Ứng dụng cho thuê người yêu nở rộ ở Trung Quốc: Áp lực gia đình đè nặng lên vai "gái ế"
Khi những chàng trai, cô gái không tìm được người yêu để đưa về ra mắt bố mẹ, họ chỉ có một giải pháp duy nhất để làm vừa lòng phụ huynh là lên mạng thuê tạm người yêu, giống như câu chuyện của anh chàng Wang và bạn gái thuê trên mạng, Zhao Yuqing.
Mới đây, một nữ blogger sống tại Trung Quốc, người từng được "thuê" đóng giả bạn gái của một chàng trai trong dịp năm mới, đã có những chia sẻ về áp lực lên kết hôn của các bậc phụ huynh lên thế hệ trẻ.
Cô tân cử nhân ngành luật Zhao Yuqing cho biết ý tưởng về những website hay ứng dụng điện thoại cho thuê bạn gái hay bạn trai khiến cô thấy vô cùng hứng thú. Đó là nơi mà bạn có thể "thuê" người yêu để đưa về ra mắt gia đình, họ hàng trong dịp năm mới. Cũng như nhiều nước châu Á khác, người Trung Quốc cũng rất coi trọng hôn nhân của con cái. Chính vì vậy, trong dịp năm mới khi cả nhà có dịp đoàn tụ, ai cũng mong con cái mình đưa người yêu về giới thiệu.
Các ứng dụng cho thuê người yêu rất phổ biến tại Trung Quốc.
Chẳng còn cách nào khác, nhiều người phải chọn giải pháp thuê bạn trai, bạn gái giả thông qua các ứng dụng hẹn hò hay websites.
Thông thường, những chàng trai/cô gái trẻ có học thức và vẻ bề ngoài có "giá" khoảng từ 436 USD (khoảng 9 triệu đồng) cho đến 1,453 USD (gần 30 triệu)/ngày trong dịp nghỉ lễ cao điểm tại Trung Quốc.
Không hôn
Trong phần giới thiệu trên mạng của mình, Zhao cho biết cô muốn trải nghiệm cảm giác được về nhà một ai đó trong dịp lễ hội. Vì vậy, cô chỉ yêu cầu họ trả tiền đi lại chứ không yêu cầu gì thêm.
Trong số 700 người phản hồi, Zhao đã chọn anh Wang Quanming, một nhân viên điều hành website độ tuổi khoảng đầu 30, đến từ vùng nông thôn nam Trung Quốc.
"Gia đình bắt anh ấy phải cưới vợ và anh ấy cần thuê một cô bạn gái", Zhao chia sẻ. Chuyến đi của cô về quê của anh chàng còn có sự đồng hành của một nhiếp ảnh gia.
Bữa cơm của Zhao, anh Wang và mẹ anh tại quê nhà.
Trước chuyến đi về quê của anh chàng từ hồi đầu tháng một tới vùng nông thôn tỉnh Phúc Kiến, hai người đã lên kế hoạch những gì họ cần nói và chuẩn bị về mối quan hệ yêu xa này. Thông tin phải thật khớp và chính xác để cha mẹ và họ hàng không có gì nghi ngờ.
Theo cam kết, 2 người sẽ không hôn nhau, không ngủ cùng nhau hay uống rượu. Tuy nhiên, Zhang cũng sẽ phụ một tay với các công việc trong gia đình. Zhao và Wang đã ký một bản cam kết trên giấy trước chuyến đi.
Khi 2 người tới nhà, mẹ của Wang, Nong Xiurong, cố gắng để khiến Zhao cảm thấy vui vẻ, thoải mái như ở nhà mình. Bà rất tôn trọng yêu cầu của con mình và không hỏi quá nhiều về chuyện tình cảm. Sau chuyến đi, Zhao trở lại Bắc Kinh và có chia sẻ câu chuyện của mình trên Wechat. Cô cho biết mình đã có một kỷ niệm đẹp tuyệt vời tại nhà của Wang.
"Tôi không giận dữ"
Wang cho biết anh không muốn tiếp tục sự dối tra này nữa. Chàng trai sợ rằng nếu càng nói dối, tình hình sẽ càng trở nên tệ hơn với mẹ anh. Wang đã gửi blog của Zhao cho mẹ mình. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, mẹ của Wang cho biết bà không khó chịu vì những gì xảy ra. Trái lại, bà cảm thấy rất cảm kích khi đọc blog của Zhao.
"Ban đầu, tôi không hề biết rằng chúng nói dối tôi", bà nói. "Tôi đã ngoài 50 rồi. Tôi không hiểu bọn trẻ đang nghĩ gì nữa, nhưng tôi không giận dữ".
Zhao đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, còn anh Wang quyết định sẽ nói thật với mẹ.
Tuy nhiên, Nong nói rằng bà vẫn lo lắng về việc tìm cho con trai mình một người bạn đời.
"Mẹ tôi chỉ mong mỏi tôi có thể cưới vợ sớm, chừng nào bà còn sống", Wang chia sẻ.
Với Zhao, câu chuyện mà cô đã trải qua khiến cô nghĩ về áp lực hôn nhân đè nặng lên giới trẻ Trung Quốc, nơi truyền thống vẫn ăn sâu vào cuộc sống của người dân vùng nông thôn.
"Những người sống tại nông thôn, họ bị áp lực phải cưới. Tuy vậy, tìm được một nửa hợp với mình không phải điều dễ dàng".