8 bài học khởi nghiệp từ phim "Người về từ sao Hỏa"

09/11/2015 08:47 AM |

Hãy chấp nhận rủi ro và biến nó trở thành cơ hội, nhưng cũng đừng đón nhận chúng một cách mù quáng mà nên học cách tính toán rủi ro.

Tùng Nguyễn - Sáng lập viên của công ty startup chuyên về giáo dục có tên Thư viện Bookaholic (Bookaholic Library) chia sẻ, tâm trạng của một người trẻ khởi nghiệp cũng giống như khi bạn bị cô lập trên một hành tinh lạ cùng nỗi cô đơn, mệt mỏi, cảm giác thiếu thốn mọi thứ, và quan trọng hơn hết là giấc mơ ngày nào đó sẽ trở về Trái Đất.

Đây cũng là những gì mà phi hành gia Mark Watney trong cuốn tiểu thuyết The Martian (Tạm dịch: Người về từ sao Hỏa) phải trải qua khi anh thực hiện nhiệm vụ tới sao Hỏa, bị mắc kẹt tại đây và tìm cách sống sót chờ tới ngày được trở về nhà.

Tác giả Tùng Nguyễn cho biết, Người về từ sao Hỏa có nhiều điểm tương đồng với những điều anh đã được học trong hơn hai năm rưỡi khởi nghiệp. Sau đây là 8 bài học anh rút ra từ quyển sách này:

1. Tập trung làm một việc cụ thể

Nhầm lẫn lớn nhất của nhiều người về "làm việc hiệu quả" chính là khả năng đa nhiệm.

Nếu bạn cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc thì đa phần sau cùng bạn sẽ quên một số điểm quan trọng hoặc tốn nhiều thời gian hơn dự tính, dẫn tới kết quả là không chỉ năng suất làm việc của cá nhân bị giảm sút mà hiệu quả công việc tổng thể của cả nhóm cũng bị ảnh hưởng.

Đồng thời, việc dàn trải thời gian, công sức cùng nguồn lực hạn chế vào nhiều dự án cũng khiến chất lượng công việc bị giảm xuống. Do đó, chỉ nên tập trung vào một hoặc hai việc trong một thời điểm và chuyển sang nhiệm vụ khác khi công việc hiện tại được hoàn tất.

2. Để mắt đến mọi thứ và cố gắng quản lý chi tiêu hiệu quả

Bài học này xuất phát từ việc Mark bắt đầu tính toán lại mọi thứ và xem xét những thứ từng sử dụng và sử dụng chúng vì lý do gì, bởi anh hy vọng có thế sống sót đến khi có ai đó trở lại sao Hỏa và cứu mình.


Mark vận dụng những kiến thức của bản thân và tận dụng từng thứ thiết bị mà đồng đội đã bỏ lại trên sao Hỏa. Nguồn: Phim The Martian.

Mark vận dụng những kiến thức của bản thân và tận dụng từng thứ thiết bị mà đồng đội đã bỏ lại trên sao Hỏa. Nguồn: Phim The Martian.

Điều này cũng giống như công việc kinh doanh của bạn. Sẽ có rất nhiều thứ bạn cần chi trả như đồ dùng văn phòng, hóa đơn tiền điện, hóa đơn internet và tiền xăng. Những thứ lặt vặt này nghe có vẻ tầm thường nhưng một khi chúng tăng lên, đó có thể là một số tiền khổng lồ đối với công ty.

Đừng chỉ vì một tính toán sai lầm mà khiến công ty phá sản.

3. Chấp nhận rủi ro và bước ra khỏi vùng an toàn

Doanh nghiệp của bạn chỉ có thể đạt được mục tiêu mong muốn khi bạn dám thực hiện những điều bản thân nghĩ là không thể. Hãy chấp nhận rủi ro và biến chúng trở thành cơ hội, nhưng cũng đừng đón nhận chúng một cách mù quáng mà nên học cách tính toán rủi ro.

Mark đã làm rất tốt điều này khi anh quyết định rời khỏi chỗ trú ẩn an toàn để đi đến nơi có thể gặp phi hành đoàn của mình cách đó 3.200 dặm.

May mắn cho Mark là anh đã đi nhanh hơn và gần hơn đến không gian nơi đồng nghiệp của mình có thể đón, nhưng bù lại, anh cũng có thể bỏ mạng tại đó nếu họ không tìm thấy anh hay thậm chí nếu NASA tính toán sai.

4. Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Khi bị thương và bị bỏ lại một mình trên một hành tinh không có sự sống, Mark đã trồng cây trên sao Hỏa - điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu anh chấp nhận từ bỏ hy vọng. Trong tiểu thuyết, Mark đã tạo ra một di sản khi mang về Trái Đất nhiều thông tin về sao Hỏa hơn bất kỳ cuộc thám hiểm nào trước kia của nhân loại.


Mark tìm cách tạo ra hệ thống thủy lợi để trồng khoai tây. Nguồn: Phim The Martian.

