Đây là cách lao động Việt Nam, Trung Quốc trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế Nhật trước chính sách cấm nhập cư
Câu chuyện của những lao động xuất khẩu người Việt Nam, Trung Quốc...qua lời kể của một người 'tiền mất tật mang' vừa trở về từ chính đất Nhật Bản
Cô Liu Hongmei cảm thấy chán công việc của mình tại một nhà máy quần áo ở Thượng Hải - nơi cô phải làm việc trong nhiều giờ liền mà chỉ được trả đồng lương ít ỏi.
Vì vậy, cách đây ba năm, cô quyết định tìm công việc mới tại Nhật Bản. Đó là một công việc tại một nhà máy may – nơi hứa hẹn trả cho cô số lương tháng gấp 3 lần tiền lương 430 USD/thángcô nhận được ở Trung Quốc. Cô hy vọng với mức lương này, mình sẽ mang về được hàng nghìn USD cho gia đình nhỏ vừa chào đón thêm một thành viên của mình.
Nhớ lại với sự bồi hồi, cô nói: "Đó dường như là một cơ hội lớn"
Đúng! Mức lương được vẽ ra quá hậu hĩnh khiến cô Liu đã gọi nó là ‘cơ hội’. Bằng việc hợp pháp hóa dưới dạng thực tập sinh, công việc chính của cô là: Ủi và đóng gói quần áo phụ nữ. Trên thực tế, cô Liu đã chính thức bước vào thế giới với nhiều mảng tối của những người công nhân tại Nhật Bản - những lao động hạng hai người nước ngoài, đến chỉ để lấp đầy khoảng trống những công việc mà người Nhật ‘không thèm’ làm.
Cô Liu Hongmei (ngoài cùng bên phải) và đoàn công nhân may Trung Quốc tới Nhật Bản
Nhật Bản, cũng giống như Mỹ hay các nước phát triển khác, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động chịu làm các công việc ‘cấp thấp’ trong xã hội: hái rau, thu dọn nhà bếp hay rửa chén tại nhà hàng. Hơn nữa, ở xứ sở hoa anh đào chuyện nhập cư lại rất khắc nghiệt: Từ lâu, Nhật Bản đã chủ trương 'cấm cửa' người nước ngoài nhập cư.
Đến bây giờ, điều này hóa ra lại không hề tốt cho kinh tế của đất nước đang già cỗi. Các ngành công nghiệp của Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng những lao động chịu làm các công việc ‘cấp thấp'. Chính điều này đã kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Nhật.
Cầu lao động thì có nhưng nguồn cung thì hạn chế do pháp luật không cho phép, các lao động nước ngoài đã tìm đủ mọi cách để đặt chân lên đất Nhật Bản với hy vọng về một sự đổi đời trong cuộc sống của họ.
Thế nhưng cũng vì những cuộc ‘đi đêm’ để xuất khẩu lao động này là trái phép, những người lao động có thể gặp phải nguy cơ bị lạm dụng sức làm việc, hoặc thậm chí là bị lừa đảo.
Cô Liu chính là một người như vậy. Dù coi cuộc sống phía trước là cơ hội, nhưng cô vẫn hết sức nghi ngại về tương lai của mình. Cô đến Nhật Bản trong nợ nần, sau khi đã đi vay 7000 đô la để chuẩn bị thị thực.
Đến khi sang Nhật, Liu bàng hoàng nhận ra những điều kiện làm việc là hết sức nặng nề và mức lương thấp hơn cô tưởng rất nhiều. Cô nói trong cay đắng: “Họ đối xử với chúng tôi như những nô lệ...".
Danh xưng mỹ miều 'thực tập sinh' và sự 'bật đèn xanh' ngấm ngầm của Chính phủ Nhật
Đâu là thủ thuật giúp các công ty môi giới xuất khẩu lao động qua mặt được các nhà chức trách Nhật Bản? Đó là những 'chương trình thực tập do Chính phủ tài trợ’. Đây là tên gọi của chương trình được sinh ra để hợp pháp hóa lệnh cấm của Nhật Bản đối với những người nhập cư làm các công việc giản đơn.
