Sau khi vượt qua Thái Lan, Curacao sẽ là đối thủ của Việt Nam tại chung kết King's Cup - Curacao là đất nước nào vậy?
Đội tuyển Curacao xếp thứ 82 thế giới, Việt Nam đứng thứ 98, Thái Lan là 114, Ấn Độ là 101. Thậm chí đội tuyển Curacao còn sở hữu đội hình đắt giá nhất King’s Cup 2019 với nhiều cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ ở Anh hay Hà Lan.
Giải bóng đá King’s Cup tại Thái Lan đang thu hút được sự chú ý của người hâm mộ, nhất là khi đội tuyển Việt Nam vừa đánh bại đội Thái Lan ngay trên đất Thái. Tuy nhiên, thông tin về 1 số đội bóng tham gia giải đấu mới là điều khiến người hâm mộ cảm thấy thú vị.
Mang tiếng là giải đấu quốc tế nhưng King’s Cup chỉ có 4 đội tham dự gồm chủ nhà Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Curacao. Kỳ lạ hơn, đội bóng nghe lạ lạ Curacao mới là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch theo bảng xếp hạng của FIFA.
Theo đó, đội tuyển Curacao xếp thứ 82 thế giới, Việt Nam đứng thứ 98, Thái Lan là 114, Ấn Độ là 101. Thậm chí đội tuyển Curacao còn sở hữu đội hình đắt giá nhất King’s Cup 2019 với nhiều cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ ở Anh hay Hà Lan.
Ở buổi họp báo trước trận đấu với đối thủ Ấn Độ, HLV trưởng của ĐT Curacao Remko Bicentini tỏ rõ sự tự tin: "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được mời tham gia King’s Cup. Chúng tôi đã sẵn sàng cho trận đấu với Ấn Độ. Tất cả các cầu thủ của chúng tôi là những cầu thủ tốt nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ giành được chức vô địch để có bước chuẩn bị tốt trước Giải Cúp Vàng CONCACAF (Giải vô địch các quốc gia khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribe).
Ông Bicentini cũng đánh giá cao ĐT Việt Nam tại giải đấu này: ""Đối với Việt Nam, chúng tôi ngạc nhiên bởi sự phát triển của họ. Chúng tôi cảm thấy tốt khi tham gia cùng một giải đấu với các đội trong ASEAN."
Trước sự tự tin này, nhiều người đặt câu hỏi Curacao là nước nào? Nếu các bạn biết rằng đây là thuộc địa của Hà Lan với dân số chỉ bằng 1/47 Hà Nội nhưng lại là nền kinh tế cực kỳ phát triển chắc sẽ khá ngạc nhiên.
Curacao chỉ là 1 nước rất nhỏ ở Châu Mỹ Latinh
Lược sử
Trên thực tế, Curacao chỉ là 1 quốc đảo nhỏ ở miền Nam vùng biển Caribbean, cách bờ biển Venezuela 65km về phía Bắc. Quốc gia này chỉ rộng 444 km2, chỉ bằng 1/746 lần Việt Nam (331,210 km2), và dân số hơn 160.000 dân, chỉ bằng 1/47 dân số Hà Nội (7,782 triệu người).
Trước năm 2010, Curacao về kỹ thuật vẫn là 1 trong những thuộc địa của Hà Lan nhưng chưa có 1 thỏa thuận chính thức về cơ chế.
Công ty Tây Ấn Hà Lan là một trong những nhà xâm lăng tiên phong trên hòn đảo này trong thế kỷ 16-17. Đến thế kỷ 18-19, Curacao trở thành vùng tranh chấp qua lại của nhiều đế quốc như Anh, Pháp, Hà Lan. Tuy nhiên hà Lan vẫn là người chiến thắng sau cùng.
Năm 1863, đế quốc Hà Lan từ bỏ chế độ nô lệ tại Curacao, tạo nên cú hích cho nền kinh tế khi nhiều lao động của nước này xuất khẩu ra nước ngoài, như Cuba. Những người ở lại thuê đất từ chủ đồn điền và trả bằng sản phẩm hoa màu họ trồng được thay vì làm thuê như những nô lệ.
