Hanjin chính là ‘Anh em Lehman’ của ngành vận tải biển

14/09/2016 08:13 AM | Kinh doanh

Giám đốc điều hành Gerry Wang của công ty Seaspan Corp. nhận định rằng sự sụp đổ của công ty vận tải lớn nhất Hàn Quốc - Hanjin Shipping Co. – có nhiều sự tương đồng với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers Holdings Inc. (Mỹ) vào năm 2008.

Và cũng giống như những gì Lehman gây ra cho lĩnh vực ngân hàng, Hanjin đã có những tác động lớn tới ngành công nghiệp vận tải biển.

Seaspan có trụ sở tại Hồng Kông và là nhà cung cấp dịch vụ thuê tàu hàng đầu thế giới. Sau khi có 3 chuyến tàu bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Hanjin, công ty này đã đánh giá tất cả các lựa chọn và kiểm tra các rủi ro hệ thống do sự kiện này gây ra.

Hồi tháng 6, ông Wang cho biết Seaspan đã từ chối các yêu cầu giảm lãi suất điều lệ. Tới tháng 8, Hanjin đã chính thức nộp đơn lên tòa án để xin phá sản.

Theo ông Wang, ảnh hưởng của Hanjin Shipping cũng giống như ảnh hưởng của Lehman Brothers tới thị trường tài chính. “Quả bom hạt nhân” mang tên Hanjin đã, đang và sẽ gây chấn động chuỗi cung ứng – nền tảng của việc toàn cầu hóa.

Hanjin hiện có 93 chiếc tàu, trong đó có 79 tàu container, đang bị mắc kẹt tại 51 cảng ở 26 quốc gia. Điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong mùa cao điểm của vận chuyển – thời điểm các cửa hàng tại Mỹ bổ sung hàng hóa trước dịp lễ mua sắm bận rộn nhất năm. Chủ sở hữu và công ty mẹ của Hanjin đang trong quá trình giải ngân nhằm phá vỡ sự bế tắc hiện nay và giúp các công ty đang có hàng hóa trên các chuyến tàu.

Ông Wang cho biết tác động của Hanjin với Seaspan chỉ ở mức nhỏ, thậm chí còn mang lại tín hiệu tích cực khi giá cước vận tải tăng trong ngắn hạn. Với 90 đội tàu của Seaspan đang hoạt động, tỷ lệ cho thuê tàu của công ty này đã đạt hơn 90% trong dịp nghỉ lễ năm nay.

Sự sụp đổ của Hanjin thúc đẩy cước vận chuyển đường biển

Ông Wang cho biết giá cước vận chuyển đang tăng một cách “điên cuồng” trong ngắn hạn bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ an toàn tăng mạnh. Mặc dù không đưa ra bất kỳ dự báo nào trong dài hạn nhưng ông Wang chắc chắn rằng sự sụp đổ của Hanjin sẽ tác động tích cực tới cung- cầu trong ngành vận tải biển.

Chủ tịch Cho Yang Ho của Hanjin đã hoàn tất việc giải ngân 40 tỷ Won (tương đương 36 triệu USD) để giúp các công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đó 3 ngày, cổ đông lớn nhất của Hanjin – công ty Korean Air Lines Co. – đã đồng ý bơm 60 tỷ Won để giải quyết các vấn đề liên quan. Một cựu chủ tịch của Hanjin cũng đã cam kết đóng góp 10 tỷ Won từ tài sản cá nhân để cứu trợ cho công ty cũ của mình. Chính phủ Hàn Quốc ước tính Hanjin Shipping cần ít nhất 600 tỷ Won để trang trải các chi phí chưa thanh toán như tiền xăng hay chi phí bốc dỡ hàng hóa.

Những đơn đặt hàng bị mắc kẹt

Ngày 12/9, Cảng vụ Busan cho biết Hanjing Shipping đang xem xét các phương án nhằm đưa các tàu bị mắc kẹt tại các quốc gia lân cận về cảng Busan. Trong khi chỉ số Kospi Index tăng 1,9% từ đầu năm tới nay thì cổ phiếu của Hanjin đã giảm tới 65%.

Sau khi Tòa án Phá sản Mỹ đứng ra bảo vệ tài sản của Hanjin khỏi các chủ nợ, công ty này cho biết tài sản của mình tại Nhật Bản, Anh và Singapore cũng đã được đảm bảo. Trong tuyên bố ngày 13/9, Hanjin cho biết họ sẽ cố gắng đạt được điều tương tự tại các quốc gia lớn khác như Đức, Italy hay Tây Ban Nha.

Hanjin tuyên bố: “Hanjin Shipping sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết càng sớm càng tốt sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.”

Công ty này cho biết chuyến tàu Hanjin Greece và Hanjin Gdynia đã cập bến. Dự kiến tiếp theo sẽ là chuyến tàu Hanjin Jungil.

Năng suất dư thừa và sự giảm tốc của thương mại toàn cầu đã khiến Hanjin Shipping phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 31/8. Tòa án tại Seoul (Hàn Quốc) đang xét xử trường hợp này và những giải pháp cho việc tái tổ chức hoặc thanh lý công ty sẽ được cân nhắc.

Ông Wang cho rằng tiền đang rút khỏi ngành vận tải biển. Trong dài hạn, điều đó đồng nghĩa với sự phát triển không bền vững của cả một lĩnh vực.

Theo Thạch Thảo

Cùng chuyên mục
XEM