Cô Liu và các công nhân khác cũng đến Nhật thông qua hình thức này. Về mặt pháp lý, những gì mà Liu làm ở nhà máy tại Nhật Bản như ủi và đóng gói quần áo được coi là “thực tập”; bản thân cô được gọi là “thực tập sinh” hoặc “tu nghiệp sinh”, nhưng thực ra cô chỉ được làm những công việc giản đơn mà người bản xứ 'không thèm' làm.
Một công việc giản đơn phổ biến ở Nhật Bản có thể kể ra nữa là hái rau tại các cánh đồng. Các chuyên gia cho biết, nhiều trang trại, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các nhà sản xuất sẽ rất khó tồn tại nếu không có những 'thực tập sinh nước ngoài' như cô Liu. “Trên thực tế, gần như tất cả rau củ bán trong các siêu thị ở Tokyo đều do thực tập sinh thu hoạch”, Kiyoto Tanno, giáo sư tại Đại học Tokyo Metropolitan, cho biết.
Một căn ký túc của các 'thực tập sinh'
Vậy, câu hỏi là tại sao những chương trình 'thực tập' này lại có thể tồn tại ? Đơn giản là vì nó được bật đèn xanh bởi chính Chính phủ Nhật Bản.
Tình trạng lao động thiếu hụt trầm trọng khiến các doanh nghiệp phải 'cầu cứu' sự trợ giúp của Chính phủ. Theo NYTimes, Do không thể đi ngược lại với luật mình đã đề ra, Chính phủ Nhật đã cố tình tạo ra những khe kẽ luật pháp để những người như cô Liu có thể đặt chân đến Nhật. Kết quả là hàng trăm ngàn lao động giản đơn đã đổ tới Nhật từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Các chương trình thực tập sinh này phải nói là rất 'đắt khách'. Trong vòng 5 năm qua, các chương trình này chứng kiến số lượng người tham gia tăng gấp đôi. Thậm chí, Chính phủ Nhật thậm chí còn có kế hoạch tiếp tục mở rộng các chương trình này.
Cụ thể, điều mà các nhà chức trách Nhật Bản có thể làm là kéo dài tối đa thời gian mà một thực tập sinh nước ngoài có thể ở lại trên đất Nhật. Các công việc giản đơn được tạo ra nhiều hơn như làm việc trong các trại dưỡng lão, các công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp khách sạn và văn phòng. Từ đó, thời gian một 'thực tập sinh' ở lại 'cống hiến' trên đất Nhật sẽ là 5 năm thay vì 3 năm như trước.
Là đi ngược lại những quy định của luật pháp Nhật Bản nhưng là có ích cho nền kinh tế, những động thái này của Chính phủ Nhật được các doanh nghiệp rất ủng hộ. Vì thế, ông Yoshio Kimura, một nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã có lần nói thẳng rằng: “Những gì chúng tôi đang làm thực sự là nhập khẩu lao động. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần lao động nước ngoài”.
Vạch trần cuộc sống của 'thực tập sinh': Bóc lột, tai nạn lao động và sự lừa đảo
Thế nhưng, "sự tăng trưởng nhanh về số lượng thực tập sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy như tình trạng bóc lột lao động và lừa đảo" - Nobuya Takai, một luật sư bảo vệ cho các 'thực tập sinh' trong các tranh chấp lao động nói.
Ông này cũng vạch trần sự thật rằng các công ty Nhật không hề trực tiếp thuê thực tập sinh mà thông qua một hệ thống trung gian. Đồng thời, hầu hết các 'thực tập sinh' đều đã phải chi hàng ngàn USD tiền phí môi giới trước khi họ có thể đến Nhật Bản.
Thị thực của người lao động cũng gắn họ với một công ty, một ông chủ duy nhất. Vì thế, khả năng họ gặp phải những chủ lao động xấu sẽ là rất cao. Ông Takai nói: “Họ không thể thay đổi công việc, còn nếu trở về nhà, họ sẽ mất trắng tiền bộ tiền"
Trong một cuộc điều tra tờ New York Times đã tìm gặp một số 'thực tập sinh' tại Nhật Bản. Tất cả họ đều cho hay mình đã phải mất từ 7.000 - 11.000 USD phí môi giới để sang được đến đất Nhật. Hầu hết trong số họ đều phải vay mượn từ người thân hoặc ngân hàng.
