Cú sốc sụp đổ của đại gia vận tải biển Hanjin sẽ tác động thế nào đến xuất khẩu Hàn Quốc?
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang rất cố gắng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vụ phá sản bằng việc bơm tiền cho Hanjin và đồng thời hỗ trợ để các chủ nợ không bắt tàu của Hanjin.
Là một trong những nước đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu của thế giới, xuất khẩu đóng góp đến hơn 50% GDP Hàn Quốc. Những năm gần đây, xuất khẩu Hàn Quốc gặp khó khi đồng won tăng giá so với đồng yên tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Cùng lúc đó, việc Trung Quốc không ngừng cố gắng hạ giá đồng nhân dân tệ cũng gây ra không ít khó khăn cho xuất khẩu của Hàn Quốc. Trước đây, hàng điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc vào Trung Quốc. Những năm gần đây, sự lớn mạnh của ngành sản xuất điện thoại di động Trung Quốc đã khiến người Trung Quốc không còn mặn mà với hàng Hàn Quốc nữa.
Cho đến nay, truyền thông thế giới chỉ mải để ý đến việc giá dầu thấp tác động tiêu cực đến các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông mà dường như quên mất rằng các sản phẩm dầu mỏ cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc. So với mức đỉnh hơn 100 USD cách đây 2 năm, giá dầu hiện chỉ bằng chưa đến nửa và cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ sớm hồi phục.
Tình hình sụt giảm của xuất khẩu Hàn Quốc đã trở nên đáng báo động. Chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng HSBC, ông Federic Neuman, khẳng định sự sụt giảm của xuất khẩu Hàn Quốc khá tồi tệ trong thời gian gần đây sẽ không chỉ tác động đến nước này mà còn ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu chúng của toàn thế giới.
Theo lý giải của ông, chủ yếu Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm cần đến công nghệ cao với nguồn phụ tùng, linh kiện đến từ nhiều nước khác trong khu vực. Tác động dây chuyền sẽ đến từ mối liên kết chặt chẽ đó. Đến năm 2015, xuất khẩu Hàn Quốc tưởng như đã hồi phục nhẹ thì lại đối đầu với cú sốc mới.
Sự phục hồi của xuất khẩu Hàn Quốc được cho là sẽ phải đối diện với không ít thách thức do những hậu quả từ vụ phá sản của hãng vận tải biển Hanjin. Hanjin đã nộp đơn xin phá sản tại tòa án ở Seoul và Mỹ trong thời gian gần đây.
Đại diện của Hanjin cho biết khoảng 68 chiếc tàu lớn của hãng với rất nhiều hàng hóa các loại hiện vẫn đang lênh đênh ngoài biển. Những chiếc tàu này đã không thể hoạt động từ Chủ nhật tuần vừa rồi bởi nhà quản lý hàng loạt các cảng biển trên thế giới từ chối tiếp nhận tàu của Hanjin. Họ lo sợ sẽ không được thanh toán tiền. Nhiều nhà cung cấp của Hanjin đồng thời từ chối tiếp thêm nhiên liệu cho tàu Hanjin.
Theo nhận định của giới phân tích, xuất khẩu của Hàn Quốc chắc chắn chịu nhiều tác động tiêu cực khi Hanjin không thể vận chuyển được lượng hàng hóa Hàn Quốc cực lớn trên các con tàu của mình. Số liệu từ Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cho thấy tính đến cuối năm 2015, Hanjin chiếm 6,6% thị phần trong ngành vận tải biển Hàn Quốc.
Suốt từ tháng 12/2014 cho đến nay, tức là trong 20 tháng, xuất khẩu của Hàn Quốc liên tục sụt giảm. Tháng 8/2016, lần đầu tiên sau nhiều tháng, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc tăng 2,6% lên 40,1 tỷ USD.
“Khi hoạt động của Hanjin tê liệt, xuất khẩu Hàn Quốc chắc chắn chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong ngắn hạn, chắc chắn chính phủ Hàn Quốc và các nhà xuất khẩu sẽ không dễ để tìm ra nhà vận tải thay thế cho khối lượng hàng hóa lớn khủng khiếp như vậy”, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty chứng khoán Kyobo, ông Lim Dong-min, dự báo. Cho đến trước khi phá sản, Hanjin từng nhiều năm là tập đoàn vận tải tàu container lớn thứ 7 trên thế giới.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang rất cố gắng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vụ phá sản bằng việc bơm tiền cho Hanjin và đồng thời hỗ trợ để các chủ nợ không bắt tàu của Hanjin. Hanjin cho biết hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại hàng chục nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, để bảo vệ tài sản.
Cùng lúc đó, Bộ Hàng hải Hàn Quốc cũng đã triển khai gửi 13 tàu của hãng đối thủ Hyundai Merchant Marine (HMM), trong đó 4 tàu chạy thẳng về hướng Mỹ và 9 tàu chạy đến các vùng biển châu Âu, để giúp bốc dỡ hàng hóa mang đến các địa điểm đã ký hợp đồng nhận hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.
HMM hiện là hãng vận tải container lớn thứ 2 tại Hàn Quốc với 65 tàu container và khối lượng vận chuyển tương đương 447 nghìn TEU. Thời gian gần đây, hãng cũng đã đối diện với một số khó khăn tài chính nhất định, tuy nhiên hãng đã vượt qua được khoảng thời gian khủng khoảng khi mà các chủ nợ đồng ý gia hạn thời gian trả nợ.
Hiện tại ở Hàn Quốc có một số công ty vận tải container khác quy mô nhỏ hơn như Korea Marine Transport hay Pan Ocean, tuy nhiên không hãng nào có thể nhanh chóng tăng được công năng vận chuyển nhằm bù đắp cho sự thiếu vắng của Hanjin, đại diện Bộ Hàng hải Hàn Quốc nhận xét.
Còn giới phân tích tin rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đang đối diện với nhiều sức ép nới lỏng chính sách tiền tệ bởi xuất khẩu sẽ có thể lại giảm sâu. Thứ Sáu tuần này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ có cuộc họp bàn về chính sách.
“Chúng tôi nhận định rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ phải hạ lãi suất cơ bản đồng Won trong thời gian tới, dù họ không muốn thế. Đơn giản là bởi khi nhu cầu nội địa yếu, tác động tích cực từ các gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm bớt khiến nhu cầu hàng hóa Hàn Quốc đi xuống, thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng yếu, chắc chắn chính phủ sẽ phải hành động”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng BNP Paribas, ông Mark Walton, nhận định.
Hiện tại, lãi suất cơ bản đồng Won Hàn Quốc là 1,25%, Hàn Quốc hạ lãi suất lần gần nhất vào tháng 6/2016.