Hãng tàu ngoại phá sản, hàng Việt lênh đênh

21/09/2016 16:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Hãng tàu Hàn Quốc Hanjin phá sản, hàng ngàn container đã về sát cảng của VN nhưng không vào, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ mất trắng... Nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tìm giải pháp...

Theo lịch trình, tàu Hanjin Chennai đã đến cảng biển TP.HCM ngày 2-9, song tới nay tàu vẫn đang lênh đênh đâu đó trên biển. Trên tàu chở 833 container nhập khẩu vào VN, trong đó 733 container có hàng. Doanh nghiệp mòn mỏi đợi và vẫn chưa biết bao giờ mới lấy được hàng.

Cục Hàng hải cho biết rất nhiều tàu của Hanjin đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia rơi vào tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa, vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu bởi không biết ai sẽ thanh toán các phí dịch vụ .

Trong khi đó, bản thân Hanjin cũng yêu cầu các tàu của mình không làm thủ tục nhập vào các cảng do sợ bị bắt giữ, trừ nợ.

Hàng ngàn container chưa thể vào bờ

Giám đốc một công ty nhựa tại TP.HCM có lô hàng trên chuyến tàu đáng lẽ cập bến ngày 1-9 cho biết lô hàng hạt nhựa trị giá gần 4,7 tỉ đồng được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, đến nay vẫn bặt vô âm tín.

“Thiệt hại vẫn chờ bên phía người bán xác định nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoàn toàn bị xáo trộn, bây giờ chúng tôi phải nhập nguyên liệu mới để bổ sung” - ông này cho biết.

Trưởng phòng thủ tục hải quan của một đại lý vận tải ở TP.HCM cũng cho biết hiện đang vướng hàng chục tờ khai các lô hàng trên tàu Hanjin của rất nhiều doanh nghiệp VN. “Theo quy định, sau 15 ngày tờ khai hết hạn, chúng tôi không biết xử lý thế nào” - ông này cho biết.

Theo bà Đặng Minh Phương - giám đốc MP Logistics, sự việc xảy ra đúng thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu vào mùa chuẩn bị hàng cho Lễ tạ ơn và Noel, Tết dương lịch ở các thị trường châu Mỹ, châu Âu... nên doanh nghiệp VN bị ảnh hưởng khá nhiều, đó là chưa kể cước vận chuyển cũng sẽ tăng do hụt nguồn cung ngắn hạn.

Tại Hải Phòng, anh N.T.P. - giám đốc doanh nghiệp chuyên nhập khẩu linh phụ kiện máy tính từ Trung Quốc để lắp ráp, sản xuất trong nước - cho hay theo đúng lịch trình thì ngày 2-9 container hàng anh đặt sẽ cập cảng tại Hải Phòng. Thế nhưng trước thông tin Hanjin phá sản, nhà cung ứng dịch vụ vận tải trung gian đã “xin” hai tuần để giải quyết.

“Đến giờ tôi cũng không biết hàng đang ở đâu, vì bên hãng chỉ thông báo hàng đang neo ở ngoài và muốn chờ tòa án thông báo (về việc Hanjin phá sản - PV) để làm thủ tục cập bờ. Chúng tôi có nhờ xem vị trí hàng, nhưng hệ thống mạng vận chuyển không kiểm tra được vì không hoạt động nữa” - vị doanh nhân này lo lắng.

Theo anh P., sự cố này đã khiến công ty bị mất một lượng không nhỏ hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Một số đối tác đã chuyển sang đơn vị cung cấp khác.

Theo nhận định của Cục Hàng hải VN, hiện Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của VN. Các ngành có hàng hóa vận chuyển qua Hanjin nhiều là những ngành xuất khẩu quan trọng của VN như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng thủy hải sản...

Nợ doanh nghiệp Việt hàng triệu USD

Trên 3.000 container của VN bị ách tắc

Theo báo cáo của Hãng tàu Hanjin VN, tính đến ngày 6-9 có khoảng 3.000 container hàng hóa của VN chưa thể về nước hoặc chưa thể hoàn thành việc xuất khẩu.

Trong đó có 1.516 container dự kiến nhập khẩu đang phải nằm chờ ở cảng các nước xuất khẩu, 432 container nhập khẩu “tắc” ở kho của khách hàng bên bán và 1.323 container xuất khẩu vẫn đang ở các cảng trung chuyển hoặc trên tàu của Hãng Hanjin chưa cập bến.