Có thể kể đến là Cao Bao - 33 tuổi đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, sang Nhật làm việc cho Công ty Kishimoto - nhà sản xuất, cung cấp phụ tùng ô tô. Cao cho biết các 'thực tập sinh' bị bắt quét dọn và sơn nhà máy vào ngày nghỉ và hoàn toàn không được trả lương. Sau khi khiếu nại, Cao đã ngay lập tức bị sa thải.
Đây là Cao Bao - người lao động đã bị đuổi việc sau khi thắc mắc vì mức lương 'bóc lột' mình được trả
Đó là Tham Thi Nhung, 32 tuổi, người Việt Nam. Cô cùng 6 nữ công nhân may người Việt Nam đã phải may quần áo quần quật từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm tại một xí nghiệp may mặc ở tỉnh Aichi, vùng công nghiệp miền trung Nhật Bản, mà không được nghỉ ngày nào.
Hồi tháng 11/2016, sau khi họ phàn nàn chỉ được trả công 712 USD/tháng, bà chủ xí nghiệp đã gửi thư thông báo đóng cửa xí nghiệp và họ đều bị đuổi việc. Nhung nói: “Bà ta (chủ xí nghiệp) nói không thể trả lương thêm nữa nữa, và nói với chúng tôi rằng một là làm việc tiếp, hai là biến về Việt Nam".
Do lao động chui, tình trạng tai nạn lao động cũng là một vấn đề. Các dữ liệu của Chính phủ Nhật về tai nạn ở nơi làm việc cho thấy 'thực tập sinh' có nhiều khả năng bị tổn thương trong công việc hơn so với công nhân bản xứ.
Đây là hệ quả của việc đào tạo kém, rào cản ngôn ngữ hoặc do các thực tập sinh được giao làm những việc nguy hiểm hơn. Từ năm 2010, đã có 2 thực tập sinh tử vong vì làm việc quá sức.
Và đoạn kết buồn trong câu chuyện của cô Liu: Trở về thất thiểu, tiền mất trong cay đắng
Hãy quay về với câu chuyện của cô Liu ở đầu bài viết để xem cô đã được đối xử như thế nào trên đất Nhật Bản. Chủ của cô là Takeshi Nakahara, 50 tuổi, người sở hữu vài cơ sở may mặc nhỏ ở Gifu, gần Aichi.
Ông Takeshi cho hay ông đã sử dụng các thực tập sinh Trung Quốc từ 15 năm trước vì không có người Nhật nào muốn làm việc trong ngành dệt may. “Trả lương thấp là cách duy nhất để chúng tôi có thể cạnh tranh với các nhà máy nước ngoài giá rẻ” - Ông giải thích.
Ông Takeshi cũng thừa nhận ông đã trả cho cô Liu và các công nhân Trung Quốc khác một mức thấp hơn lương tối thiểu làm thêm theo quy định. Nhưng ông cho rằng, ý tưởng đó chính là của Liu và các đồng nghiệp của cô.
“Họ yêu cầu làm thêm giờ nhiều hơn và sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn quy định” - Ông nói. Khi các 'thực tập sinh' như cô Liu kiện nhà máy để đòi tăng lương, ông Takeshi đã cảm thấy bị phản bội.
Zhen Kai - người đàn ông đã giúp cô Liu
Cô Liu và các công nhân Trung Quốc đã tìm đến sự giúp đỡ từ Zhen Kai, một nhà hoạt động người Trung Quốc đã sống ở Nhật Bản nhiều chục năm. Ông Zhen đã đàm phán với ông chủ Takeshi để bắt vị này đền bù cho các công nhân Trung Quốc như cô Liu.
Mức đền bù ban đầu được đặt ra là mức 5800 USD. Do chán nản và nhớ nhà, cô Liu đã chấp thuận mức đền bù đó, dù nó còn ít hơn số tiền cô đã đi vay để làm thị thực, và chuẩn bị trở về Trung Quốc. Trong khi đó, 4 phụ nữ khác đã quyết định ở lại Nhật Bản để đấu tranh đòi mức bồi thường nhiều hơn. Một vài tuần sau, họ được chấp nhận mức bồi thường 10.000-16.000 USD.
Trở lại với cô Liu, khi được hỏi cô đã có những trải nghiệm gì trong quá trình “đào tạo” tại Nhật, cô chỉ cười chua chát và nói. “Toàn là những khó khăn gian khổ...”