Bilal Athar: Bỏ học cấp 3, kiếm triệu USD nhờ khởi nghiệp cung cấp wifi miễn phí
Câu chuyện khởi nghiệp của Bilal Athar nghe khá giống như Steve Jobs, Bill Gates. Nhưng, Athar sống ở Pakistan, một xã hội khó có vị trí thành công cho người chưa học hết cấp 3. Tuy nhiên, anh đang chứng minh khả năng thay đổi thế giới bằng Wifigen.
Wifi miễn phí khắp mọi nơi
Ý tưởng của Wifigen đơn giản nhưng cũng đầy đột phá. Những công ty, cửa hàng hoặc quán cà phê sẽ cung cấp wifi miễn phí và nhận lại một ít thông tin của khách hàng. Khách hàng khi kết nối wifi ở những địa điểm có sử dụng công nghệ của Wifigen sẽ đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội của họ như Facebook, Twitter, Google+, hoặc LinkedIn. Nếu khách hàng chia sẻ vị trí hoặc nhận xét dịch vụ, họ có thể được miễn phí hoặc giảm giá khi mua hàng.
Với doanh nghiệp, Wifigen cung cấp chọ họ công cụ để khai thác thông tin khách hàng và phân tích những thông tin đó. Họ có thể cải tiến dịch vụ của mình dựa trên nguồn dữ liệu khách hàng phân loại theo nhân khẩu học, thời gian mua hàng và mức độ hài lòng. Nhà hàng và quán cà phê còn có thể giảm thời gian gọi món bằng cách hiển thị menu trực tiếp trên điện thoại thông minh của khách hàng khi họ đăng nhập Wifigen.
Bilal Athar.
Từ bỏ cuộc sống bình yên
Bilal Athar được xem như đứa trẻ cứng đầu từ nhỏ. Anh thích các hoạt động phát huy tính sáng tạo của mình. Anh không quan tâm đến việc học ở trường lớp. Vì tin rằng nhà trường không giúp anh đạt được điều mình muốn, nên anh quyết định bỏ học cấp 3. Trong một xã hội Pakistan truyền thống, điều này chẳng khác gì tự tử. Tuy khởi đầu có vẻ giống những doanh nhân IT ở thung lũng Silicon, nhưng ở Pakistan thì điều này thật trái ngược.
Gia đình phản đối quyết định của Athar. Cha anh, một sĩ quan quân đội Pakistan, năn nỉ anh tiếp tục đi học. Mẹ anh khuyên anh nên bỏ qua sở thích và đi học để tìm công việc có thu nhập ổn định. Cha mẹ lo sợ anh trở thành người thất bại, thu nhập bấp bênh và không lấy được vợ. Trước áp lực gia đình, Athar tham gia học một chứng chỉ kế toán của Chartered Accounting.
Đáng tiếc, Athar thấy kế toán cũng không hợp với mình. Làm việc với những con số và bảng tính không phù hợp với anh nên anh bỏ học sau một vài tháng. Không bằng cấp, không kinh nghiệm nên Athar trở về nhà sống với bố mẹ. Tuy nhiên Athar không an phận, anh biết thế mạnh của mình là gì để dựa vào đó phát triển bản thân. Anh tham khảo lời khuyên từ bạn bè và ghi danh vào khóa học kỹ sư hệ thống do Cisco chứng nhận.
Athar nhận ra mình phù hợp với lĩnh vực CNTT, lập trình và phần mềm. Bản năng sáng tạo và ham học giúp anh nổi trội trong lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp, anh tìm được một công việc vừa ý ở UAE, đào tạo quản trị mạng trong lĩnh vực bảo mật thông tin.
Athar chia sẻ, “Khi tôi rời Pakistan, cha mẹ tôi đã hạnh phúc thấy tôi ổn định và kiếm ra tiền. Nhưng dù có nhiều tiền hơn để tiêu, tôi vẫn không hài lòng. Tôi khao khát được làm nhiều hơn nữa.”
Bán iPad để trả nợ
Mong muốn tìm ra giải pháp có thể giải quyết vấn đề của nhiều người, anh quyết định rời công việc quản trị mạng đáng mơ ước của nhiều người và khởi động dự án bán các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp quy mô lớn ở Pakistan. Anh dùng tiền tiết kiệm thuê một văn phòng và thuê đội ngũ phát triển. Nhưng thị trường phản ứng khác mong đợi của anh, số lượng khách hàng ngày càng ít khiến anh "cháy túi". Thậm chí, anh phải bán iPad để trả lương cho nhân viên.
Athar giải thích, "Nhìn lại quá khứ, tôi thấy thị trường Pakistan chưa sẵn sàng cho đổi mới và tự động hóa. Hơn nữa, một công ty muốn thành công, tôi cần tạo ra một sản phẩm sớm được chấp nhận.”
Hết tiền, Athar chuyển đến ở với một người bạn và làm lập trình freelance. Tài năng lập trình của anh bắt đầu tỏa sáng. Anh sớm có được thu nhập ổn định. Nhưng, Athar thấy mình không hài lòng và háo hức làm việc. Sau cân nhắc rất nhiều ý tưởng, Athar thuyết phục một người bạn cùng sáng lập Wifigen.
Tuy nhiên vì đã từng thất bại nên Athar rất thận trọng với ý tưởng này. Anh tiếp tục công việc freelance đồng thời tìm cách hiện thực hóa Wifigen. Một lần sau khi hoàn thành một dự án freelance đầy ấn tượng, khách hàng gọi Skype cho Athar và bày tỏ rằng rất ấn tượng với kết quả làm việc của anh. Người khách ấy chính là John Russell Patrick - cựu Phó chủ tịch IBM, đồng thời là nhà đầu tư từ những giai đoạn đầu tiên cho Uber.
Hai người phát triển quan hệ bạn bè. Patrick đánh giá cao tài năng của Athar, còn Athar xem Patrick như một cố vấn đáng tin cậy. Anh cũng thảo luận ý tưởng Wifigen với Patrick. Patrick thấy khả năng mở rộng, nhưng ông không đầu tư vào Wifigen. Sau đó, Wifigen nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của vườn ươm công nghệ lớn nhất Pakistan - Plan 9 tại Lahore.
Trong khi thực hiện các dự án, Athar có cơ hội gặp gỡ Melissa Peters ở New Zealand. Peters quan tâm ý tưởng Wifigen. Và cô muốn trở thành một đối tác của Athar. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, Athar chỉ đồng ý cho Peters sở hữu quyền bán sản phẩm Wifigen ở New Zealand và Úc mà không chia sẻ quyền sở hữu.
Khi Wifigen hoạt động tại New Zealand, Athar một lần nữa đối mặt với việc thiếu hụt tiền mặt. Trước nguy cơ phải đóng cửa Wifigen vĩnh viễn, anh đăng báo tìm kiếm nhà đầu tư mới. Lúc này, John Russell Patrick chấp nhận đầu tư. Patrick đã đầu tư vòng hạt giống (seed stage) cho Athar với một con số không công bố, nhưng doanh nghiệp được định giá 1 triệu USD. Athar lần này thực sự thấy hài lòng.
Athar tin rằng Wifigen có rất nhiều tiềm năng để thay đổi cuộc chơi, vì công nghệ của anh tạo ra cách giao tiếp hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp và khách hàng, và cung cấp giá trị gia tăng cho cả hai. Số tiền đầu tư hạt giống sẽ giúp anh mở rộng quy mô cho startup của mình và quảng bá sản phẩm ở cả nội địa và quốc tế.