đảm tiền lương – những điều có thể làm tăng chi phí hoạt động của các startup này.
Theo luật mới được ký ngày 18/9, người lao động theo hợp đồng được giới hạn ở những người có hoạt động độc lập mà công việc của họ không tạo nên 1 phần của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty và những người không thuộc kiểm soát trực tiếp của công ty.
Lao động không đáp ứng một trong các tiêu chí trên sẽ được phân loại là nhân viên được đảm bảo mức lương tối thiểu, nghỉ ốm vẫn được hưởng lương, quyền lợi bảo hiểm y tế và một số biện pháp hỗ trợ khác. Được biết, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau.
Nữ nghị sĩ bang California - Lorena Gonzalez, người đưa ra luật trên cho biết: "Là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới, California đang thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về bảo vệ người lao động để các tiểu bang của Mỹ cũng như quốc gia khác tuân theo".
Số lượng gig worker (người làm việc theo yêu cầu, thực hiện dự án có thời hạn và thường là những việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng) đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu khi mọi người bị thu hút bởi việc công việc của họ không bị ràng buộc về thời gian hay địa điểm. Ở Đông Nam Á, kỳ lân Grab và Go-Jek lần lượt có 4,5 triệu và 1,7 triệu tài xế, tương đương với các startup hàng đầu phương Tây như Uber với 3,9 triệu tài xế và Lyft với 2 triệu tài xế.
Các biện pháp bảo vệ hay hỗ trợ cho tầng lớp lao động này ở châu Á vẫn còn đang rất hạn chế.
Tại Indonesia, thị trường gọi xe lớn nhất ở Đông Nam Á, mô hình làm việc có các công việc tạm thời là phổ biến đã làm dấy lên sự phản đối của các tài xế Go-Jek và Grab. Những người này đã đấu tranh đòi quyền lợi lao động, tháng 3 năm ngoái, hàng ngàn người đã tập trung trước cung điện Tổng thống Merdeka ở Jakarta. Luật mới ở California có thể là một ví dụ và khuyến khích họ yêu cầu thêm cho quyền của mình.
Mặc dù vậy, quyền của người lao động dường như không phải là ưu tiên của chính phủ Indonesia. Là một trong những kỳ lân hiếm hoi của khu vực, Go-Jek có mối quan hệ khá tốt với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người vẫn luôn coi các startup rất quan trọng đối với nền kinh tế.
Startup gọi xe của Trung Quốc, Didi Chuxing cũng có lợi thế tương tự bởi Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ chung với nền kinh tế chia sẻ và cho biết sẽ sẵn sàng gánh vác một số trách nhiệm phúc lợi cùng các doanh nghiệp.
Năm nay, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội mà người thuê lao động phải trả và bơm thêm vốn nhà nước vào hệ thống phúc lợi của đất nước với mục tiêu "giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp". Điều này có nghĩa là Didi Chuxing – startup được hậu thuẫn bởi SoftBank, Alibaba và Tencent có thể sẽ không chịu nhiều áp lực như Uber hay Lyft.
Uber và Lyft là 2 startup đi đầu của nền kinh tế gig (nền kinh tế của những công việc ngắn hạn, mang tính thời vụ). Mô hình kinh doanh của họ xoay quanh các tài xế được coi là lao động hợp đồng bởi việc thuê đội ngũ tài xế riêng sẽ tốn nhiều chi phí cho họ. Đến nay, cả 2 công ty đều chưa tạo ra lợi nhuận.
Barclays ước tính, theo luật mới, Uber sẽ buộc phải trả thêm 500 triệu USD chi phí hàng năm trong khi Lyft sẽ gánh thêm 290 triệu USD mỗi năm. Morgan Stanley dự đoán chi phí liên quan đến tài xế của Uber sẽ tăng 35% và gọi xe ở California sẽ đắt hơn tới 25%, dẫn đến việc giảm từ 1% đến 2% tổng lượng đặt xe.