Đi kèm với đó, việc chính phủ Hà Lan phổ cập giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ cũng thúc đẩy trình độ tại Caracao. Sang đến đầu thế kỷ 20, tiếng Hà Lan đã trở thành ngôn ngữ sử dụng chính thức trên quốc đảo này.
Dẫu vậy, nền kinh tế Curacao chỉ thực sự bùng nổ vào năm 1914 khi mỏ dầu được phát hiện tại nước láng giềng Venezuela. Những công ty như Shell hay Exxon khai thác dầu thô tại Venezuela và chuyển đến Aruba hay Curacao để lọc dầu. Do khai thác dầu ở Venezuela khá rẻ nên thành phẩm lọc dầu tại Curacao có mức giá khá cạnh tranh trên thị trường.
Tiếc thay vào thập niên 1970, khủng hoảng thị trường dầu, dư thừa sản lượng và sự cạnh tranh gay gắt đã khiến ngành lọc hóa dầu của Curacao thua lỗ triền miên. Năm 1985, tập đoàn Shell đã phải đóng cửa nhà máy lọc dầu tại Curacao sau 70 năm hoạt động.
Hàng loạt tin tức xấu xuất hiện cho nền kinh tế Curacao thời kỳ này. Sự bất ổn chính trị và sụt giá của đồng Bolivar khiến lượng du khách Venezuela sụt giảm mạnh tại Curacao. Hãng vận tải Curacao Dry Dock cũng thua lỗ triền miên trong khi việc thắt chặt thuê ngoài trong mảng tài chính nhằm tránh trốn thuế của Mỹ khiến những thiên đường thuế như Curacao lao đao.
Cho đến tận đầu thập niên 2000, nền kinh tế Curacao vẫn chưa tìm thấy lối ra. Lượng người di cư khỏi nước này sang Hà Lan vẫn ngày một tăng. Trước tình thế đó, Curacao quyết định hợp thức hóa việc trở thành thuộc địa của Hà Lan sau những năm tháng mập mờ không rõ ràng.
Ngày 10/10/2010, Curacao chính thức trở thành thuộc địa của Hà Lan, qua đó chính quyền Amsterdam sẽ chịu trách nhiệm quốc phòng và đối ngoại cho Curacao. Đồng thời, Hà Lan cũng sẽ thanh toán toàn bộ các khoản nợ cho Curacao cũng như quản lý mảng tài chính cho quốc đảo này. Nhờ đó, Curacao rảnh tay để tập trung phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội, không phải tốn nhiều nguồn lực cho những mảng khác.
Tổng quan kinh tế, xã hội, thể thao
Curacao là 1 nền kinh tế mở với nguồn thu chủ yếu từ du lịch, vận tải biển, lọc hóa dầu, chứa dầu hay những dịch vụ tài chính, thiên đường thuế cho các tập đoàn quốc tế. Mặc dù diện tích nhỏ với dân số không nhiều nhưng Curacao trên thực tế có đồng tiền riêng và là một nền kinh tế phát triển có chất lượng sống cao.
Theo Cục tình bào trung ương Mỹ (CIA), GDP tính theo sức mua bình quân (PPP) của Curacao năm 2012 là 3,128 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 15.000 USD vào năm 2004. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 555,6 tỷ USD năm 2017 và 1 USD đổi được 1,79 Curacao Dollar (ANG).
