Dự án đường sắt đội vốn 'khủng': Cơ quan điều tra sẽ làm rõ

06/06/2019 13:34 PM | Xã hội

Lý giải về nguyên nhân dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn từ 8.600 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án này được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2012, thời điểm xảy ra trượt giá rất lớn. Sắp tới, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí là cơ quan điều tra vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề.

Chưa biết bao giờ khai thác thương mại

Nêu chất vấn, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chỉ rõ hàng loạt những bất cập của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, tuyến đường sắt này được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2009, vốn ban đầu chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, được nâng lên hơn 18.000 tỷ đồng. Thời điểm khởi công, Bộ GTVT cũng dự kiến đưa tuyến đường sắt vào vận hành từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa vận hành thương mại. “Lý do gì tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù đã hoàn thành 99% nhưng tới nay vẫn chỉ chạy thử? Bộ GTVT có xem xét trách nhiệm liên quan việc đội vốn kéo dài dự án này hay không?”, ĐB Xuyền nêu.

“Dự án đường sắt đô thị này đã lỡ hẹn 7 - 8 lần rồi. Vậy khi nào dự án này sẽ đưa vào sử dụng và khai thác thương mại?”, ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) nêu chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án đường sắt đô thị còn mới mẻ. Cán bộ ngành đường sắt trình độ thực tiễn còn hạn chế, tư vấn cũng hạn chế. Do vậy, khi thực hiện các dự án đường sắt đô thị thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề. Đối với dự án đường sắt ở Hà Nội, theo ông Thể, có liên quan đến tổng thầu của Trung Quốc. Khi chúng ta ký hiệp định vay vốn với Trung Quốc thì bên Trung Quốc đã chỉ định tổng thầu, thực hiện dự án này.

“Khi thực hiện, chúng tôi thấy tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt, nhưng vận hành đường sắt lại chưa có kinh nghiệm. Bởi thi công đường sắt với vận hành tàu đường sắt đô thị khác nhau. Do vậy, chúng tôi đánh giá tổng thầu này còn thiếu kinh nghiệm. Chúng tôi đã làm việc với các bên của Trung Quốc để cải thiện tình hình, đưa dự án sớm vận hành”, Bộ trưởng Thể cho hay.

Bộ trưởng “hứa” làm hết trách nhiệm

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Thể cho biết, hiện dự án đã xong 99%, còn lại 1% là một số hạng mục nhỏ liên quan xây lắp. Đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống. “Chúng ta đã thuê tư vấn nước ngoài, trong đó Pháp là nước đứng đầu, sẽ đánh giá an toàn hệ thống. Nếu các thông số của tổng thầu không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn đường sắt. Chúng tôi đang cùng với tổng thầu, tư vấn sớm kết thúc 1% này. Có nghĩa là chứng nhận được tất cả các thiết bị an toàn hệ thống, lúc đó chúng ta mới đưa tuyến đường sắt vào vận hành được”, ông Thể cho hay.

Lý giải về nguyên nhân dự án đội vốn từ 8.600 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thể nói, dự án này được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2012, thời điểm xảy ra trượt giá rất lớn. Sắp tới, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí là cơ quan điều tra vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề. Những đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cố gắng phối hợp với các đơn vị liên quan sớm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là dự án đường đắt đô thị đầu tiên, liên quan đến sự an toàn, sinh mệnh của người dân, nên phải đảm bảo an toàn mới cho phép vận hành.

“Làm việc với tổng thầu, chúng tôi yêu cầu thay đổi người quản lý, đồng thời làm việc với đại sứ quán, các cơ quan chức năng để phía bạn cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành, quy trình sửa chữa an toàn để dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chúng ta còn rất nhiều dự án đường sắt đô thị, nếu dự án này có vấn đề thì những dự án khác sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi xin cam kết với ĐB sẽ cố gắng tối đa. nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Thể hứa trước Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, có 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn. Cụ thể: Đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư; dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.


THEO THÀNH NAM

Cùng chuyên mục
XEM