Khác Malaysia, Ấn Độ, nhà bán lẻ Việt Nam hầu như không được bảo vệ
Nhà bán lẻ trong nước hầu như không được bảo vệ trong suốt thời gian qua trong khi một số nước châu Á hiện có chính sách bảo hộ nhà bán lẻ trong nước khá mạnh mẽ, ví dụ như Malaysia, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều, tiềm năng phát triển còn rất lớn và trong tương lai sẽ thay dần kênh bán lẻ truyền thống theo xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực.
Thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Bên cạnh nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt sớm và đang tăng tốc như Big C, Metro, Lotte Mart, nhà bán lẻ lớn thứ 4 của Pháp là SuperAuchan cũng đã hợp tác với RH Group, thành viên C.T Group thay thế S.Mart thành Simply Mart phát triển thêm siêu thị , dự kiến thêm 15 siêu thị tại TP.HCM trong khi phía Bắc đơn vị này cũng bắt tay với Tập đoàn Hoá dầu quân đội Mipec đặt mục tiêu 20 siêu thị đến 2020.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, gần đây xuất hiện xu thế các nhà bán lẻ nước ngoài rút lui nhường hệ thống cho các nhà bán lẻ nước ngoài khác có chính sách cạnh tranh thậm chí quyết liệt hơn để thâu tóm thị trường.
Cụ thể như Aeon (Nhật Bản) ngoài 3 trung tâm mua sắm lớn tự đầu tư đã mua thêm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart. Theo đó, các thương hiệu bán lẻ của Nhật tại Việt Nam gồm Aeon Mall, Aeon Citimart, Aeon Fivimart, Ministop, Family Mart với hàng loạt mặt hàng có xuất xứ từ Nhật nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế ưu đãi 0% vào tháng 4/2015.
Các thương hiệu bán lẻ của Thái Lan gồm Mega Market mua lại từ Metro Cash&Carry cũ, B’s Mart và Central Group đã và đang tận dụng cơ hội đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam.
“Xét về quy mô sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng Thái Lan, về chất lượng sản phẩm cũng thế. Về giá cả, hàng Thái Lan so với Hàn Quốc, Nhật Bản rẻ hơn, cạnh tranh hơn nên phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam cho hay.
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, thị phần của các nhà sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ điều này ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm khả năng và sản lượng sản xuất từ đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại. Hàng ngoại sẽ chi phối nền sản xuất trong nước.
Đáng lưu ý, Hiệp hội này cũng cho biết, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay khá lỏng lẻo điển hình như quy định ENT xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm chưa cụ thể và chưa phải là một khung ENT ở cấp độ toàn quốc.
“Mỗi tỉnh thành phố hướng dẫn áp dụng ENT một kiểu do vậy nhà bán lẻ trong nước hầu như không được bảo vệ trong suốt thời gian qua như tinh thần đàm phán WTO của Việt Nam dự tính”, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, một số nước châu Á có chính sách bảo hộ nhà bán lẻ trong nước khá mạnh mẽ như Malaysia yêu cầu tất cả các dạng đầu tư phải được chấp thuận của Uỷ ban chuyên trách của Bộ Thương mại , doanh nghiệp phải được sự đồng ý của Uỷ ban này trước khi thực hiện các bước đầu tư vào cơ sở hạ tầng đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa với tỷ lệ sở hữu tối đa là 70% đảm bảo 30% giá trị sản phẩm kinh doanh được cung cấp từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa.
Tương tự, Ấn Độ yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài phải lập liên doanh trong đó nước ngoài không chiếm quá 51% mức đầu tư tối thiểu 100 triệu USD, đảm bảo 30% giá trị sản phẩm kinh doanh được cung cấp từ các doanh nghiệp nhỏ nội địa , yêu cầu tối thiểu về dân số của thành phố mở điểm bán là 1 triệu dân, doanh nghiệp FDI bán lẻ dạng này không được kinh doanh online hoặc bán sỉ.