Xếp hạng theo GDP thực bình quân đầu người, Curacao đứng thứ 47 thế giới (Việt Nam đứng thứ 128), còn theo GDP danh nghĩa bình quân đầu người là thứ 27 (Việt Nam đứng thứ 137). Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng đánh giá Curacao là một nền kinh tế có thu nhập cao. Curacao có những đặc khu kinh tế phát triển vùng cảng biển và đang cố gắng đa dạng hóa thị trường để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, Curacao còn có chiến lược "Open Arm" nhằm thu hút những tập đoàn công nghệ đến đây kinh doanh, qua đó tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Curacao không nghèo nàn hoang sơ như những vùng du lịch khác đâu nhé
Nhờ sự đa dạng hóa trong cấu trúc kinh tế và hỗ trợ tài chính của Hà Lan mà Curacao vẫn sống sót qua cuộc khủng hoảng thập niên 1970 đến nay, đồng thời duy trì một chất lượng sống khá cao.
Trong mảng du lịch, dù chúng là nguồn thu lớn của Curacao nhưng nền kinh tế này không quá phụ thuộc vào đó như nhiều quốc gia Châu Mỹ Latinh khác. Curacao là nước có tăng trưởng du lịch bằng du thuyền nhanh nhất thế giới với 41,4% trong suốt những năm qua. Sân bay quốc tế Hato International Airport đã tiếp nhận gần 1,8 triệu du khách năm 2013 và đang đầu tư thêm 48 triệu USD để trở thành trung tâm vận tải của thế giới.
Với những bãi biển tuyệt đẹp cùng rặng san hô lớn, Curacao được đánh giá là 1 trong những địa điểm du lịch đẹp nhất tại vùng biển Caribbean. Ngoài ra, sự phát triển về kinh tế khiến mảng mua sắm, ẩm thực, văn hóa tại đây cũng phát triển không kém chứ không hoang sơ như nhiều địa điểm khác.
Về mảng tài chính, Curacao có lịch sử từ Thế chiến I với những nghiệp vụ cho vay cộng đồng. Bởi vậy bước sang thế kỷ 20, Curacao nghiễm nhiên trở thành 1 trong những thiên đường thuế hấp dẫn nhất Caribbean với mảng tài chính, ngân hàng hoàn thiện. Tuy nhiên do được đánh giá là thiên đường thuế nên nhiều nước như Mỹ hay Liên minh Châu Âu (EU) đã siết chặt các biện pháp quản lý với nền kinh tế này.
Curacao là 1 quốc gia tươi đẹp với nền chất lượng sống cao
Một điều khá thú vị nữa của Curacao là mại dâm được cho phép với phụ nữ nước ngoài. Nói cách khác, nghề mại dâm là hợp pháp với những phụ nữ có thị thực làm việc tạm thời ở Curacao. Việc mua dâm cũng là hợp pháp tại đây kể cả với nam giới bản địa. Với dân số quá ít ỏi và ngành du lịch phát triển, khá dễ hiểu tại sao Curacao lại đồng ý việc này.
Trớ trêu thay, Bộ Ngoại giao Mỹ lại cáo buộc chính sách này của Curacao đang giúp đỡ nạn buôn người ở Châu Mỹ Latinh khi các cô gái bị bắt ép, vận chuyển trái phép từ các nước láng giềng đến Curacao hành nghề mại dâm.
Về ngôn ngữ, hầu hết người dân Curacao đều nói được ít nhất 2 thứ tiếng. Những ngôn ngữ chính của Curacao là tiếng bản địa (Papiamentu), tiếng Hà Lan, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Văn bản chính thức của chính phủ chỉ được viết bằng tiếng Hà Lan nhưng có đến 81,2% dân số Curacao vẫn giao tiếp bằng tiếng bản địa.
Về thể thao, Curacao phát triển khá toàn diện do có sự kết nối với Hà Lan cũng như nhiều nước Châu Âu. Khủng hoảng kinh tế cũng khiến nhiều người dân nước này ra nước ngoài chơi cho các đội quốc tế. Do thừa hưởng sự tác động từ Hà Lan mà nền bóng đá Curacao khá phát triển với nhiều cầu thủ chơi cho nước ngoài cũng như được đánh giá cao trên bảng xếp hạng FIFA.
HLV trưởng đội tuyển Curacao tại King's Cup, ông Remko Bicentini