Mark tìm cách tạo ra hệ thống thủy lợi để trồng khoai tây. Nguồn: Phim The Martian.

Tuy nhiên, anh sẽ không thể tự mình về được nhà nếu không có sự giúp sức của tất cả những bộ óc giỏi nhất ở NASA, từ các nhà khoa học Trung Quốc, hay đồng nghiệp của mình.

Và số phận công ty của bạn cũng vậy. Dù bạn cảm thấy mình biết mọi thứ và có thể tự làm tốt mọi việc, có thể tạo ra những sản phẩm/dịch vụ chất lượng và trao tận tay đến cho khách hàng, nhưng nếu không có sự hợp tác và giúp đỡ từ những người khác thì rất có thể bạn phải tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức hơn để đạt được những gì mình muốn.

Càng nhiều người sẵn sàng giúp bạn làm nên điều khác biệt thì cơ hội thành công của bạn sẽ càng cao.

5. Luôn nhớ bạn mới là người chịu mọi trách nhiệm và đối mặt với khó khăn

Là người điều hành một công ty khởi nghiệp, bạn sẽ thường xuyên nhận được lời khuyên từ người khác. Nhưng bất kể điều đó là gì, bạn phải luôn nhớ trong đầu rằng họ chỉ đang đưa ra lời khuyên dựa trên quan điểm cá nhân. Nếu bạn lắng nghe và thành công, họ sẽ nhận được sự tôn trọng. Nhưng nếu bạn thất bại, họ cũng chẳng mất mát gì.

Bạn làm chủ công việc của mình do đó bạn cũng nên là người hiểu rõ điều gì tốt nhất trong mọi tình huống. Nếu không, hãy tiến hành khảo sát hoặc mời những chuyên gia có kinh nghiệm để tư vấn, đề xuất những kế hoạch đúng đắn để phát triển công ty.

6. Hiểu những gì đang làm và cố gắng làm tốt nhất có thể

Việc Mark sống sót được không phải chuyện ngẫu nhiên. Anh có mặt trên chuyến thám hiểm lên sao Hỏa của NASA chính bởi năng lực của mình. Anh sống sót được bởi anh là một nhà thực vật học, một kỹ sư. Và anh là người giỏi nhất trong cả hai lĩnh vực này.


Mark và các phi hành gia khác. Nguồn: Phim The Martian.

Mark và các phi hành gia khác. Nguồn: Phim The Martian.

Trong kinh doanh cũng vậy, khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và vật giá leo thang, bằng cách nào công ty vừa đủ sức cạnh tranh với đổi thủ nhưng vẫn làm ăn có lãi nếu như họ không đủ năng lực?

7. Tạo ra những sản phẩm tốt nhất

Khi là một khách hàng, tác giả cho biết mình chỉ muốn dùng những thứ có chất lượng tốt nhất và sẽ dễ nghi ngờ nếu có ai đó không nghĩ vậy.

Nếu bạn không tạo ra những sản phẩm tốt thì rất có khả năng khách hàng sẽ rời bỏ bạn mặc cho bạn dùng mọi cách thuyết phục họ mua sản phẩm của công ty. Bài học này đúng ở cả hai lĩnh vực: sản phẩmnhân sự.

Việc bạn không muốn làm việc với những người thiếu năng lực cũng giống như khách hàng không muốn mua những sản phẩm kém chất lượng.

8. Đừng ngại thử cái mới, đừng sợ thất bại và đừng bao giờ bỏ cuộc

Einstein từng nói: Điều điên rồ là việc bạn lặp đi lặp lại cùng một thứ nhưng lại hy vọng kết quả sẽ khác nhau. Vậy làm sao bạn có thể tạo ra sự khác biệt nếu không tiếp tục lặp lại những điều đã làm?

Bạn thay đổi bằng cách nào nếu những thứ cũ kỹ cứ níu chân bạn?

"Tôi không thất bại, tôi chỉ là đã tìm ra 1000 cách không hoạt động được” là cách mà nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison nói về hàng ngàn lần thử nghiệm thất bại để tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc trong bóng đèn.

Bạn cố gắng, bạn thất bại, bạn tự đứng dậy và tiếp tục thử lại. Quá trình đơn giản này sẽ giúp bạn có được cả kiến thức lẫn kinh nghiệm để giải quyết công việc.

Cho dù vấn đề là gì, hay cuộc sống khó khăn thế nào thì hãy vững tin và đừng từ bỏ hy vọng.

Nếu bạn vẫn đang trong cuộc chơi thì vẫn còn cơ hội cho bạn chiến thắng. Khoảnh khắc bạn quyết định bỏ cuộc cũng chính là lúc bạn thất bại.

Mark đã giành lại mạng sống bởi vì lý do đơn giản: anh không bỏ cuộc. Còn bạn thì sao?

VÂN THẢO (theo )

Cùng chuyên mục
XEM