Hiện tượng lạ cho thấy Alibaba, Tencent đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc: Người dân chê tiền mặt, chỉ thích thanh toán bằng WeChat, Alipay!
Một hiện tượng kinh tế ‘táo bạo’ đang xảy ra ở Trung Quốc. Nó không liên quan đến nợ nần, chi tiêu cơ sở hạ tầng hay các chủ đề kinh tế lớn nào ngày nay, mà nó liên quan đến tiền mặt. Đó là cách Trung Quốc đang từng bước loại bỏ tiền giấy và tiền xu nhanh chóng và có hệ thống.
Hầu hết tất cả mọi người ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang sử dụng một chiếc điện thoại thông minh để thanh toàn cho gần như tất cả mọi thứ. Ở các nhà hàng, một người bồi bàn sẽ hỏi bạn có muốn sử dụng WeChat và Alipay – 2 lựa chọn thanh toán trên điện thoại – trước khi đề cập đến tiền mặt như một hình thức trả tiền thứ ba.
Quá trình chuyển tiếp diễn ra một cách nhanh chóng. Chỉ 3 năm trước không có chuyện gì xảy ra cả, mọi người vẫn còn sử dụng tiền mặt.
Richard Lim, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm GSR Ventures, cho biết: “Từ quan điểm kỹ thuật, đây có lẽ là một trong những đổi mới quan trọng nhất xảy ra đầu tiên tại Trung Quốc.”
Một khách hàng quét mã QR để trả bữa sáng sử dụng WeChat, một ứng dụng nhắn tin đã trở nên thiết yếu trong đời sống hằng ngày.
Thanh toán qua smartphone đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc
Đến từ một nước khác, người viết khó có thể tưởng tượng được rằng trong khi Facebook, Google bị chặn hoàn toàn thì ứng dụng WeChat quan trọng như thế nào đối với đời sống thường nhật cho đến khi người thứ 6 trong ngày yêu cầu quét mã QR của bạn – một loại mã vạch – để kết nối điện thoại 2 người.
Thanh toán qua điện thoại thông minh đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc. Theo số liệu của công ty tư vấn iResearch, vào năm 2016, thanh toán qua điện thoại của Trung Quốc đạt 5,5 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 50 lần con số 112 tỷ USD ở thị trường Mỹ.
Tài xế sử dụng Alipay để quét mã QR trả cho một chuyến taxi
Mặc dù vậy, sự thay đổi về văn hóa chỉ có thể được cảm nhận trực tiếp. Sự thay đổi này đặc biệt sâu sắc ở Thượng Hải. Giả sử, bạn không thể kết nối tài khoản ngân hàng với WeChat, chiếc ví ảo cho rất nhiều người và bạn phải đi lại trong thành phố này sử dụng một tập tiền 100 Nhân dân tệ, thì những việc này sẽ xảy ra với bạn.
Tại các cửa hàng cà phê và nhà hàng, bạn sẽ làm mọi người xếp sau phải chờ đợi khi mò mẫm ví và rút những tờ tiền để thanh toán cho người thu ngân. Nếu bạn đói, bạn sẽ phải ra ngoài tìm một nhà hàng, trong khi những đồng nghiệp của bạn có thể mua những bát mỳ, đồ tạp hóa và cà phê thông qua việc trả tiền trên điện thoại. Nếu bạn phải đi đâu đó, bạn không thể mở khóa một trong những chiếc xe đạp được sử dụng phổ biến nằm trong cơn sốt xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc.
Ngay cả những người hát rong cũng hiện đại hơn bạn. Những nhạc sĩ đường phố ở một số thành phố của Trung Quốc dựng những tấm bảng với mã QR để người qua đường có thể chuyển tiền típ trực tiếp cho họ.
Shiv Putcha, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cho biết: “Nó đã trở thành một phần mặc định của cuộc sống. Mỗi doanh nghiệp và thương hiệu ở Trung Quốc đã tham gia vào hệ sinh thái này.”
Trung tâm mua sắm IAPM ở trung tâm Thượng Hải
Tiềm năng lớn của thanh toán di động
Một số quốc gia Scandinavia cũng đã loại bỏ tiền mặt nhưng vẫn thường xuyên sử dụng thẻ. Ở Trung Quốc, thay đổi lại đến từ những chiếc điện thoại. Điều này có nghĩa là Tencent và công ty con của Alibaba về mảng tài chính, Ant Financial, 2 công ty internet Trung Quốc đứng sau WeChat và Alipay đang ngồi trên một mỏ vàng khổng lồ.
Cả 2 công ty đều có thể kiếm tiền từ các giao dịch, tính phí các công ty khác đang sử dụng nền tảng thanh toán của họ cùng lúc đó thu thập thông tin thanh toán của khách hàng để sử dụng cho quảng cáo.
Ông Lim cho biết theo các số liệu gần đây, Ant Financial và Tencent sẽ vượt qua các công ty tín dụng như Visa và Mastercard về tổng số giao dịch/ngày trong năm tới. Nguyên nhân chính là do 2 công ty có thể cung cấp phương thức thanh toán giá rẻ. Chúng cho phép những người làm ăn nhỏ chỉ cần sử dụng một bản in đơn giản của mã QR hoặc điện thoại thay vì một chiếc máy đọc thẻ tốn kém. Một hệ thống tầng sau lưu lại lịch sử thanh toán của người dùng thay vì phải liên hệ với ngân hàng, điều này cũng giúp giảm chi phí.
Du Tencent không công khai khoản tiền công ty này kiếm được từ thanh toán di động. Trong báo cáo doanh thu quý 4 năm 2016, lợi nhuận từ mục “dịch vụ khác” của Tencent đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái đạt 6,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, hay 940 triệu USD, hầu hết là nhờ thanh toán di động.
Khách hàng xếp hàng tại mà cửa hàng bán thức ăn tại Thượng Hải có hỗ trợ WeChat và Alipay
Và những thách thức
Việc hoàn toàn chào đón thanh toán di động của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số vấn đề tiềm năng trong tương lai.
Khi quốc gia xây dựng một nền kinh tế tiêu dùng xoay quanh 2 nền tảng thanh toán điện thoại thông minh tư nhân, nó đang dần dần ‘đóng cửa’ với những người không tiếp cận được những mạng lưới này, và phụ thuộc nền kinh tế vào những công ty này.
Ở cấp độ đơn giản nhất, nó khiến cuộc sống của những khách du lịch và những người đi công tác trở nên khó khăn khi họ khó có thể mở một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc, do đó khó có thể biến những chiếc điện thoại trở thành những chiếc ví ảo.
Nói rộng hơn, những doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Những công ty nước ngoài muốn bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc phải hợp tác với Alibaba và Tencent hoặc phải đối mặt với nguy cơ không nhận được tiền. Tương tự, các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào Alibaba và Tencent phải xây dựng những bộ phận riêng biệt để làm việc với một thế giới bên ngoài vẫn được chiếm ưu thế bởi Facebook, Google và thẻ tín dụng.
Alibaba và Tencent đang đẩy mạnh việc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc để đảm bảo dịch vụ “đẻ trứng vàng” của họ không bị biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, khả năng về một sự cạnh tranh là chưa thực sự rõ ràng.
Ông Lim nói: “Câu hỏi triệu đô là liệu các công ty phương Tây có quyết định xây dựng một hệ thống và cạnh tranh hay không? Câu trả lời có lẽ là CÓ.”