N.BÌNH

Không chỉ mắc kẹt hàng trên các con tàu của Hanjin, doanh nghiệp VN còn vướng phải công nợ lớn với hãng tàu Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Tân Cảng Sài Gòn, Hanjin hiện còn nợ đơn vị này khoảng 50 tỉ đồng. Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (cảng VICT) cho biết Hanjin đang nợ khoảng 80.000 USD. Hai cảng này đã yêu cầu khi khách hàng đến nhận hàng phải sử dụng dịch vụ cảng hoặc đặt cọc trong trường hợp lấy container ra khỏi cảng.

Báo cáo của doanh nghiệp đối tác với Hãng tàu Hanjin gửi Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho thấy Hanjin đang có khoản nợ khá lớn đối với tiền lưu kho bãi, xếp dỡ sửa chữa container... Như Hanjin nợ Công ty CP Cảng Hải Phòng hơn 67.000 USD, Công ty CP cảng Nam Hải hơn 1,5 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ 2 tỉ đồng... Công ty TNHH MTV Giao nhận vận tải thương mại Sài Gòn làm đại lý cho Hanjin cũng đang bị hãng này nợ tiền thanh toán phí hải quan, biên phòng và cảng vụ...

Vẫn đang tìm giải pháp

Ông Bùi Thiên Thu, cục phó Cục Hàng Hải, cho biết ngày 15-9, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc Hãng tàu Hanjin xin phá sản.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về ý kiến của Phó thủ tướng, Cục Hàng hải đã có văn bản đề nghị các cảng vụ bố trí quy trình và phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng, thuận lợi; thành lập đường dây nóng tại các cảng vụ hàng hải để tiếp nhận, cập nhật thông tin, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Cục Hàng hải cho biết hàng hóa do phương tiện chuyên chở hoặc hàng hóa bên trong thiết bị của hãng vận tải thường không thuộc đối tượng cầm giữ, vì vậy Cục Hàng hải cũng khuyến khích các đại lý hãng tàu, chủ hàng có thể tìm giải pháp để rút ruột, bốc dỡ hàng hóa ra khỏi phương tiện của hãng vận tải bị cầm giữ.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - nói bộ này đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, làm việc với cảng vụ để hỗ trợ tối đa việc giải phóng hàng từ Hanjin để chuyển sang container hãng khác.

Tuy nhiên, ông Hải công nhận với các container hàng hóa đang lênh đênh trên biển là “đáng lo ngại vì tàu của Hanjin không cập cảng”. Bộ Công thương đang yêu cầu làm việc trực tiếp với văn phòng đại diện của Hanjin tại VN để nắm tình hình.

Đồng thời, ông Hải cho biết Bộ Công thương đã chỉ đạo thương vụ VN ở Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ việc phá sản của Hanjin, từ đó có cơ chế phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN.

“Chúng tôi vẫn chủ động triển khai các giải pháp, nhưng hiện nay vẫn chưa có thông tin mới. Chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc này cũng mới đưa ra, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan sẽ thông tin sớm đến doanh nghiệp” - ông Hải nói.

Ông Bùi Thiên Thu nêu Cục Hàng hải đang dự kiến phối hợp với Bộ Công thương tổ chức cuộc làm việc với các đơn vị liên quan để chuẩn bị những giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp VN do Hanjin xin phá sản...

12 tỉ USD hàng hóa bị kẹt

Theo Wall Street Journal, ngày 19-9 tòa án Hàn Quốc yêu cầu Hanjin phải trả các tàu họ thuê, bán bớt càng nhiều càng tốt tàu. Động thái cho thấy Hanjin có thể sẽ được cơ cấu lại thành một công ty nhỏ hoặc bị thanh lý, đóng cửa.

Trước đó ngày 16-9, Hanjin đã nộp đơn xin cơ chế bảo hộ phá sản tại các tòa ở Mỹ và Seoul. Ngày 19-9, người phát ngôn của Hanjin Min Park nêu gần 1/3 số tàu của Hanjin từng ở trong tình trạng chờ đợi đã được bốc dỡ hàng, nhưng 34 tàu vẫn đang mắc kẹt ngoài biển và 35 tàu đang trên đường trở về Hàn Quốc.

Không chỉ ở VN, theo các chuyên gia môi giới, tới nay vẫn còn khoảng 12 tỉ USD hàng hóa Hanjin nhận vận chuyển lênh đênh trên biển.

D.KIM THOA

Theo N.BÌNH - T.PHÙNG - NGỌC AN

Cùng chuyên mục
XEM