Hanjin vỡ nợ và hàng chục tỉ đô la tiền hàng đang kẹt trên những container giữa biển khơi

06/09/2016 09:51 AM | Kinh tế vĩ mô

Tính đến ngày 5/9, có khoảng 79 tàu chở hàng của Hanjin đã bị niêm phong tại các cảng biển. Công ty này có tổng cộng khoảng 141 tàu chở hàng với 128 chiếc đang hoạt động.

Tập đoàn Hanjin là một trong những công ty gia đình trị lớn (Chaebol) ở Hàn Quốc vời mảng vận tải biển (HanJin Sjipping) và hàng không (Korean Air).

Doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động kinh doanh từ cuối thế chiến thế giới lần thứ 2 và khách hàng chủ yếu của hãng là quân đội Mỹ khi chuyên phụ trách chuyên trở hậu cần.

Sau nhiều năm phát triển, công ty này dần trở thành hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới với 2,9% tổng khối lượng vận tải biển khả dụng trên toàn cầu và chiêm 8% khối lượng giao thương của thị trường Mỹ với vùng biển Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự suy giảm nhu cầu trong vận tải biển cùng những khoản nợ khổng lồ khiến doanh nghiệp này mới buộc phải nộp đơn phá sản, qua đó khiến các cảng biển và doanh nghiệp bán lẻ bối rối trong khi các khách hàng không biết những sản phẩm của họ trên những con tàu của Hanjin có đến tay họ được hay không.

Trong khoảng 2011-2014, mảng kinh doanh tàu biển (Hanjin Shipping) của tập đoàn Hanjin đã liên tục báo lỗ và buộc công ty này phải thực hiện tài cơ cấu theo yêu cầu của chủ nợ từ tháng 5/2016.

Thậm chí, chính quyền Seoul đã đề nghị đối thủ chính của Hanjin là Huyndai Merchant Marine mua lại các tài sản đáng giá của công ty nhưng hãng này đã từ chối. Nguyên nhân rất đơn giản, chính Huyndai Merchant cũng vừa mới khôi phục lại từ chương trình tái cơ cấu của chủ nợ và hãng không muốn dính thêm rắc rối.

Vào ngày 31/8 vừa qua, Hanjin đã nộp đơn phá sản và ngừng nhận các đơn hàng mới sau khi ngân hàng quốc doanh phát triển Hàn Quốc (KDB) bất ngờ ngừng chương trình cho vay hỗ trợ 896 triệu USD với công ty.

Phía ngân hàng KDB cho biết khoản tiền cho vay hỗ trợ này không hiệu quả khi Hanjin đã có khoản nợ lên tới 5,5 tỷ USD tính cuối tháng 6/2016.

Theo quy định, các tàu chở hàng không được phép nhận thêm container hay dỡ chúng xuống bởi tài sản của Hanjin đã bị đóng băng và không thể đảm bảo thanh toán các khoản phí dỡ hàng cũng như chuyên chở, neo đậu.

Đã có một vài báo cáo cho thấy các tàu chở hàng của công ty này đã bị niêm phong ở các cảng biển Trung Quốc do yêu cầu từ các chủ nợ. Thêm vào đó, nhiều cảng biển cũng bắt đầu chặn các tàu chờ hàng của Hanjin trước thông tin công ty này phá sản như Tây Ban Nha, Valencia, Savannah, Singapore...

Trước tình hình đó, hãng Hanjin cho biết sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm hạn chế tình trạng niêm phong các tàu chở hàng hiện nay tại nhiều cảng biển.

Tính đến ngày 5/9, có khoảng 79 tàu chở hàng của Hanjin đã bị niêm phong tại các cảng biển. Công ty này có tổng cộng khoảng 141 tàu chở hàng với 128 chiếc đang hoạt động.

Theo thông tin mới nhất, ít nhất 3 công ty Mỹ đã kiện Hanjin và yêu cầu niêm phong cũng như đóng băng các tài sản khác của hãng này với lý do quá hạn thanh toán.

Những diễn biến trên đang khiến cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng như khách hàng của Hanjin phải lo lắng khi hàng triệu USD tiền hàng đang bị kẹt trên tàu chở hàng, tại các cảng biển, các nhà kho... Đặc biệt, vụ việc diễn ra trong mùa cao điểm của ngành vận tải biển khi các công ty chuẩn bị cho đợt nghỉ lễ cuối năm.

Một số công ty vận tải biển khác cũng đã được thuê để giúp khách hàng của Hanjin giải phóng số hàng đang bị kẹt, tuy nhiên điều này khó giải quyết được vấn đề khi hầu hết các tàu hàng hiện nay đã đầy do vào mùa cao điểm. Hơn nữa, những tàu hàng đã bị niêm phong của Hanjin tại các cảng cũng không thể dỡ hàng cho tàu khác.

Đối thủ của Hanjin là Huyndai Merchant Marine hiện đang đàm phán với các khách hàng như Smasung Electronics hay LG Electronics nhằm vận tải thay những container đang bị kẹt với Hanjin.

Ngay sau thông tin trên, giá vận chuyển của một số tuyến đường biển đã tăng mạnh. Giá vận tải một container 40ft từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 50% chỉ trong 1 ngày.

Theo nhiều luật sư, việc Hanjin có thể mở niêm phong những tàu chở hàng của mình hay không hiện nay tùy thuộc hoàn toàn vào phán quyết của tòa án.

Tổ chức KITA cho biết các tàu chở hàng của Hanjin hiện đang chuyên chở khoảng 16 nghìn tỷ Won (14,5 tỷ USD) giá trị tiền hàng cho khoảng 8.300 khách hàng, đồng thời doanh nghiệp này cũng quá hạn thanh toán khoản chi phí 610 tỷ Won.

Hanjin đã nộp đơn bảo hộ phá sản lên tòa án tại New Jersey-Mỹ và hiện đang có kế hoạch thực hiện các bước tương tự tại 10 quốc gia khác trong tuần này với 43 tòa án nữa.

Phía đại diện của Hanjin cho biết nhiều cảng biển hiện nay yêu cầu công ty thanh toán chi phí mới chấp nhận tiếp tục cung cấp các dịch vụ như neo đậu hay dỡ hàng cho các tàu chở hàng của hãng.

Hãng tin Reuters cũng thông báo rằng chủ nợ KDB của Hanjin đã có cuộc họp với công ty nhằm tìm hướng thanh toán các khoản chi phí để tàu chở hàng có thể vào bến cảng mà không bị niêm phong nhưng vẫn chưa đi đến kết quả nào.

Trong khi đó, hãng luật Thomas Cooper nhận định do Hàn Quốc đã ký hiệp định Model Law với Anh, Mỹ, Nam Phi và Australia nên tàu của Hanjin có khả năng sẽ được dỡ niêm phong tại những khu vực này. Tuy nhiên, với những nước chưa ký Model Law với Hàn Quốc như Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Singapore thì vấn đề có lẽ sẽ trở nên phức tạp hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM