Đà Nẵng giải cứu đất vàng: Hồi sinh những dự án triệu đô
Hàng loạt dự án “chết lâm sàng” tại các khu đất vàng giữa trung tâm Đà Nẵng bắt đầu hồi sinh khi các đại gia đổ hàng trăm triệu USD vào bắt tay liên kết, hợp tác đầu tư.
Tại cuộc họp về thu - chi ngân sách năm 2016, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã một lần nữa nhắc lại tình trạng người có tiền nhưng không có đất để triển khai dự án, trong khi nhà đầu tư có đất nhưng không làm hoặc không thể làm được vì thiếu vốn, phải cầm cố hay thế chấp cả dự án để vay tiền ngân hàng .
Vì thế, Chủ tịch Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ cho hay, “chúng tôi tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là dự án ở các khu ‘đất vàng’ trên địa bàn thành phố”.
Rục rịch tái khởi động
Sau gần 5 năm “án binh bất động”, đầu tháng 3/2016, dự án Tổ hợp Ánh Dương tại khu đất vàng bên bờ biển Đà Nẵng do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) được khởi động trở lại. Một nhà đầu tư mới là “đại gia” PPCAT - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng An Thịnh Việt Nam đổ thêm 10.000 tỷ đồng đổi tên thành Dự án Tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng.
Dự kiến, tòa nhà căn hộ - khách sạn đầu tiên 47 tầng được động thổ trong tháng 3 này và sẽ xây dựng trong vòng 17 tháng. Giai đoạn I sẽ hoàn thiện vào tháng 11/2017 để kịp đón Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng.
Việc “thay tên, đổi họ” cho các dự án “treo” ở Đà Nẵng đã từng được các nhà đầu tư bắt tay thực hiện.
Tổng giám đốc Đất Xanh miền Trung Trần Ngọc Thành cho hay, 3 năm qua, công ty đã bắt tay liên kết đầu tư với hàng loạt đối tác, như dự án Khu phố chợ Điện Ngọc, dự án Ngân Câu - Ngân Giang, dự án Aurora Da Nang, dự án Nam Trân Central Park... Đất Xanh miền Trung đã rót hàng trăm tỷ đồng vào các dự án này để hoàn thiện hạ tầng, tiện ích đồng thời phụ trách khâu tiếp thị và bán hàng để thu hồi vốn.
Tại nhiều dự án lớn, hàng loạt thương vụ chuyển nhượng với sự xuất hiện của những “ông lớn” tên tuổi, như Công ty CP Đầu tư Nhà quốc gia N.H.O tiếp quản dự án khu chung cư Deawon (Hàn Quốc); Tập đoàn Alphanam tiếp quản Dự án Golden Square của Công ty CP Địa ốc Đông Á; dự án Đà Nẵng Center của Công ty Vũ Châu Long đang làm thủ tục chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Co.op Mart,...
Mua bán - sáp nhập là tất yếu
Ông Đỗ Minh Dương, một chuyên gia bất động sản, cho biết, thông thường, việc hồi sinh dự án sẽ diễn ra theo hai cách: hoặc là mua lại toàn bộ dự án hoặc là hợp tác đầu tư. Cả hai cách này đều diễn ra dưới hình thức bơm vốn thực hiện dự án để chia sẻ quyền kinh doanh.
“Ngay dự án Tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng, PPCAT đã mua lại Tổ hợp Ánh Dương, đổi tên dự án đồng thời giành quyền quyết định toàn bộ với dự án này từ khâu thiết kế, thi công. Tất nhiên, để được trở thành chủ đầu tư, PPCAT phải trả cho HUD Holdings một số tiền rất lớn. Đó là chưa để khoảng tiền 10.000 tỷ đồng để đầu tư dự án. Điều này không phải DN nào cũng có khả năng” - ông Dương phân tích.
Theo ông Dương, nếu không đủ năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức hợp tác đầu tư để “hồi sinh” nhiều dự án dưới hai hình thức: đóng tiền theo tiến độ dự án đồng thời kêu gọi người mua góp vốn hoặc trả tiền một lần cho chủ đầu tư, sau đó tìm khách hàng để bán. Với hình thức này, do không cần phải có tiềm lực tài chính mạnh nên được rất nhiều DN lựa chọn.
Theo giới phân tích, việc hàng loạt dự án BĐS tại các khu đất vàng trung tâm Đà Nẵng “khởi công rầm rộ rồi để đó” là hậu quả sự nóng vội của chính quyền đã kiểm tra chưa kỹ năng lực thực sự của chủ đầu tư trước khi cấp phép một cách ào ạt, để lại hậu quả không thể xử lý một sớm một chiều.
Chẳng hạn, dự án Danang Center của Công ty CP Địa ốc Vũ Long Châu 5; dự án Golden Square của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á; dự án Viễn Đông Meridian Tower hay dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước do Cty TNHH Dae Won Cantavil (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư,... án binh bất động gần chục năm nay.
Vì thế, việc mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu của thị trường, đã được chính quyền TP. Đà Nẵng “bật đèn xanh” như lối thoát hiểm duy nhất cho các chủ dự án.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, không phải dự án nào cũng có thể “sống” lại, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như diễn biến thị trường thời điểm được rót vốn đầu tư, năng lực của chủ đầu tư mới,...
Ông Đỗ Minh Dương, một chuyên gia BĐS, cảnh báo, đặc thù thị trường nhà đất Đà Nẵng là còn manh mún nhỏ lẻ. Sự lên xuống của thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nhà đầu tư đến từ Hà Nội và TP.HCM. Nếu nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng đại gia này giảm, tất yếu thị trường sẽ khó khăn, nếu không muốn nói là đóng băng.
“Chủ đầu tư dự án tại Đà Nẵng sau khi nhận chuyển nhượng cần lưu ý: phải luôn xác định rõ đối tượng khách hàng trước khi bắt tay thực hiện dự án. Việc tính toán giá bán phải sát với túi tiền của người dân địa phương và các đối tượng muốn định cư ở đây mới mong dự án thành công”, ông Dương khuyến cáo.