Giữa bão bán lẻ, Vingroup tung gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp nội

13/05/2016 13:56 PM | Kinh doanh

Mục tiêu của Vingroup trong gói giải pháp hỗ trợ là giúp doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc, tăng sản xuất và cạnh tranh ngang bằng với doanh nghiệp ngoại.

Theo đó, thông qua hệ thống mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử và trung tâm điện máy, Vingroup sẽ huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện 3 gói giải pháp tổng thể. Ngoài việc hỗ trợ thúc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, thúc đẩy sản xuất tiêu dùng nội địa, tập đoàn này còn trực tiếp tham gia sản xuất trong một số ngành hàng tiêu dùng.

Trước mắt, Vingroup sẽ áp dụng chính sách chiết khấu thương mại ưu đãi mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn. Riêng các mặt hàng tươi sống sạch sẽ được phân phối với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng một năm.

Thông qua VinMart và VinEco, tập đoàn này khẳng định sẽ bao tiêu trọn gói, tổ chức hệ thống phân phối và kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn và đa dạng với giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Vingroup sẽ dành nguồn lực để phục hồi, xây dựng lại hệ thống đặc sản Việt Nam.

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp khác, tập đoàn này cũng cho biết sẽ trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng ở các mũi nhọn, bao gồm sản xuất thực phẩm, đồ uống và sản phẩm gia dụng, nội thất.

Chính sách chiết khấu mới của các đơn vị bán lẻ thuộc Vingroup hoàn toàn trái ngược với động thái của Big C ngay sau khi ông lớn bán lẻ ngoại này thay chủ. Trước đó, trong công văn gửi hệ thống siêu thị Big C vào cuối tháng 4, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chuỗi siêu thị này đã đòi hỏi mức chiết khấu rất cao cho đợt ký kết hợp đồng mới, trung bình từ 17-25%, vượt ngưỡng có thể tồn tại của doanh nghiệp.

"Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn này nêu rõ.

Cũng theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản cũng phải chấp nhận tỷ lệ khoán “hàng hư hỏng 1%” do Big C đơn phương áp dụng.

Sự khác biệt về cách đối xử với các doanh nghiệp nội của Big C và Vingroup được chính Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp giải thích. Theo vị này, gói hỗ trợ là sự thể hiện Vingroup trân trọng nỗ lực của các nhà sản xuất Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu Hàng Việt chất lượng cao để cạnh tranh sòng phẳng và ngang hàng với các đối thủ ngoại.

“Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Nhưng với quan niệm thách thức luôn mang đến cơ hội, Vingroup cho rằng áp lực cạnh tranh chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt chủ động hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm”, vị này nêu rõ.

Hạ Minh

Cùng chuyên mục
XEM